Người Nùng (ở giữa) đi chợ sắm Tết.
Trước kia, phụ nữ Nùng thường trồng bông, dệt và nhuộm vải chàm để tự cắt may trang phục của dân tộc mình. Mỗi bộ trang phục của các nhóm Nùng ở từng địa phương cơ bản đều giống nhau, chỉ khác nhau về cách phối hợp màu sắc trên cổ áo, tay áo hoặc cách chọn màu vải.
Trang phục nữ của người Nùng An gồm có áo trắng ngắn mặc bên trong, áo dài đến gần gối mặc bên ngoài, khâu nối từ bốn tấm vải nên gọi là áo tứ thân, có bốn cúc cài chéo nách phải, áo dài cổ đứng, trên diềm đen, dưới diềm xanh, hai đường chỉ khâu nối, ống tay áo xắn lên để lộ bên trong khâu miếng vải xanh, đắp vải trắng, có đường chỉ viền đen trên nền trắng; hai bên tà cũng khâu đắp vải màu xanh ở trên, màu trắng ở dưới.
Phụ nữ Nùng An và Nùng Đen mặc tương tự như nhau, quần áo đều màu chàm, không trang trí các màu khác; đi giày vải tự khâu; khi đi chợ, đi chơi đeo chiếc túi vải được may bằng thổ cẩm.
Phụ nữ Nùng U mặc áo cánh rộng, ngắn đến thắt lưng, cài khuy giữa, cúc áo bằng bạc; cổ, gấu và tay áo có trang trí bằng những băng vải hoặc chỉ khác màu, thường là xanh, trắng... Váy của phụ nữ Nùng U rất rộng, dài đến mắt cá chân, khi mặc quấn túm hết ra phía sau, giắt vào thắt lưng.
Người Nùng ở Tuyên Quang sống tập trung ở huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa và Yên Sơn, trải qua bao thế hệ người Nùng vẫn giữ được nét văn hóa truyển thống của dân tộc mình, đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết