Thừa tuyên Tuyên Quang
Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh thời thịnh trị. Nhà vua có nhiều chính sách tiến bộ quản trị đất nước, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng như đặt chức quan hà đê và khuyến nông; lệnh cho các xứ, các phủ, huyện những nơi ruộng vụ mùa có thể chứa nước làm vụ chiêm thì sai quan hà đê và khuyến nông đi xem xét địa thế đốc thúc dân bồi đắp để trồng cấy kịp thời; định luật Hồng Đức; xét định chế độ quân ngũ; lệnh cho các địa phương điều tra hình thế sông núi, sự tích xưa nay của các nơi trong hạt mình, vẽ thành bản đồ ghi chú rõ ràng để định bản đồ toàn quốc.
Năm 1466: Chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Mỗi đạo đều đặt hai ty: Đô ty và thừa ty. Theo đó, sau Cách mạng tháng Tám gọi ty là. Quan chức ở đô ty đặt chức tổng binh và phó tổng binh. Đồng thời đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trang 683).
Di tích lịch sử Thành Tuyên Quang (TP. Tuyên Quang).
Năm 1466 ra đời thừa tuyên Tuyên Quang, một trong 12 đơn vị hành chính trực thuộc triều đình, được xem là năm thành lập tỉnh Tuyên Quang. Đến nay tỉnh Tuyên Quang trải hơn 550 năm tồn tại.
Năm 1489: Chia trong nước làm 13 thừa tuyên: Gồm 12 thừa tuyên trước đó, nay lập mới thừa tuyên Quảng Nam.
Năm 1490, tháng 4, ngày 4, xác định bản đồ toàn quốc: 13 xứ thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường. Theo Hồng Đức bản đồ thì Thừa tuyên Tuyên Quang gồm Phủ An Bình, huyện Phúc Yên và 5 châu là Thu Vật, Lục An, Đại Man, Bình Nguyên và Bảo Lạc.
Địa giới thừa tuyên Tuyên Quang thời đó trùng với địa giới tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang, huyện Yên Bình, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), huyện Bảo Lâm, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) hiện nay. Sự kiện xác định bản đồ toàn quốc năm 1490, một lần nữa chứng tỏ, Tuyên Quang là đơn vị hành chính trực thuộc triều đình, ngang hàng với các thừa tuyên khác.
Tuyên Quang trở lại là trấn
Năm 1533, hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật nổi lên từ đất Thu Châu, Tuyên Quang. Văn Uyên dâng biểu Phò Lê, diệt Mạc. Vua Lê phong Vũ Văn Uyên tước Gia quốc công, trấn giữ Tuyên Quang. Uyên chết, Văn Mật nối chức. Con, cháu Uyên, truyền nối, bốn đời đều được phong tước công. Đến khi Khoan quận công Vũ Công Tuấn làm phản trốn sang Vân Nam, năm 1689, bị Lê Hải và Nông Văn Cương hội họp ở biên cảnh, bắt được đem về giết đi.
Từ đây triều đình mới lại sai quan đến giữ địa phương này mà thuộc quyền thống thuộc của trấn thủ Hưng Hóa.
Năm 1713, đặt chức lưu thủ riêng của từng trấn. Bổ dụng Trần Công Tôn trấn thủ Hưng Hóa, Phạm Gia Vượng trấn thủ Tuyên Quang. Hưng Hóa và Tuyên Quang lại chia ra hai trấn bắt đầu từ đây. Tỉnh Tuyên Quang dùng Bố chính sứ thụ lý Tuần phủ ấn vụ. Thư lại các ty tỉnh Tuyên Quang có 58 người.
Tỉnh Tuyên Quang
Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, vì e ngại sĩ phu Bắc Hà còn có nhiều người chưa quy phục, vua Gia Long bèn đặt chức Tổng trấn Bắc thành, quản trị 13 trấn: Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Năm 1831 vua Minh Mệnh hạ cấp Thăng Long từ thành xuống tỉnh, xóa tên Thăng Long, đặt tên mới Hà Nội (với nghĩa tỉnh ở trong song), bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành (nhằm tập trung quyền lực vào tay triều đình Huế), đổi 13 trấn từ Quảng Trị trở ra thành tỉnh. (Trước đó, các địa phương miền Nam trực thuộc triều đình đã gọi là tỉnh - Nam Kỳ lục tỉnh).
Địa giới tỉnh Tuyên Quang vẫn như thừa tuyên Tuyên Quang thời Lê gồm phủ Yên Bình, huyện Hàm Yên và 5 châu là Vị Xuyên, Thu Châu, Đại Man, Lục Yên và Bảo Lạc. Trong đó, bốn châu huyện Vĩnh Điện, Để Định, Vị Xuyên, Chiêm Hóa thuộc phủ An Ninh; bốn châu, huyện Thu Châu, Hàm Yên, Lục Yên, Vĩnh Tuy thuộc phủ An Bình. Phủ lỵ An Ninh ở làng Mông Ân, Vĩnh Điện. Phủ lỵ Yên Bình ở làng Đại Đồng, Thu Châu. Huyện lỵ Để Định ở làng Mậu Duệ. Huyện lỵ Vị Xuyên ở làng Võ Điếm. Châu lỵ Chiêm Hóa ở làng Khúc Phụ. Huyện lỵ Hàm Yên ở làng Ỷ La. Châu lỵ Lục Yên ở làng Thuận Mục. Huyện lỵ Vĩnh Tuy ở làng Gia Tường.
Năm 1835: Các hạt Bình Trị… Ninh Thái (Bắc Ninh, Thái Nguyên), Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) đặt Tổng đốc, lĩnh công việc Tuần phủ, lấy các chức Đô thống, Thượng thư, Thống chế sung bổ... Thái Nguyên, Tuyên Quang thì dùng Bố chính sứ thự lý Tuần phủ ấn vụ.
Thành lập lại tỉnh Tuyên Quang
Năm 1885: Chia Bắc Kỳ thành Quân khu miền Đông và Quân khu miền Tây. Hà Nội và Tuyên Quang thuộc Quân khu miền Tây.
Năm 1888: Chia địa bàn từ Thanh Hóa trở ra thành 14 quân khu.
Tuyên Quang nằm trong Quân khu 3. Tách phủ Đoan Hùng gồm 3 huyện Ngọc Quan, Hùng Quan và Sơn Dương khỏi tỉnh Sơn Tây để sát nhập vào tỉnh Tuyên Quang.
Năm 1890: Chia Bắc Kỳ thành 11 quân khu, 22 tiểu quân khu.
Quân khu Tuyên Quang gồm Tiểu quân khu Tuyên Quang với 5 đồn binh: Tuyên Quang, Đồng Châu, Chiêm Hóa, Bắc Cạn, Chợ Rã và Tiểu quân khu Vĩnh Tuy với 6 đồn binh: Vĩnh Tuy, Yên Bình, Bắc Quang, Bắc Mê, Bảo Lạc, Hải An.
Tháng 6, tách châu Lục Yên ra khỏi tỉnh Tuyên Quang để sáp nhập vào tỉnh Lào Cai.
Năm 1891: Tháng 8, thành lập 4 Đạo quan binh ở Bắc kỳ.
Ngày 9 tháng 9, xóa bỏ tỉnh Tuyên Quang, phân chia địa bàn tỉnh này vào địa bàn của đạo quan binh 2 và đạo quan binh 3: Phủ Tương Yên đặt thành Tiểu quân khu Hà Giang thuộc Đạo quan binh 2; huyện Vĩnh Tuy đưa vào Tiểu quân khu Yên Bái; phủ Yên Bình đưa vào Tiểu quân khu Tuyên Quang thuộc Đạo quan binh 3.
Năm 1893: Chuyển Tiểu quân khu Hà Giang từ Đạo quan binh 2 sang Đạo quan binh 3. Chuyển Tiểu quân khu Yên Bái từ Đạo quan binh 3 sang Đạo quan binh 4.
Năm 1900: Ngày 11 tháng 4, thành lập lại tỉnh Tuyên Quang (tức là tách phần đất của tỉnh Tuyên Quang cũ ra khỏi Đạo quan binh 3). Địa bàn tỉnh gồm: Phủ Yên Bình với 2 huyện Hàm Yên, Sơn Dương và châu Chiêm Hóa. (Phủ Yên Bình có 1 huyện, 5 châu 282 xã; huyện Phúc Yên có 73 xã; châu Thu Vật có 55 xã; châu Lục Yên có 40 xã; châu Đại Man có 34 xã; châu Vị Xuyên có 60 xã; châu Bảo Lạc có 20 xã).
Về căn bản tương đương với địa bàn Tuyên Quang ngày nay (ngoại trừ huyện Yên Bình, năm 1956 mới cắt vào tỉnh Yên Bái).
Thành lập tỉnh Hà Giang từ phần đất còn lại của tỉnh Tuyên Quang trước đó. Như vậy Hà Giang trong Tuyên Quang gần 700 năm, từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX.
Năm 1904: Các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định được bổ nhiệm Tổng đốc, các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên và Tuyên Quang được bổ nhiệm Tuần phủ.
Gửi phản hồi
In bài viết