Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Gần 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Trung Quốc đã có chặng đường dài gắn bó, khăng khít, nhưng thực tế, mối quan hệ ấy có truyền thống lâu bền và sâu sắc hơn nhiều bởi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập với các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ những năm Người đến Quảng Châu hoạt động cách mạng.
Vừa là đồng chí, vừa là anh em
Ấn tượng đầu tiên là cảm nhận rõ hơn lúc nào hết hình ảnh sinh động "Núi liền núi, sông liền sông" đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước khi đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta tới sân bay quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông chỉ sau khoảng 1 giờ 30 phút khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân chọn Quảng Châu là điểm đặt chân đầu tiên bởi thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt. Năm nay tròn 100 năm kỷ niệm ngày đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu hoạt động cách mạng (11/11/1924-11/11/2024) với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản.
Những năm tháng ở nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, nhất là trong việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng ta. Hội đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tại căn nhà số 13 (nay là 248-250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, trong những năm từ 1924 đến 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam với tổng số 75 người. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính. Những bài giảng tại các lớp huấn luyện này đã được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn "Đường Kách mệnh", trở thành một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1971, căn nhà số 13 đã được Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là "Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên", thuộc sự quản lý của Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông. Di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Trung Quốc. Năm 2002, chính quyền thành phố Quảng Châu đầu tư tu sửa toàn diện di tích và khánh thành công trình vào ngày 30/4/2002, nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vô cùng ý nghĩa khi đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam tới thăm di tích "Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên" vào đúng dịp đất nước ta đang kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian "địa chỉ đỏ" thiêng liêng, những bức ảnh và hiện vật được bày biện, bố trí khoa học, trang trọng đã hiển hiện sống động những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Trong niềm xúc động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi sổ lưu bút, chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Đông luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn di tích. Đây là nơi đã đào tạo nên những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của Việt Nam; cũng là nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó, "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Một ấn tượng khó quên là trong khuôn khổ chuyến thăm, Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ rất xúc động với đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân của gia đình các tướng lĩnh cách mạng, các chuyên gia, cố vấn từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, các cán bộ, nhân viên đã và đang tham gia công tác bảo tồn các di tích liên quan đến cách mạng Việt Nam, nhân sĩ trí thức tiêu biểu của Trung Quốc... Tại buổi gặp mặt, một số nhân sĩ hữu nghị chia sẻ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động tại Trung Quốc, về những ngày tháng sát cánh cùng gian khổ, hy sinh… Đó là hồi ức của người y tá của Bệnh viện Nam Khê Sơn, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây; là chia sẻ của nguyên Chủ nhiệm Bộ phận Bảo tồn quản lý văn vật, Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông.
Quảng Châu là một trong số các thành phố thương mại sầm uất bậc nhất Trung Quốc. Có được sức bật như vậy chủ yếu là do thành phố đã phát huy được thế mạnh cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nổi tiếng như núi Bạch Vân, sông Châu Giang, của mảnh đất có lịch sử hơn 2.200 năm tích tụ chiều sâu văn hóa, bản sắc dân tộc… tạo nên sức thu hút thúc đẩy ngành du lịch và thương mại phát triển mạnh. Trong nhịp sống sôi động ấy, Quảng Châu luôn trân trọng, gìn giữ không gian truyền thống như Công viên Hoàng Hoa Cương - nơi có khu mộ 72 liệt sĩ cách mạng, trong đó có mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái; di tích "Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên"… càng thể hiện rõ tình cảm "vừa là đồng chí, vừa là anh em" Việt Nam-Trung Quốc.
Trong cuộc hội kiến, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh chia sẻ chân tình với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Nhân dân tỉnh Quảng Đông, nhất là ở thành phố Quảng Châu sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hữu nghị như những dòng suối nhỏ và cùng gắn bó hội tụ vào dòng sông lớn của mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công gây dựng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước vun đắp mãi mãi là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục không ngừng nuôi dưỡng, phát triển. Chia sẻ ấy càng như được khẳng định rõ thêm khi hội trường buổi gặp gỡ các nhân sĩ hữu nghị vang lên rộn ràng lời bài ca "Việt Nam-Trung Hoa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ai nấy đều thấy trong lòng ấm áp lạ thường.
Không ngừng vun đắp quan hệ, cùng hướng tới tương lai
Bắc Kinh trong những ngày qua đậm tiết thu với nắng vàng tươi, không khí mát mẻ, thuận lợi cho các hoạt động quan trọng của đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta.
Sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình; các cuộc hội kiến các đồng chí: Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế; Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh; Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN.
Tinh thần chung mà các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất là, chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện. Hai bên tăng cường tin cậy chính trị, duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; coi trọng vai trò định hướng chiến lược của kênh Đảng đối với tổng thể quan hệ song phương hai nước; kịp thời chia sẻ những thành quả mới nhất về lý luận và thực tiễn của mỗi Đảng, mỗi nước, có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào sự nghiệp của mỗi Đảng, mỗi nước. Hai bên tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững theo đúng phương châm "16 chữ", tinh thần "4 tốt".
Hiện thực hóa các quan điểm đó, hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Có 14 văn kiện ký và 2 bản tuyên bố được các bộ, ngành, cơ quan của hai nước bàn giao, thực hiện tại lễ ký.
Với nhiều nội dung quan trọng, nhiều tin tưởng và kỳ vọng đã được lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi, khẳng định, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được dư luận quốc tế và Trung Quốc rất quan tâm.
Theo ý kiến của một chuyên gia Trung Quốc, ông Quản Diêu, nhà bình luận cấp cao của Đài Truyền hình Thâm Quyến, dư địa hợp tác giữa hai nước rộng mở với nhiều lĩnh vực tiềm năng. Trung Quốc liên tiếp nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, của Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Cho nên hai nước hợp tác về kinh tế với chiều sâu hơn sẽ tích tụ động lực và tạo ra lợi ích thiết thực cho cả hai bên, nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, kinh tế số và kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông xuyên biên giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Theo Chuyên gia Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc-Việt Nam đang mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Về đầu tư song phương, hai bên còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều giữa hai bên. Các doanh nghiệp Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và những cơ hội kinh doanh mới mà thị trường Việt Nam sẽ mang lại.
Với những nỗ lực chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị liên quan của hai nước, chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc diễn ra rất thành công, hoàn tất toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hết sức trọng thị, nhiệt tình, chu đáo, thể hiện những tình cảm sâu sắc, chân tình, ấm áp của mối quan hệ truyền thống lâu dài đã được nhiều thế hệ các đồng chí lãnh đạo của hai nước dày công vun đắp, gần nhất là đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa anh em. Chuyên cơ nghiêng cánh rời Bắc Kinh trở về Hà Nội dưới bầu trời trong xanh, âm hưởng bài ca hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa vang mãi suốt chặng đường bay: Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông.
Gửi phản hồi
In bài viết