Quốc lộ 279, đường ĐT 188, 185, các tuyến đường liên xã Phúc Sơn, Thổ Bình, Minh Quang (Lâm Bình) là đoạn đường có lưu lượng phương tiện qua lại đông. Thế nhưng, cứ đến mùa gặt, mặt đường lại càng bị thu hẹp do một số người dân chiếm dụng lòng, lề đường để phơi thóc khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Công an huyện Lâm Bình tuyên truyền, giúp người dân dọn dẹp thóc để đường thông, hè thoáng.
Anh Vũ Tiến Đạo, tài xế xe tải ở thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn cho biết, hàng ngày anh đều chở hàng qua tuyến đường liên tỉnh 188 và 185. Vào mùa vụ, việc lưu thông trên đường gặp không ít khó khăn khi trên tuyến đường bị thu hẹp do người dân lấn chiếm phơi thóc. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn sử dụng gạch, đá, cành cây chắn lấn thêm phần đường ngoài phạm vi phơi thóc. Vì vậy, các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều. Nếu lái xe không tập trung xử lý, rất dễ gây tai nạn.
Không chỉ ở Lâm Bình, mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng xuất hiện tình trạng người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để thành sân phơi lúa. Theo thống kê, huyện Sơn Dương có trên 6.000 ha lúa mùa, tập trung ở các xã Đại Phú, Ninh Lai, Hợp Hòa, Phúc Ứng… Do quỹ đất eo hẹp, nhiều hộ gia đình đã lợp tôn ở sân nên bà con thường mang lúa ra phơi trên nhiều tuyến đường, đặt nhiều vật cản, gây nguy hiểm cho người đi đường. Hiện huyện cũng đã chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân tuyệt đối không chiếm dụng lòng, lề đường để phơi lúa.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết, từ khi tuyến ĐT 185 được bê tông, bên cạnh nhiều hộ gia đình phơi tại sân nhà thì có rất nhiều người mang lúa ra các tuyến quốc lộ, đường liên huyện, xã để phơi lúa, rơm gây cản trở giao thông. Thực tế xã đã chỉ đạo tuyên truyền trên loa phát thanh, giao nhiệm vụ cho các thôn quán triệt bà con không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để phơi lúa, tuy nhiên, một số vẫn không chấp hành. Địa phương cũng đã nhắc nhở một vài hộ dân, nhưng chưa xử phạt vì đây cũng là vấn đề phải giải quyết hài hòa, hợp lý. Nếu tái phạm nhiều lần địa phương sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Tình trạng các hộ dân biến đường thành nơi phơi lúa không phải là mới trong những năm qua nhưng luôn nóng vì thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi va chạm với các vật cản như gạch, đá, bảng biển, thân cây... Nghiêm trọng hơn, tại một số tuyến đường, bà con ngoài phơi lúa cũng phơi rơm rạ, dễ bắt lửa trong thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn hỏa hoạn.
Trước thực trạng trên, lực lượng Công an các huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ theo quy định của pháp luật.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, thời điểm này, bà con nông dân tập trung phơi lúa, rơm sau thu hoạch. Người dân cần cân nhắc, tính toán địa điểm, thời gian phơi hợp lý để không ảnh hưởng đến giao thông, sự an toàn của người tham gia giao thông cũng như chính bà con nông dân đang phơi lúa trên đường.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng.
Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, có khung hình phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù.
Gửi phản hồi
In bài viết