Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Ba trận thủy chiến lẫy lừng trong lịch sử
Sông Bạch Đằng còn có tên là sông Vân Cừ, sông Rừng, là con sông lớn nằm ở vùng đông bắc Việt Nam, có chiều dài 32km, hiện là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Điểm đầu của sông Bạch Đằng là Phà Rừng, nơi ngã ba hợp lưu của sông Đá Bạc và sông Giá, điểm cuối đổ ra biển Đông ở cửa Nam Triệu. Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống sông Thái Bình, có 5 nhánh sông phụ đổ vào và 3 nhánh đưa nước ra biển.
Trong lịch sử, sông Bạch Đằng có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ chiến lược của Việt Nam với biển Đông. Đây được xem là con đường thủy chủ chốt để đi theo hướng biển vào Đồng bằng Bắc Bộ và Thăng Long xưa, từ cửa Nam Triệu qua các sông Kinh Thầy, sông Đuống và sông Hồng. Chính vì vậy, trong nhiều cuộc xâm lược, các triều đại phương Bắc đã chọn sông Bạch Đằng là đường thủy tiến quân vào lãnh thổ nước ta. Trong lịch sử đã diễn ra ba trận thủy chiến lẫy lừng của quân dân nước Việt chống ngoại xâm.
Với chiến thắng Bạch Đằng đầu tiên vào năm 938, Ngô Quyền đập tan âm mưu xâm lược của quân Nam Hán, kết thúc nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc. Ngô Quyền được tôn xưng là vị Tổ Trung hưng của dân tộc.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai năm 981 gắn với tên tuổi nhà cầm quân tài ba - vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn). Trong cuộc xâm lược của nhà Tống, dưới sự chỉ huy tài ba của Lê Đại Hành, quân dân Đại Cồ Việt đã chiến thắng vẻ vang trước kẻ địch hùng mạnh.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, là chiến thắng oanh liệt của quân dân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy. Đây được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Cả ba trận chiến này đều có điểm chung là lợi dụng thủy triều của sông Bạch Đằng để bày trận cọc nhọn phá hủy chiến thuyền của giặc. Các trận chiến qua các thời kỳ khác nhau thể hiện tình đoàn kết của quân dân nước Việt, lòng căm thù ngoại xâm và khát vọng hòa bình, độc lập, tự chủ của dân tộc.
Nơi lưu giữ hào khí ngàn năm
Hơn 1.000 năm đã trôi qua kể từ trận Bạch Đằng đầu tiên. Những trận thủy chiến Bạch Đằng mãi lưu danh trong sử sách, là bài học, tấm gương chói ngời với hậu thế về truyền thống yêu nước. Sông Bạch Đằng đã trở thành con sông huyền thoại.
Trong bộ Cửu đỉnh vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho đúc năm 1835 đặt tại Kinh thành Huế, hình ảnh sông Bạch Đằng là một trong 9 con sông tiêu biểu ở Việt Nam, được khắc trên Nghị đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Bạch Đằng lại được triều đình nhà Nguyễn liệt vào hàng sông lớn, được chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông, coi Bạch Đằng như dòng sông thần giữ nước của dân tộc. Và Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi lưu giữ hào khí nghìn năm, thể hiện lòng tự hào dân tộc và ghi nhớ công lao của những anh hùng đã có công giữ nước.
Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm trong quần thể di tích và danh thắng Tràng Kênh, thuộc thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía đông bắc. Khu di tích này có diện tích khoảng 20ha, là nơi thờ tự, tưởng niệm những anh hùng dân tộc, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến sự kiện và nhân vật của những trận thủy chiến oai hùng năm xưa.
Tại đây, ban đầu chỉ có ngôi miếu cổ thờ vong linh các tử sĩ đã hy sinh trên sông Bạch Đằng. Từ năm 2008 - 2016, các công trình kiến trúc lần lượt được xây dựng, bao gồm: Vườn cuội cổ, trụ Chiến thắng; đền Bạch Đằng Giang thờ Đức vương Ngô Quyền; đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Hoàng đế Lê Đại Hành; linh từ Tràng Kênh thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Trúc Lâm tự Tràng Kênh, đền thờ Thánh Mẫu, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu Nhà bảo tàng, quảng trường Chiến thắng... Đây là một quần thể kiến trúc liên hoàn, hài hòa với cảnh quan núi non, sông nước, phong cách kiến trúc đậm nét truyền thống.
Trong các hạng mục, đáng chú ý là quảng trường Chiến thắng. Đây là một sân lớn nổi trên mặt nước, kết nối với bờ bằng một cây cầu. Trên quảng trường có sân nghi lễ, bến thuyền và điểm nhấn là 3 bức tượng bằng đồng tạc 3 nhân vật anh hùng dân tộc gắn với những chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử: Đức vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Các bức tượng thể hiện thần thái uy nghi lẫm liệt, mắt dõi thẳng xuống dòng sông như đang chỉ huy trận đánh nhưng cũng toát lên vẻ độ lượng, khoan hòa. Kế bên quảng trường Chiến thắng, dưới sông là mô hình bãi cọc gỗ tái hiện chiến trường năm xưa.
Khu di tích Bạch Đằng Giang là vùng đất địa linh, điểm kết nối giữa quá khứ hào hùng của dân tộc với hiện tại, thể hiện khát vọng về một Việt Nam độc lập, hùng cường. Tới đây, du khách có thể ngược về quá khứ, nghe những câu chuyện ngàn năm chứa chan lòng tự hào dân tộc, trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ và khoáng đạt. Ngày 4-11-2020, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết