Bài 1: Chỉ bàn làm không bàn lùi

Tuyên Quang có 50 xã, 658 thôn bản đặc biệt khó khăn. Qua rà soát năm 2021, tỉnh còn gần 4.000 hộ nghèo sống trong căn nhà tạm, nhà dột nát. Mặc dù vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà, không ít hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ trong tiếc nuối vì quá nghèo, vì thiếu đất ở và chưa được tuổi làm nhà... Tuy nhiên, trên tinh thần vướng đâu gỡ đó, chỉ bàn làm, không bàn lùi, tỉnh đã từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, tạo nên kỳ tích trong làm nhà, sửa nhà cho hộ nghèo chỉ trong 2 năm. 

 

 

Bà Hoàng Thị Nghĩa, dân tộc Tày ở thôn Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn ngấn lệ nói: “Chắc tôi phải sống trong nhà ọp ẹp này hết đời thôi. Nghèo quá biết làm sao?...”. Gạt những giọt nước mắt, bà Nghĩa giãi bày: Bà có 7 người con, dẫu cố gắng rất nhiều nhưng bà cũng chỉ làm cho mỗi đứa được cái nhà tạm. Từ khi chồng mất, mình bà sống trong căn nhà tuềnh toàng, tạm bợ, nhìn thông thống ra bên ngoài, bộ bàn ghế cũng ọp ẹp… 

Gia đình ông Vương Văn Vó, thôn Lãng Cư, xã Quyết Thắng huyện Sơn Dương cũng từ chối nhận 50 triệu đồng hỗ trợ của cộng đồng để làm nhà. Ông Vó lúc nào cũng trách phận mình nhưng hoàn cảnh ông thì ai cũng thông cảm bởi mình ông lo cho mẹ già 80 tuổi và 4 người con ốm yếu.

Câu chuyện hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ vì quá nghèo là thực tế vô cùng day dứt. Bà Nguyễn Thị Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn đã bao lần cùng cán bộ MTTQ cơ sở đến khảo sát, vận động hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm nhưng đành bùi ngùi ra về vì hoàn cảnh quá khó khăn. Qua rà soát ban đầu đã có 12 hộ nghèo nhường hỗ trợ cho gia đình khác vì hoàn cảnh quá cơ cực.

Ông Hoàng Đại Phong, nguyên Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương chia sẻ: Ban đầu các hộ nghèo đều rất háo hức khi đón nhận tin được hỗ trợ. Nhưng niềm vui vừa đến đã vội đi khi số tiền đó không thể giúp họ hoàn thiện ngôi nhà. Theo thống kê của huyện Sơn Dương, toàn huyện có khoảng 100 hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ do quá nghèo. 

Theo ông Lý Văn Phùng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương), thôn có 151 hộ, 78 hộ nghèo, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đầu năm 2024, qua rà soát có 20 hộ nghèo cần hỗ trợ làm nhà, sửa nhà nhưng có 12 hộ từ chối nhận hỗ trợ vì quá nghèo; 8 hộ còn lại thì xin hoãn đến năm 2025 sẽ đăng ký làm. Đây là trăn trở lớn nhất đối với những người làm công tác Mặt trận bởi các hộ đều có động lực làm nhà nhưng lại thiếu nguồn lực.

 

Chị Lê Thị Thanh Xuân, Chủ nhiệm Hội thiện nguyện Vòng tay nhân ái chia sẻ: Với những hộ nghèo không thể có tiền đối ứng làm nhà, Hội trực tiếp kết nối với một số tổ chức từ thiện, vận động các mạnh thường quân ủng hộ. Sau khi có đủ tiền, Hội đã giúp đỡ toàn bộ gia đình, từ việc thuê thợ xây, trả tiền công thợ, tiền vật liệu xây dựng… cho đến khi hoàn thiện ngôi nhà. Hộ nghèo chỉ nhận bàn giao nhà thôi.

Từ năm 2021 đến nay, Hội thiện nguyện vòng tay nhân ái huyện Sơn Dương đã kêu gọi vận động hỗ trợ làm nhà cho 22 hộ nghèo. Với những hộ quá nghèo, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì số tiền còn lại đều do Hội thiện nguyện vòng tay nhân ái kêu gọi ủng hộ hoàn toàn.

 

Để giải quyết vấn đề thiếu vốn làm nhà do quá nghèo, quá éo le, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương, các cấp, ngành, cán bộ cơ sở đã linh hoạt trong vận động các nhà hảo tâm, dòng họ, đặc biệt là các tổ chức thiện nguyện để các hộ nghèo có mái ấm an cư. Qua đó khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

Bà Vương Thị Nhung, thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) nghẹn ngào: “Tôi đợi cả đời này để nhìn thấy con cháu có nhà cửa đàng hoàng. Bây giờ tôi mãn nguyện nhắm mắt. Cảm ơn các cấp chính quyền, các mạnh thường quân, ơn này tôi mãi không quên”. Bà Nhung là bà ngoại cháu Trần Thị Ngọc Quỳnh, em bé vừa được MTTQ xã và các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ xây dựng nhà ở. Mẹ Quỳnh bị bệnh, 2 mẹ con em bao năm ở cùng ông bà ngoại trong ngôi nhà tập thể cũ nát được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. 


Lễ khánh thành nhà tình nghĩa cho gia đình cháu Trần Thị Ngọc Quỳnh. 

 

“Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có được ngôi nhà khang trang thế này. Cảm ơn các nhà hảo tâm, bà con lối xóm nhiều lắm!” - chị Lý Thị Phái, thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) đã thốt lên như vậy khi có căn nhà mới. Chị Phái cho biết, vợ chồng chị kết hôn hơn 20 năm nay, chồng chị ốm đau quanh năm, nhà đã dột nát, cũ kỹ. Thế nhưng, dù được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới, nhưng ban đầu chị Phái vẫn không dám làm. Hiểu được nỗi lòng chị, cán bộ thôn, cán bộ xã đã vận động đến lần thứ 3 chị Phái mới ký đơn làm nhà. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, bà con lối xóm giúp đỡ vật chất, ngày công.

Gia đình bà Lý Thị Xuân, dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) có đến gần 20 năm sống trên núi cao trong căn lán tạm bợ với bao nguy hiểm rình rập. Bà có đến  9 người con, vì thế cuộc sống khó khăn bộn bề. Khi có chủ trương hỗ trợ, gia đình bà được xã, thôn ưu tiên lựa chọn đầu tiên, nhưng ban đầu bà cũng không dám đăng ký làm nhà, bởi tuổi đã cao, sức khỏe lại yếu, không đủ “lực” để hoàn thiện căn nhà. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, đặc biệt là Hội thiện nguyện vòng tay nhân ái, đến nay gia đình bà vừa khởi công nhà vào đầu tháng 7/2024.


Ngày khởi công ngôi nhà, bà Xuân vui lắm. 

 

 

 

Ông Bàn Xuân Triều, dân tộc Dao, Chủ nhiệm CLB người Dao tỉnh, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Từ xưa đến nay, đồng bào dân tộc khi làm nhà, đám cưới, đám hiếu hay có việc lớn đều dùng sách cổ của người xưa truyền lại để xem ngày giờ, ngày tháng năm sinh...  Việc xem rất tỉ mỉ và có những kiêng kỵ nghiêm ngặt. Nếu vào năm kỵ của cả dòng họ, thì cả năm đấy dòng họ này không làm việc lớn, thậm chí có dòng họ còn kiêng cả 2 năm. Tuy nhiên, theo ông Triều, hiện nay việc xem ngày giờ để làm nhà, làm việc lớn cũng có thủ tục nên giảm bớt. 

 

 

Lý giải thêm về phong tục tập quán làm nhà, ông Triệu Chò Khiền, dân tộc Dao, người uy tín thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà cho biết, việc làm nhà là 1 trong 2 việc trọng đại nhất của đời người. Đồng bào Dao khi chuẩn bị làm nhà là phải xem tuổi kỹ càng lắm. Tập tục này tồn tại lâu đời, ăn sâu gốc rễ trong đồng bào dân tộc. Hầu hết người dao, kể cả bà con dân tộc khác trong khu vực này khi chuẩn bị làm nhà đều đến nhờ tôi xem ngày, xem tuổi, lợi năm nào, lợi tháng nào.

 

Đúng như chia sẻ của ông Triều, ông Khiền, gia đình ông Đào Văn Công, thôn Nà Khuyến xã Yên Hoa, huyện Na Hang cũng lăn tăn mãi khi nhận tiền hỗ trợ mà chưa được tuổi làm nhà. Để không lỡ cơ hội giúp ông Công xóa nhà tạm, cán bộ xã, thôn đã thường xuyên đến động viên gia đình ông và vận động những người trong dòng họ có tuổi phù hợp theo phong tục để ông Công “mượn” tuổi làm nhà. Sau khi được vân động, một người cháu họ đã giúp ông Công “khơi thông” được nỗi niềm này. Tháng 10/2023 gia đình ông đã được khởi công nhà mới với sự giúp đỡ ngày công của cán bộ xã, anh em xóm làng.

Bà Lương Thị Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn hầu như ngày nào cũng có mặt ở các thôn để kiểm tra việc làm ở cho hộ nghèo và rà soát tiếp hộ có nhu cầu để hỗ trợ vốn làm nhà ở. Cuối cùng chị cũng đã tìm được hộ nghèo có một phần kinh phí làm nhà là bà Hoàng Thị Hiến, thôn Chương, nhưng gia đình còn lưỡng lực lắm vì vẫn thấy băn khoăn vì tuổi làm nhà. Trước thực tế này, bà Mừng bảo gia đình cứ làm, sẽ mượn tuổi người khác để gia đình yên tâm. 

 

Đồng chí Hà Quang Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa nhớ lại năm 2021 khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh, khi triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hầu hết các hộ nghèo đều phấn khởi. Nhưng có trường hợp bà Lý Thị Hoa thôn Phúc An từ chối nhận tiền hỗ trợ sau khi đã đăng ký làm nhà vì lý do chưa được tuổi làm nhà. Anh Phượng cùng cán bộ xã, thôn vận động nhưng bà Hoa vẫn lăn tăn mãi không nhận lời.

Chứng kiến căn nhà dột nát, hư hỏng nặng sau đợt mưa đá, không thể không làm ngay. Lãnh đạo xã chọn một cán bộ xã để bà Hoa “mượn” tuổi làm nhà, giải pháp này được bà Hoa đồng ý. Hơn 3 tháng thi công, bà Hoa cón căn nhà mới kiên cố để ở, cả gia đình luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra.

Nhìn vào danh sách hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, sửa nhà, Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh (Na Hang) Lê Hữu Thể chia sẻ: 100% hộ được hỗ trợ là đồng bào dân tộc thiểu số và toàn bộ số hộ này đều có trăn trở về việc xem tuổi, xem ngày. Thậm chí có những hộ 4 lần làm thì 4 lần xem lại ngày. Động thổ xem ngày, tháo dỡ nhà xem ngày, di chuyển nhà xem ngày, rồi cuối cùng là ngày xây nhà. Tuy nhiên, trên tinh thần vướng đâu, gỡ đó, cán bộ xã đã cùng với gia đình thảo luận, thống nhất phương án mượn tuổi nếu chưa được tuổi để các hộ nghèo không lỡ cơ hội có mái ấm an cư. 

 Xã Khau Tinh có 376 hộ, 99% là đồng bào dân tộc thiểu số. Phong tục xem tuổi làm nhà vẫn còn nặng nề trong đời sống. 

 

Chuyện hộ nghèo từ chối nhận kinh phí hỗ trợ làm nhà do thiếu đất ở là thực tế ở một số địa phương khi triển khai Đề án 308. Ông Vàng A Khứ, thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình) hiện sống trong căn nhà tạm bợ, siêu vẹo ở ven suối, nguy cơ đổ sập luôn rình rập. Dù thuộc diện phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng ông cũng đành bất lực bởi số tiền Nhà nước hỗ trợ dù có thể mua được đất thì cũng không có tiền san gạt nền nhà nói gì đến tiền làm nhà. 

 

Chị Chúc Thị Xuân cho biết thêm: Xuân Lập chủ yếu địa hình đồi dốc, số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng có chăng chỉ để mua đất đến nơi ở mới. Trong khi đó tiền san gạt cả quả đồi dốc phải mất cả trăm triệu đồng. Xuân Lập lại cách trung tâm hơn hơn 10 cây số, vật liệu để xây nhà cũng đắt đỏ hơn. Vì thế, những hộ nghèo này khó khăn chồng chất khó khăn.

Anh Ngô Văn Khé, thôn Bản Khẻ, xã Thượng Nông, huyện Na Hang khi tách hộ ra ở riêng chỉ dựng được căn nhà tạm để ở. Thu nhập bấp bênh, các con còn nhỏ nên anh chưa biết khi nào mới làm được căn nhà kiên cố. Khi được địa phương thông báo, gia đình anh thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, cả gia đình mừng lắm. Nhưng khi thực hiện các thủ tục để nhận hỗ trợ anh mới được biết phần đất được cha mẹ anh chia cho để dựng nhà nằm trong phạm vi rừng phòng hộ. Anh biết rằng, khó khăn này nằm ngoài khả năng của gia đình nếu không được chính quyền địa phương chung tay tháo gỡ.

Chị Ma Thi Bằng, thôn Bản Piát, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đang sống trong căn nhà tạm bên cánh đồng của thôn. Đầu năm 2024, MTTQ xã rà soát, chị thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhưng nơi ở hiện tại của chị đang nằm trên đất nông nghiệp. Gia cảnh nghèo khó không có tiền mua đất nơi khác để làm nhà nên chị chỉ biết nhờ cậy vào chính quyền địa phương hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi đất.

Số hộ nghèo có vướng mắc khó khăn liên quan đến đất đai có ở hầu hết các địa phương nhưng tập trung ở các xã vùng cao khi triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Chị Ma Thị Thúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, qua rà soát hiện nay trên địa bàn xã có 2 hộ thiếu đất ở, 2 hộ đang ở trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. MTTQ xã đang phối hợp với chính quyền để tháo gỡ vướng mắc này, giúp hộ nghèo sớm ổn định chốn an cư. 


Địa hình hiểm trở, đồi núi cao… khiến việc bố trí đất ở cho người dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết những khó khăn về đất ở, tỉnh đã linh hoạt trong việc triển khai thực hiện hiện lồng ghép từ nguồn vốn các dự án như để hỗ trợ đất ở cho người dân. Các hộ ở trên đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, cây lâu năm, tỉnh đã có phương án hỗ trợ di chuyển. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung đo đạc, rà soát các thửa đất đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nhằm đảm bảo điều kiện xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của cả cộng đồng, những điểm nghẽn phát sinh trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được tháo gỡ. Đây là bài học để tỉnh tiếp tục thực hiện thành công công cuộc xoá nhà tạm trong giai đoạn tiếp theo.  


Với sự vào cuộc của cả cộng đồng, những điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 308 đã từng bước được tháo gỡ.