Tuyên Quang hiện có tỷ lệ che phủ rừng 65%, là 1 trong số ít tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Trong khi Hội nghị COOP 26 mới đây bàn về bảo vệ rừng và 100 quốc gia cùng cam kết bảo vệ rừng, và nhiều nơi trên thế giới vẫn còn có nạn phá rừng nghiêm trọng, thiên tai hoành hành... thì kết quả trồng và bảo vệ rừng của Tuyên Quang đã hiện hữu, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai. Bên cạnh đó mở ra nhiều lợi thế phát triển từ ngành gỗ, du lịch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ nhiều nhiệm kỳ trước, tỉnh đã quan tâm đến bảo vệ và phát triển rừng. Khó khăn lớn nhất là người trồng rừng luôn canh cánh nỗi lo “xanh rừng xanh ruột”. Bởi chu kỳ khai thác rừng mất nhiều năm, nhưng cái bụng của bà con vẫn cần có cơm hàng bữa.
Tỉnh quyết tâm thực hiện giao đất, giao rừng cho các chủ rừng, hộ gia đình, theo đuổi mục tiêu phát triển lâm nghiệp bảo đảm cả lợi ích kinh tế, và lợi ích môi trường sinh thái; trồng và bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, chế biến sản phẩm từ rừng, tăng thu nhập cho người lao động.
Các phong trào “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “phủ xanh đất trống đồi núi trọc…được phát động ở khắp các địa phương trong tỉnh. Với phương châm “gần trồng trước, xa trồng sau; dễ trồng trước, khó trồng sau”, diện tích đất trống đồi núi trọc dần được thu hẹp, độ che phủ của rừng trước năm 1990 chỉ đạt dưới 40%, nay đã đạt 65%.
Lấy ngắn nuôi dài, cây ngô, cây sắn được trồng xen trên đất rừng. Bà con vẫn có nguồn lương thực để chăn nuôi, thêm thu nhập cho gia đình. Nỗi lo “xanh rừng xanh ruột” đã được cởi bỏ. Diện rừng do nhân dân trồng chiếm từ 80 đến 85% diện tích rừng trồng hàng năm của cả tỉnh.
Hiện Tuyên Quang có trên 233.000 ha rừng tự nhiên; trên 182.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng trung du miền núi phía Bắc. Hàng năm, tỉnh trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000 ha rừng trồng bằng giống cây chất lượng cao. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh luôn ở mức 65%, là 1 trong số ít tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Đây là kết quả nhiều năm quyết liệt, bền bỉ thực hiện việc trồng và bảo vệ rừng của Tuyên Quang.
Nhưng có rừng rồi, lại xuất hiện khó khăn khi rừng thì rộng mà biên chế thì chưa đến 300 kiểm lâm viên. Trung bình mỗi kiểm lâm viên quản lý trên 1000 ha rừng. Làm thế nào để bảo vệ diện tích rừng lớn đến thế, khi gỗ tự nhiên luôn hot và lâm tặc thì rình mò ngày đêm và sẵn sàng manh động?
Giải quyết vấn đề này, tỉnh ký hợp đồng với 84 người dân địa phương làm nhiệm vụ tuần rừng, bảo vệ rừng. Kinh phí cho những hợp đồng này lên đến 4,8 tỷ đồng/năm, mỗi nhân viên tuần rừng được hưởng "lương" đến 3,5 triệu đồng/ tháng, được tham gia BHXH, BHTN.
Trung bình mỗi chốt kiểm lâm có 2-4 nhân viên tuần rừng, cùng kiểm lâm viên làm nhiệm vụ. Một số chốt trước đây do lực lượng mỏng đã để xảy ra tình trạng lâm tặc xâm hại rừng. Nay có thêm lực lượng tuần rừng hợp đồng này, các vi phạm kịp thời được phát hiện, chặn mọi ngả vận chuyển gỗ trái phép.
Rừng Tuyên Quang xanh còn do người Tuyên Quang đang lưu giữ và phát huy những phong tục đẹp để giữ rừng. Bà con người Dao thôn Văn Nham, xã Hùng Đức, Hàm Yên có Lễ Cầu làng vào các ngày 2/2, 6/6 và 25/Chạp hàng năm. Bà con quan niệm rừng chở che cuộc sống cho chính mình nên rất chú trọng giữ rừng. Hương ước được xây dựng với điều khoản: cấm chặt cây to. Trong tháng có lễ Cầu làng tuyệt đối không chặt cây, nhà nào có việc muốn chặt cây trong vườn cũng phải chặt trước hoặc sau tháng có lễ.
Tại thôn Ngòi Trườn xã Minh Thanh, Sơn Dương, bà con người Nùng Inh cũng duy trì Lễ cúng thần rừng vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm, cầu mong thần rừng bảo vệ sự bình an cho dân làng và nhắc nhở các thành viên trong thôn không được chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Từ phong tục đẹp này, người dân Ngòi Trườn luôn giữ tốt rừng phòng hộ, không ai chặt gỗ, phá rừng. Dòng suối Lê chảy qua thôn luôn luôn dồi dào, xanh mát, không có những cơn lũ quét khủng khiếp như ngày xưa. Nhiều gia đình nhờ trồng rừng mà kinh tế khấm khá như hộ ông Hoàng Văn Thanh trồng 7ha, Hoàng Văn Sinh trồng 4ha, Tải Văn Đức trồng 5ha, Hoàng Văn Tính trồng 3ha.
Hàng năm, vào tháng 9 Âm lịch, người Tày thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) lại chứng kiến Lễ “Kin khẩu mẩu” - mừng cơm mới tại nhà thầy cúng của thôn. Ngoài việc mừng cơm mới, buổi lễ còn có nghi thức cúng Thần rừng, xin rừng che chở cho dân làng được bình yên, no đủ.
Không chỉ Văn Nham, Ngòi Trườn hay Bản Chúa; mà toàn tỉnh Tuyên Quang nhiều năm nay hầu như vẫn bình yên trong khi biến đổi khí hậu gây nên thiên tai nặng nề ở nhiều địa phương lân cận và nhiều tỉnh trong cả nước.
Phần mềm Locus Map là ứng dụng được sử dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng để quản lý bảo vệ rừng, bao gồm việc đưa bản đồ hiện trạng vào điện thoại, xác định vị trí người dùng, ranh giới các tiểu khu, chụp hình có tọa độ, quay phim, sử dụng điện thoại như một thiết bị GPS.
Hiện phần mềm này đã được ứng dụng tại các hạt kiểm lâm 7 huyện, thành phố. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chiêm Hóa Kim Ngọc Tuyên cho biết, sau khi được chuyển giao ứng dụng, cán bộ Hạt Kiểm lâm Chiêm Hóa đã nghiên cứu và phát triển để phần mềm sử dụng trên điện thoại hệ điều hành Android và iOS. Nhờ thế, chỉ cần có điện thoại thông minh, truy cập vào ứng dụng trên hệ điều hành là cán bộ lực lượng kiểm lâm có được những thông tin chính xác về vị trí lô, khoảnh, chủ rừng, loại rừng mà không cần đến máy định vị GPS.
Một ứng dụng phát huy hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh là ứng dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng sớm (hay còn gọi là thiết bị viễn thám). Quá trình hoạt động thiết bị viễn thám sẽ theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn dựa vào nguồn ảnh vệ tinh miễn phí của NASA, lọc ra các điểm nghi cháy tự động loại bỏ các điểm nghi cháy ở các vị trí không có rừng. Tại điểm nghi cháy có rừng, thiết bị tự động đối chiếu với dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng, đồng thời xác định tọa độ, địa chỉ gửi đến số máy điện thoại của kiểm lâm và chính quyền địa phương đã được lập trình sẵn.
Ngoài sử dụng thiết bị viễn thám, lực lượng kiểm lâm Tuyên Quang đã lắp đặt 12 biển cảnh báo cháy rừng, cơ chế hoạt động của các biển báo cũng tự động hóa cập nhật thông tin thời tiết, nhiệt độ, số giờ nắng từ đó đánh giá nguy cơ điều chỉnh mức độ cảnh báo theo cấp độ đã được tính toán. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong dự tính, dự báo nên việc phòng, chống cháy rừng đã được chủ động ở mức cao nhất.
Nhờ thế, trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 0,19 ha, giảm gần 26 ha so với giai đoạn 2011 - 2015. Riêng trong năm 2021, phần mềm này đã phát hiện hơn 400 điểm nghi cháy trên toàn tỉnh, qua kiểm tra thực tế, đều ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh cháy rừng trên thực tế.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Tuyên Quang hiện có khoảng 69.000 ha rừng gỗ lớn. Trong đó, rừng FSC chính là con át chủ bài để phát triển trồng rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng và thu nhập cho người làm rừng.
Từ năm 2016, tỉnh đã triển khai Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng, tập trung trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế quản lý rừng bền vững FSC.
Trồng rừng tuân thủ các yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, người dân được bảo đảm sức khỏe, đất rừng khỏe, môi trường xung quanh cũng nhờ thế tốt tươi hơn. Gỗ từ rừng FSC có giá cao hơn gỗ thường, làm nguyên liệu để tỉnh phát triển các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, phát triển ngành chế biến gỗ. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có gần 36.000 ha rừng FSC, chiếm gần 20% ha diện tích rừng sản xuất của tỉnh và đứng thứ 2 toàn quốc. Rừng FSC hiện đã có ở khắp các địa phương trong tỉnh. Người trồng rừng FSC đều là đồng bào dân tộc thiểu số, rất phấn khởi khi thu nhập từ rừng FSC có giá trị gấp nhiều lần rừng chưa có chứng chỉ. Bước chuyển căn bản về nhận thức của người trồng rừng đã tạo nên những thành quả quan trọng của tỉnh trong việc phát triển kinh tế rừng.
Trồng rừng FSC đã giúp người trồng rừng nâng cao thu nhập. Ở nhiều miền quê xưa kia nghèo khó đã xuất hiện những tỷ phú rừng như ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) sở hữu 40 ha rừng thu cả tỷ đồng/năm; ông Trần Ngọc Thái, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện (Sơn Dương) trồng 40 ha rừng, đã khai thác chu kỳ 2 lãi gần 1,5 tỷ đồng…
Không chỉ người trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào đã đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm trên 120 tỷ đồng, ổn định việc làm cho hàng nghìn công nhân với thu nhập đến nay đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ của các công ty, hợp tác xã, hộ gia đình trong tỉnh cũng tạo việc làm cho người lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/ tháng, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Nhằm tạo sinh kế cho người trồng rừng, tỉnh có kế hoạch phát triển mỗi năm khoảng 400 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, lâm sản đặc sản dưới tán rừng và phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp, gắn với phát triển du lịch, chăn nuôi ở những nơi có điều kiện; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các chuỗi giá trị lâm nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu được từ rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 160 triệu đồng, rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 310 triệu đồng/ha.
Thực hiện chỉ đạo này và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tháng 7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững; nêu quyết tâm bảo vệ nghiêm cả rừng tự nhiên và rừng trồng, đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, gắn với chế biến sâu, đa dạng và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến.
Mới đây, tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Theo đó, các nhà khoa học sẽ hỗ trợ tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc và quản lý gỗ hợp pháp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng gỗ rừng trồng; nghiên cứu cơ chế, chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất gỗ lớn; phát triển thị trường cho sản phẩm lâm sản ngoài gỗ; ứng dụng công nghệ chế biến, thiết bị cơ giới hóa hiện đại và trí tuệ nhân tạo (công nghệ 4.0) trong chế biến và bảo quản lâm sản.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm; xây dựng khung chính sách đặc thù để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn; nghiên cứu hỗ trợ triển khai các giải pháp quản lý tổng hợp sâu, bệnh hại chính trên cây keo tai tượng, keo lai, bồ đề, mỡ.
Người trồng rừng cũng sẽ được hỗ trợ để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo chuỗi cung ứng từ gây trồng, chế biến, thương mại; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ rừng tại các khu rừng phòng hộ và đặc dụng để bảo đảm sinh kế.
Một số giải pháp thực hiện thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng cũng sẽ được triển khai, song song với triển khai các mô hình trồng cây bản địa đa mục đích; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lâm sinh trong xây dựng mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, cây trồng phân tán, sản xuất cây giống bằng bầu siêu nhẹ…
Hiện tại, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã lựa chọn 10 ha gồm đất trống, đất sau khai thác và rừng trồng keo 4 - 5 tuổi tại Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương để triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng hỗn giao cây bản địa sản xuất gỗ lớn tại vùng Đông Bắc”.
Nắm bắt cơ hội, Tuyên Quang cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án vào lĩnh vực chế biến lâm sản, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Bên cạnh các nhà máy quy mô lớn, tỉnh khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến gỗ của các công ty, hợp tác xã, hộ gia đình, đóng góp tích cực vào việc tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Thị Hoàn.
Gửi phản hồi
In bài viết