Bài 2: Giữ tinh thần “Dĩ công vi thượng”

Phát huy tinh thần tiên phong, trách nhiệm, đội ngũ đảng viên ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ công vi thượng”. Với trách nhiệm tiên phong của người đảng viên, họ đã đặt lợi ích chung, lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên lợi ích riêng, không sợ thiệt thòi, nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ các phong trào thi đua trong quần chúng Nhân dân.

Nhiều năm qua, con đường trục chính của thôn Hội Tân đã xuống cấp trầm trọng, nắng bụi, mưa lầy. Hàng năm, các hộ dân trong thôn đã bỏ công, bỏ tiền tu sửa nhưng không thấm vào đâu. Năm 2023, xã Ninh Lai (Sơn Dương) có kế hoạch bê tông hóa 550m đường giao thông thôn Hội Tân. Kế hoạch triển khai, người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, số tiền đóng góp lớn (3,9 triệu đồng/hộ), một số hộ nghèo, cận nghèo chưa có đủ kinh phí đóng góp. Ngày làm đường đã định mà tiền dân đóng góp mua vật liệu làm đường chưa đủ, để giải quyết vấn đề khó, ông Mai Tiến Đường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Tân không mảy may suy tính, tự nguyện ứng tiền của gia đình hơn 10 triệu đồng để mua nguyên vật liệu cho đơn vị thực hiện công trình theo đúng kế hoạch.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mai Tiến Đường (thứ 3 từ trái sang) tuyên truyền người dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.

Việc làm của Bí thư Chi bộ Mai Tiến Đường đã tạo sức lan toả mạnh mẽ trong Nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, 140 hộ dân trong thôn đã đóng góp trên 500 triệu đồng, hiến gần 500m2 đất để hoàn thiện tuyến đường. Ngoài sự đóng góp của Nhân dân trong thôn, thôn còn nhận được sự ủng hộ của gần 30 hộ dân ở các thôn khác.

Nhân dân thôn Hội Tân bê tông hoá đường giao thông nông thôn.

Giờ đây, đường vào thôn Hội Tân bê tông phẳng lỳ, hai bên đường được tô điểm bằng những chậu hoa giấy hoa bung nở đỏ, hồng bắt mắt. Có đường đẹp, người dân chăm chút hơn, các bà các chị chiều chiều rủ nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp, những gốc hoa, cây cảnh cũng được trồng ngày một đẹp hơn.

Đường thôn Hội Tân, xã Ninh Lai sạch đẹp, khang trang.

Ông Đường cho biết: "Năm nào, thôn Hội Tân cũng đăng ký thực hiện từ 1 đến 2 công trình, năm thì làm nhà văn hoá, năm thì bê tông hoá đường giao thông nông thôn và năm 2024 này, thôn tiếp tục đăng ký với xã xây dựng tuyến đường mẫu và chỉnh trang nhà văn hoá thôn". Việc nào ông triển khai cũng đều được Nhân dân trong thôn hưởng ứng tích cực. Theo ông Đường, để người dân tin và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, trước hết người đảng viên, cán bộ thôn phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong tất cả các phong trào, cuộc vận động. Đặc biệt, phải biết hy sinh, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Có như vậy, người dân mới tin, ủng hộ và làm theo. Đó cũng là bí quyết dân vận trong gần 30 năm giữ chức “quan làng” của ông Đường. 

Cuối năm 2020, anh Nguyễn Chí Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện được Ban Thường vụ Huyện Uỷ Chiêm Hoá điều động tham gia BCH, Ban Thường vụ Đảng uỷ và chỉ định giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Bình Phú.

Bí thư Đảng uỷ xã Bình Phú Nguyễn Chí Tuyến thăm mô hình rau quả của người dân.

Thực hiện nhiệm vụ mới, anh Tuyến xác định phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trước hết là tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng gắn với lãnh đạo hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Chí Tuyến (thứ 2 từ trái sang) nắm tình hình người dân sau khi được hỗ trợ làm nhà ở.

Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và hiểu sâu về những thực tiễn đang đặt ra, anh Tuyến đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, nắm tình hình sản xuất; tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, đơn vị; tích cực học hỏi, lắng nghe góp ý, chia sẻ của đồng nghiệp, các cán bộ đi trước, đảng viên cao tuổi, người có uy tín để hiểu hơn về địa bàn, phong tục tập quán, tư duy của người dân.Từ đó, anh cùng BCH Đảng bộ xã từng bước tháo gỡ những khó khăn.

Bình Phú là xã đặc biệt khó khăn. Nhân dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, anh Tuyến đã cùng BCH Đảng bộ xã lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là bê tông hoá các tuyến đường nông thôn.

Đường Đèo Cọ (ĐT 185) xã Bình Phú đi xã Yên Lập được bê tông hoá sạch đẹp.

Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường Đèo Cọ (Đường ĐT185), Bí thư Tuyến phấn khởi khoe: “Làm được con đường này gian nan lắm. Ngoài vận động Nhân dân giải phòng mặt bằng (GPMB), thi công phải đập đá hạ đèo xuống 7m, giờ mới được như này”.

Bí thư Đảng uỷ xã Bình Phú Nguyễn Chí Tuyến (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ những đóng góp của người dân để hoàn thiện tuyến đường.

Đèo Cọ là tuyến đường độc đạo từ xã Bình Phú đi xã Yên Lập. Con đường nhỏ hẹp, dốc cao, nguy hiểm cho xe cộ và Nhân dân lưu thông. Đây cũng là một điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, giao thương của xã. Qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân mong muốn xây dựng tuyến đường, Bí thư Tuyến đã đề xuất với huyện đầu tư xây dựng tuyến đường; xã vận động nhân dân hiến đất, GPMB. Sau nhiều tháng vận động, gần 90 hộ dân đã đồng thuận chặt cây, phá bờ, hiến hàng chục nghìn m2 đất phục vụ công trình thi công.

Đến nay, công trình đã xong giai đoạn 1 là 4km, giai đoạn 2 tiếp tục thi công 7km trong tháng 6. Ngoài tuyến đường ĐT185, xã vận động Nhân dân góp công, góp của, hiến đất mở rộng, bê tông hoá các tuyến đường nông thôn, ngõ xóm, xây dựng cầu phục vụ việc đi lại của người dân. Từ năm 2020 đến nay, xã Bình Phú vận động trên 120 hộ dân hiến trên 20.000 m2 đất để mở rộng, xây dựng 12 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 6 km, xây dựng 3 cầu dân sinh.

Người dân xã Bình Phú nuôi cá tầm.

Cô giáo Đặng Thị Dự, giáo viên Lịch sử, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Khoa học xã hội, trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết: Năm 2007, cô ra trường và nhận công tác tại trường THCS Thổ Bình. Với lòng say mê nghề, tình yêu trò và tinh thần nhiệt huyết, năm 2015, cô vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cô giáo Đặng Thị Dự ( thứ 4 từ trái sang) bên học trò của mình tại lễ tuyên dương học sinh, giáo viên đạt giải cao của huyện.

Đảng viên - 2 tiếng tự hào. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm, động lực để cô cố gắng phát triển, nỗ lực, tiên phong trong các hoạt động dạy và học, các hoạt động đoàn thể của trường.

Cô giáo Đặng Thị Dự (thứ 8 từ trái sang) nhận giấy khen của UBND huyện tại lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu năm học 2021 – 2022.

Để các em hứng thú môn Lịch sử, trước giờ lên lớp cô đều chuẩn bị giáo án cẩn thận, có phương pháp phù hợp với từng nhóm học sinh. Đặc biệt, phát huy thế mạnh công nghệ thông tin, cô xây dựng các bài giảng bằng hình ảnh, video giúp các em học sinh dễ tiếp thu bài giảng. Chính sự đổi mới trong cách giảng dạy, sự chuẩn bị chu đáo trong mỗi giờ lên lớp, những tiết học về môn Lịch sử vốn khô khan, khó nhớ đã trở nên cuốn hút, dễ hiểu với các em học sinh. Nhiều năm liền cô có học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô giáo Đặng Thị Dự với buổi giảng dạy ở trường, ở nhà.

 Ngoài công tác giảng dạy, cô tích cực nghiên cứu khoa học. Một trong những công trình nghiên cứu của cô được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, cấp tỉnh và được ứng dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy, là Đề tài “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Lịch sử 8 ở trường THCS Thổ Bình”. Nhiều năm liền cô có học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen”.

Không những dạy giỏi, cô Dự còn được ví như người mẹ thứ 2 của những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trường. Trong 4 năm qua, cô nhận đỡ đầu em Ma Thị Thu Hoài, học sinh lớp 9, trường THCS Thổ Bình. Nhà em Hoài ở cùng thôn với cô giáo Dự. Bố Hoài mất sớm, một mình mẹ phải nuôi 2 chị em ăn học. Những ngày lễ, tết, đầu năm học, Hoài đều được cô giáo Dự tặng quà, mua tặng đồ dùng học tập, sách vở, áo ấm. Hoài gặp bài học khó, em lại lên nhà để cô giảng.

Không chỉ là giáo viên trên lớp, cô giáo Đặng Thị Dự còn được coi là người mẹ thứ 2 của các em học sinh.

Trước kia, Hội Phụ nữ xã Yên Phú (Hàm Yên) có rất ít hội viên, chị em chưa mặn mà với hoạt động của Hội. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị  Phạm Thị Luyến đã cùng với tập thể Hội xây dựng Quy chế hoạt động của Hội cả nhiệm kỳ và đề ra chương trình hoạt động cụ thể cho từng quý, tháng. Đồng thời, thực hiện đa dạng hoá các hình thức hoạt động hội nhằm thu hút hội viên, như: tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nhóm đan lát thủ công, nâng cao thu nhập cho phụ nữ yếu thế.

Chị Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Phú.

Đến nay, chị thành lập được nhóm Mây tre đan phụ nữ yếu thế xã Yên Phú, thu hút 16 thành viên tham gia. Ngoài ra, chị đã tham mưu thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động 5 câu lạc bộ (CLB) "Phòng chống bạo lực gia đình", 3 CLB "Xây dựng gia đình Hạnh phúc trong dân tộc thiểu số”, "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", các phong trào "gia đình 5 không 3 sạch" và "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới" tại các thôn… Từ những buổi sinh hoạt, hội viên được chia sẻ, tư vấn và giải đáp những khó khăn trong cuộc sống, qua đó tổ chức Hội nắm được tình hình tư tưởng và giúp đỡ kịp thời những nguyện vọng chính đáng của hội viên.

Chị Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Phú cầm tay chỉ việc hướng dẫn chị em phát triển mô hình kinh tế.

 Những năm gần đây hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp len lỏi vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm xuyên tạc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất luôn bị các tổ chức bất hợp pháp mua chuộc lôi kéo. Chị Luyến không ngại khó khăn, tranh thủ từng giờ tiếp xúc, gặp gỡ hỏi thăm, động viên, giúp đỡ, vận động hội viên, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, không tham gia bất cứ tổ chức nào khi không được pháp luật công nhận, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, chị đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ tiền, quần áo, sách vở, xe đạp, nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn trên địa bàn.

Chị Phạm Thị Luyến cùng các hội viên, con em hội viên trong một buổi giao lưu về bình đẳng giới.

Từ sự gần gũi, sâu sát cơ sở, chị Luyến đã vận động 14 phụ nữ dân tộc Mông tham gia tổ chức Hội, trong đó có 11 hội viên tại xóm Gò Đá. Đến nay, Hội Phụ nữ xã phát triển gần 1.000 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt gần 90%.

Chị Phạm Thị Luyến thăm hỏi, động viên chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Sự tận tâm, tận lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của những tấm gương đảng viên tiên phong, gương mẫu đã trở thành những cánh tay nối dài kết nối giữa Đảng với Nhân dân. Họ đã khơi dậy sự đồng thuận và củng cố niềm tin vững chắc trong Nhân dân để thực hiện thắng lợi mọi nghị quyết của Đảng.

Hội LHPN xã tặng thực phẩm cho các cháu trường Mầm non xã Yên Phú.