Bài 3: An Dân, Dân An

Thực hiện khát vọng của Đảng ta: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy Đảng tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống cho Nhân dân. Từ đó khởi dậy sự đồng thuận, niềm tin vững chắc của Nhân dân vào Đảng. Nhiều bản làng đã đổi thay, người dân có cuộc sống mới ấm no. 

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang qua các nhiệm kỳ đều xác định mục tiêu xuyên suốt là làm cho đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, người dân được thụ hưởng kịp thời các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Bởi vậy, cụ thể hóa các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đưa các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế đến với Nhân dân, làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê, người dân phấn khởi, yên tâm ổn định cuộc sống. 


Bản Bung nhìn từ trên cao. 

Xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có 2 thôn di dân tái định cư từ Na Hang về sinh sống để Nhà nước thực hiện công trình thủy điện từ năm 2003 là Yên Khánh và Tân Quang. Từ các chương trình đầu tư và sự quan tâm của Nhà nước, người dân ở hai thôn đã coi nơi ở mới là quê hương thứ 2, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. 


Người dân thôn Yên Khánh vui mừng khánh thành công trình cổng chào vào thôn từ sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Đường vào thôn Yên Khánh giờ đây rộng thênh thang với cổng mới, đường mới, điện mới, những ngôi nhà xây mới khang trang. Thôn Yên Khánh có 110 hộ di dân tái định cư nhưng đến nay chỉ còn 4 hộ nghèo. Nhà nước đã đầu tư ở Yên Khánh tuyến đường nhựa dài 1,6km, chiều rộng 7,2 mét từ đầu thôn đến cuối thôn. Bên cạnh đó, Yên Khánh còn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư tuyến đường hoa dài 600 m, cổng vào thôn với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân cùng làm. Trước đây, Yên Khánh chỉ có một tuyến đường thắp sáng nhưng từ sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, Nhân dân đóng góp ngày công và tiền mặt trị giá 100 triệu đồng, đến nay, hai bên tuyến đường ở thôn Yên Khánh đã được thắp sáng vào mỗi tối. 


Nhiều nhà xây khang trang ở Yên Khánh. 

Chị Lý Thúy Hòa, người dân thôn Yên Khánh từ khi chuyển về nơi ở mới, ngoài được tham gia các lớp hướng dẫn chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gia đình chị còn được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ sản xuất tăm. Đến nay, gia đình chị có kinh tế khá giả, mỗi năm từ chăn nuôi lợn, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 40 triệu đồng, cùng với nguồn thu từ sản xuất tăm, mỗi năm chị cũng thu về gần 100 triệu đồng. Chị Hòa chia sẻ: “Về nơi ở mới làm ăn dễ hơn nhiều”. 


Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Lý Thúy Hòa. 

Yên Thuận là xã đặc biệt khó khăn ở Hàm Yên nhưng chỉ vài năm gần đây được sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, Yên Thuận được đầu tư nhiều công trình hạng mục quan trọng đã mang lại sức sống mới cho mảnh đất này. 


Nhà văn hóa thôn Sơn Thủy vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng. 


Chân dung Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tiến.

Người dân xã Yên Thuận làm giàu từ cây chè và nâng cao thu nhập từ trồng chanh tứ thì. 

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận chia sẻ: Từ năm 2023 đến nay, Yên Thuận được đầu tư hai công trình trường học bán trú, 4 cây cầu trên đường giao thông nông thôn đã đưa vào sử dụng theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, người dân Yên Thuận còn được hưởng lợi từ 4 tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa với chiều dài 10km được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đời sống người dân Yên Thuận nay vượt lên rõ rệt với nhiều dự án hỗ trợ kinh tế được triển khai và đưa đến kịp thời với Nhân dân như dự án chăn nuôi trâu, nuôi lợn sinh sản; trồng và chăm sóc cây chè… 



Tuyến đường vào thôn Bơi, xã Yên Thuận đã được Nhà nước đầu tư. 

Anh Lý Văn Hoàn, thôn Hao Bó, xã Yên Thuận không giấu được niềm vui khi nói về hai cây cầu của thôn vừa được đưa vào sử dụng: “Trước đây, mỗi lần mưa lũ, hai chiếc cầu tạm trong thôn đều bị nước cuốn phăng, giao thông chia cắt. Nhưng giờ có cây cầu mới được Nhà nước đầu tư, người dân Hao Bó không còn lo sợ mỗi khi mưa lớn nữa rồi”. 

 

Tại các xã, huyện vùng cao của Tuyên Quang giờ đây đã xuất hiện nhiều bản làng trù phú. Những thôn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trước kia còn cao nay đã vươn mình, cái nghèo đã được đẩy lùi, người dân có cuộc sống ấm no, một lòng đoàn kết, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. 


Những tuyến đường bê tông hóa ở Bản Bung. 

Đường lên thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) tuy có cheo leo nhưng đã được bê tông hóa 100%. Trước năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Bản Bung lên tới 74% nhưng đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 18%. Bản Bung giờ có nhà văn hóa thôn được xem là đẹp nhất huyện Na Hang. 

Đường bê tông vào thôn Bản Bung do Nhà nước đầu tư, Nhân dân hiến đất. 

Từ nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khơi dậy tiềm năng về khí hậu, đất đai ở đây mà người dân Bản Bung đã có cuộc sống khấm khá. Người dân không chỉ trồng cây lúa mà giờ đây, họ đã không để đất nghỉ, tận dụng vụ 3 để trồng cây khoai tây, trồng ớt, bí thơm, Sâm Bách Bộ, nấm hương, nếp thơm… Ngoài ra, người dân còn chăn nuôi lợn rừng, lợn đen, trồng các loại hoa để phục vụ cho phát triển du lịch. Những ngôi nhà sàn làm homestay cũng bắt đầu hình thành để đón khách du lịch lên với Bản Bung. 


Người dân thôn Bản Bung trồng hoa hướng dương phục vụ du lịch, nhà văn hóa ở Bản Bung được xây dựng khang trang. 

Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) từ một thôn còn nhiều hộ nghèo nhưng nay đã không còn hộ nghèo, không còn hộ phải ở nhà tạm. Nà Tông đã bứt phá vươn mình trở thành Làng Văn hóa du lịch với nhiều triệu phú làm du lịch cộng đồng. Từ các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân làm du lịch homestay của Nhà nước, người dân Nà Tông không chỉ biết sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà đã biết làm dịch vụ du lịch, biết tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản để làm du lịch. Hiện nay, Nà Tông đã có 17 hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, trong đó có 4 hộ đã được tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 80 triệu đồng để phát triển du lịch, còn 6 hộ đang được xét duyệt hồ sơ. 

Thôn Nà Tông đầu tư tạo cảnh quan và nhà sàn làm homestay phục vụ phát triển du lịch. 

Chăm lo mọi mặt đời sống của Nhân dân góp phần làm an Dân để từ đó người dân từng bước vươn lên có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, đồng thuận, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng. Đó là bài học quý báu để Tuyên Quang không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 


Người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.