Bài toán giảm nghèo bền vững không chỉ là làm nhà ở, hỗ trợ sinh kế mà vấn đề cốt lõi là khơi dậy ý chí vươn lên từ mỗi hộ nghèo. Với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, đã xuất hiện nhiều hộ nghèo giàu ý chí, trở thành điển hình trong phong trào giảm nghèo ở địa phương...
Giờ xây được căn nhà to đẹp, kiên cố, nhưng chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Tạng Khiếc, xã Phú Bình (Chiêm Hoá) vẫn không thể quên nỗi ám ảnh khi còn ở ngôi nhà cũ.
Sau khi xây dựng được ngôi nhà mới, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Tạng Khiếc, xã Phú Bình (Chiêm Hoá) đã đầu tư trồng rừng, chăn nuôi và đã thoát nghèo.
Vợ chồng chị Thảo lấy nhau gần 20 năm, nhưng do gia đình không có ruộng, đất đồi lại ít, 2 vợ chồng chủ yếu làm thuê kiếm sống, thế nên cuộc sống cứ nghèo mãi. Năm 2022, biết xã có chương trình hỗ trợ làm nhà, vợ chồng chị xin đăng ký làm luôn. Giờ, nhà xây kiên cố, chồng chị Thảo cũng yên tâm đi làm việc dưới Hà Nội để có thu nhập cao hơn, còn chị ở nhà chăm sóc 2 con gái, tăng gia thêm đồi sơn, nuôi mấy con lợn, con gà. Những lúc hết việc, chị đi làm thuê quanh xã kiếm thêm thu nhập.
Chị Ma Thị Biên, thôn Gành Nà, xã Công Đa, huyện Yên Sơn là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo. Xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn khi vừa phải nuôi các con ăn học trong khi chỉ trông vào mấy sào ruộng, đất vườn chưa phát huy hiệu quả. Gia đình chị được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ bò giống phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC.
Gia đình chị Ma Thị Biên, thôn Gành Nà, xã Công Đa, huyện Yên Sơn được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống, hiện đã vươn lên thoát nghèo.
Bản thân chị và gia đình luôn biết ơn sự giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi đó là sự khích lệ gia đình đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị động viên các thành viên trong gia đình cùng đoàn kết, chăm chỉ lao động, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật đã học vào sản xuất. Nhờ đó, gia đình chị đã có nguồn thu ổn định và thoát nghèo từ nhiều năm nay. Chị Biên bảo, nếu không có sự nỗ lực của bản thân và gia đình thì việc thoát nghèo thực sự khó và không bền vững được.
Hàng nghìn hộ nghèo trong tỉnh Tuyên Quang đã đã được ở trong căn nhà mới, họ đang nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm hơn. Đến giờ người dân thôn Đình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá nhớ như in buổi họp xét hộ nghèo vào cuối năm 2022. Trong lúc nhiều người còn băn khoăn chưa muốn xin thoát nghèo vì vẫn mong muốn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ thì bà Ma Thị Ngợi giơ cao cánh tay xin ra khỏi hộ nghèo.
Ngôi nhà mới xây của gia đình bà bà Ma Thị Ngợi, thôn Đình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá.
Bà Ngợi là mẹ đơn thân, chồng bà mất khi 3 đứa con còn nhỏ dại. Một mình bà gắng làm lụng nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Năm 2021, gia đình bà xây dựng căn nhà mới với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, bà vui lắm. Ngày khánh thành ngôi nhà mới, bà tự dặn mình phải thật nỗ lực, cố gắng để không phụ công sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước cho gia đình mình. Vậy nên, ngay khi hoàn thiện ngôi nhà, bà xung phong xin ra khỏi hộ nghèo.
Bà Ngợi bảo, “các con đều đi làm xa hết, nhà giờ chỉ có mỗi mình tôi. Một mình vừa làm ruộng, đồi cây, việc không hết”. Khi được hỏi vì sao bà tự nguyện xin thoát nghèo, bà Ngợi không ngần ngại nói: “Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho mình làm nhà rồi, giờ mình phải tự nỗ lực vươn lên thôi. Mình xin thoát nghèo để Nhà nước quan tâm những hộ khác chứ”.
Gia đình anh Đào Văn Sùng thuộc diện hộ nghèo từ năm 2013 với 5 nhân khẩu. Bao năm qua, gia đình được hưởng tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, với suy nghĩ bản thân và vợ con có sức khỏe tốt, có nương, gia súc thì phải nỗ lực phát triển kinh tế, anh đã bàn bạc, thống nhất với vợ con tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Nói là làm, trong một lần họp thôn, anh Sùng mạnh dạn xin thoát nghèo, vì theo anh Sùng “nghèo mãi xấu hổ lắm”.
Trong số hộ nghèo này, có không ít hộ kinh tế vô cùng khó khăn, hoàn cảnh éo le, không thể có vốn đối ứng nên phải trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Thêm vào đó là 6.000 hộ nghèo đã được hỗ trợ làm nhà và sửa nhà từ năm 2021 – 2023, vẫn còn nhiều hộ chưa thể thoát nghèo do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đây là thách thức đặt ra cho tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Lê Hữu Thể, Bí thư Đảng uỷ xã Khau Tinh, huyện Na Hang cho biết: Xã có 376 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, trong đó 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 50%. Trong số 49 gia đình được hỗ trợ xoá nhà ở tạm, nhà dột nát thì đến nay vẫn còn 12 hộ nghèo. Ngoài 2 hộ nghèo không thể thoát nghèo do hoàn cảnh éo le thì 10 hộ còn lại do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo. Cách làm trước mắt của xã hiện nay là phát huy vai trò của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Khâu Tinh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong xã. Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tiếp tục linh hoạt các hình thức hỗ trợ giúp hộ nghèo như lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, tổ chức các chuyến tham quan, học tập các mô hình kinh tế tại địa phương, thường xuyên tổchức tập huấn thâm canh, chuyên canh, xen canh và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Khâu Tinh trồng rau sạch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong xã.
Quý Quân là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Toàn xã có trên 600 hộ, trong đó có 285 hộ nghèo. Đến năm 2024, xã đã xoá được 12 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội NDVN) cùng lãnh đạo Hội ND tỉnh Tuyên Quang trao bò cho các hộ nông dân.
Ông Bàn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quý Quân trăn trở, tuy hộ nghèo đã có mái ấm nhưng câu chuyện lạc nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi cả 12 hộ này vẫn chưa thoát nghèo mà nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhận thức còn hạn chế, có một số hộ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Điều này đỏi hỏi cấp uỷ chính quyền xã cần linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, chủ động hơn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Cùng với tiếp tục phấn đấu hoàn thành xoá 40 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13%, xã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tinh thần, ý chí vươn lên của hộ hộ nghèo, bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo phát sinh, Tuyên Quang đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội và được tiếp cận thuận lợi các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới. Đồng thời, gắn kết, lồng ghép đồng bộ nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, chương trình giảm nghèo đang thực hiện trên địa bàn tỉnh hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm, khuyến khích hộ nghèo nỗ lực cố gắng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.
Đồng thời, Tuyên Quang triển khai thực hiện 7 dự án hoạt động của Chương trình gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã ĐBKK; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
Thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hoá) được Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế.
Là một tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, Tuyên Quang xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với tư duy không chỉ trao “con cá” hay “cần câu” cho người dân, tỉnh luôn chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách để người nghèo biết nhân lên "con cá" và sử dụng hữu hiệu "cần câu" làm thay đổi căn bản, thực chất đời sống của họ.
Tỉnh tiếp tục áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. Nổi bật là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Nghị quyết số 03).
Sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết số 03 đã trở thành điểm tựa cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo. Ông La Văn Hiện, thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, phấn khởi cho biết, từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh đã giúp ông có nguồn lực đầu tư chăn nuôi trâu. Hiện tại gia đình ông có đàn trâu 5 con, đã trả hết vốn ngân hàng và có tiền để tiếp tục đầu tư, phát triển chăn nuôi, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó là Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 1.7.2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 1.7.2022 về phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 …
Những quyết sách “trúng - đúng” của tỉnh Tuyên Quang đã “chắp cánh” cho ước mơ thoát nghèo của nhiều hộ dân, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hiện thực hoá mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% và hoàn thành xóa nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2025, quyết tâm xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tại Lâm Bình.
Tuyên Quang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết