Tổng đình công phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" tại Buenos Aires, Argentina, ngày 24/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Nền kinh tế Argentina lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, kinh tế Argentina suy giảm 2,5%, lạm phát hơn 211%, mức cao nhất Mỹ Latin, dự trữ ngoại tệ cũng ở mức âm.
Viện Thống kê và Điều tra Quốc gia Argentina (INDEX) cho biết, thâm hụt thương mại của nước này trong năm ngoái lên tới 6,926 tỷ USD, do xuất khẩu giảm mạnh. Hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua đã khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông phẩm quan trọng của Argentina như đậu tương, ngô và lúa mì giảm tới 40%.
Đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Argentina, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Năm 2022, nhóm hàng này mang về cho Argentina hơn 14,8 tỷ USD. Argentina còn là nước sản xuất lúa mì quan trọng trên thế giới, nhưng năm ngoái, chính phủ nước này đã phải hạn chế xuất khẩu lúa mì để bảo đảm an ninh lương thực. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo thâm hụt ngân sách của Argentina ở mức tương đương 3,99% GDP năm 2023 và 3,73% trong năm 2024.
Ngay sau khi được thành lập vào đầu tháng 12 năm 2023, Chính phủ Tổng thống Milei tuyên bố phá giá 50% đối với đồng peso, không gia hạn hợp đồng lao động và xúc tiến kế hoạch sa thải hàng nghìn người lao động ở khu vực công, cắt giảm trợ cấp đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản, bãi bỏ mức trần giá một số mặt hàng trong siêu thị nhằm bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát, bỏ trợ giá phương tiện giao thông công cộng và xăng dầu, cũng như nhiều trợ cấp xã hội và dịch vụ y tế công. Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương mở cửa tối đa nền kinh tế để thị trường điều tiết, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân hóa.
Theo đuổi chương trình cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách, Chính phủ Tổng thống Milei đã bãi bỏ nhiều quy định, đồng thời hối thúc Quốc hội thông qua một dự luật nhằm mở cửa tối đa nền kinh tế. Nhằm loại bỏ hoàn toàn thâm hụt ngân sách, Chính phủ đã cắt giảm cơ cấu, từ 18 bộ chỉ còn 9 bộ. Theo dự thảo luật đang được các nghị sĩ xem xét, Chính phủ có quyền tối cao điều hành đất nước trong vòng 2 năm và có thể tiếp tục kéo dài, đồng thời đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Trong số các giải pháp thúc đẩy kinh tế vĩ mô của Argentina còn có việc bãi bỏ quy định liên quan tới thị trường lao động như cho phép ký hợp đồng lao động không thường xuyên, tăng thời gian thử việc đối với người lao động (hiện ở mức 3 tháng) và hạn chế quyền đình công. Chính sách này đã gây ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người lao động Argentina. Đây cũng là một phần lý do người lao động, đại diện nhiều tổ chức dân sự, công đoàn và chính trị Argentina tại thủ đô Buenos Aires và nhiều địa phương đã hưởng ứng lời kêu gọi của CGT xuống đường phản đối các giải pháp của Chính phủ, kêu gọi Quốc hội không thông qua chính sách kinh tế mới. Cuộc tổng đình công đầu tiên diễn ra chỉ 45 ngày sau khi Tổng thống Milei nhậm chức.
Tổng thống Milei khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu “không thâm hụt ngân sách” và Chính phủ sẽ không thương lượng về vấn đề này. Ông hối thúc Quốc hội ủng hộ chính sách cải cách của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời nhấn mạnh thâm hụt ngân sách là gốc rễ của tình trạng khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, việc người lao động phản đối dữ dội khiến khó khăn càng chồng chất. Nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng là bài toán khó đối với Chính phủ Argentina hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết