Nghề làm bánh gai của huyện Chiêm Hóa hình thành từ những năm 1940 ở thị trấn Vĩnh Lộc. Ban đầu chỉ có 1-2 hộ gia đình làm bánh vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết để dâng cúng tổ tiên, biếu, tặng người thân. Sau này, các hộ gia đình truyền lại nghề cho con cháu, lâu dần nhiều hộ trong thị trấn học theo, lưu giữ thành nghề truyền thống.
Các cơ sở sản xuất bánh gai tất bật chuẩn bị bánh rằm phục vụ khách.
Để làm ra được chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ và tinh tế. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tươi, dầu chuối, mỡ lợn... Muốn có chiếc bánh thơm ngon phải chọn gạo nếp cái hoa vàng; lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột làm vỏ bánh. Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém, mỡ lợn được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Khi ăn bánh sẽ có vị ngọt mà thanh, ngậy không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. Sự hòa quyện của lá gai và mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh gai.
Ở thị trấn Vĩnh Lộc hiện nay có hơn 100 hộ làm làm bánh gai, trong đó có 7 hộ là xã viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc tham gia Chương trình OCOP sản xuất bánh gai. Sản lượng sản xuất bánh mỗi ngày của thị trấn ước đạt trên 2.000 cặp, vào những ngày Rằm tháng Bảy, con số này tăng lên gấp chục lần. Thời điểm này, vào các cơ sở sản xuất bánh gai Chiêm Hóa, nhà nhà tất bật, rộn ràng chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất bánh gai cung ứng cho khách đặt hàng. Nhà làm ít cũng khoảng 500 - 1.000 cặp/ngày, nhiều lên tới hàng nghìn cặp/ngày.
Bà Trương Thị Sâm (cơ sở sản xuất bánh gai Sâm Sủi), tổ dân phố Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc về làm dâu nhà chồng hơn 40 năm cũng chừng ấy thời gian bà gắn bó với nghề làm bánh. Bà bảo: “Nhà chồng tôi đã có nghề làm bánh gai từ lâu. Kinh nghiệm làm bánh được bố mẹ chồng truyền lại và là kế sinh nhai của gia đình đến bây giờ. Hàng ngày, bánh của gia đình tôi làm ra đến đâu hết đến đó, người mua vào tận nhà, không phải bày bán ngoài đường. Người mua ít thì dăm ba cặp, người mua nhiều thì đến vài chục cặp, thi thoảng có đơn vị đặt hàng nghìn cặp, mẹ con tôi phải làm từ sáng tới khuya. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất trên 100 cặp bánh. Dịp rằm này, bình quân khách đặt hàng từ 1.000 - 2.000 cặp bánh/ngày. Bánh gai của nhà tôi đã có mặt ở không ít tỉnh, thành phố trên toàn quốc”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, tổ dân phố Vĩnh Giang đóng gói bánh gai chuyển đến tay khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (cơ sở bánh gai Quân Hoa), tổ dân phố Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc có kinh nghiệm hơn 20 năm làm bánh gai, chia sẻ: “Để làm được một chiếc bánh gai ngon không quá khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải kiên trì, tỉ mỉ. Quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Thời điểm này, bình quân một ngày gia đình tôi làm khoảng 1.000 cặp/ngày. Còn những ngày cận rằm từ 13 đến 15 âm lịch, bình quân ngày 2.000 - 3.000 cặp. Tháng 7 âm là tháng làm ăn của gia đình, cả nhà huy động hết 6 thành viên làm cả ngày lẫn đêm để kịp hàng cho khách. Mỗi một mùa bánh rằm, gia đình cũng thu được từ 25 - 30 triệu đồng”.
Đối với đồng bào Tày, Nùng ở Tuyên Quang nói chung, Chiêm Hóa nói riêng, ngày Rằm tháng Bảy, các gia đình dù giàu hay nghèo đều có vài cặp bánh gai đặt trên bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành. Dù có ai xa quê, đến ngày này, họ đều sắp xếp công việc để trở về quây quần, sum họp bên gia đình và cùng nhau thưởng thức món bánh gai thơm ngon mang đậm chất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết