Không như bánh tẻ thông thường, bánh tẻ làng Chờ được gói trong lá dong nhỏ, chỉ to chừng 2 ngón tay.
Bánh mỏng vỏ, nhiều nhân và thơm phức. Gạo làm bánh được chọn từ giống lúa dài ngày với độ dẻo dính, như giống Bao Thai hay 203, được đãi sạch rồi đem ngâm nước khoảng 5 tiếng. Gạo sau đó được cho vào cối xay với tỷ lệ nước theo bí quyết riêng, sao cho bột thật nhỏ.
Tiếp theo, bột bánh được ngâm từ 1 đến 3 ngày (mùa hè ngâm 1-2 ngày; mùa đông ngâm 2-3 ngày), rồi lấy ra, dàn mỏng, đều trên lá dong, cho nhân (gồm thịt lợn với tỷ lệ 7 phần nạc, 3 phần mỡ và mộc nhĩ băm nhỏ, trộn đều) vào trong, gói lại.
Khi gói, hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa. Cuối cùng, người làm luộc hoặc hấp bánh trong vòng 30 phút là bánh chín.
Bánh tẻ làng Chờ ngon nhất khi vừa mới luộc xong. Đặc sản nức tiếng này có nét đặc trưng là dẻo thơm chứ không nhão, nát như bánh giò. Cùng với độ dẻo của lớp vỏ, bánh còn có độ giòn của mộc nhĩ, có vị đậm, vị béo của nhân, nồng đượm mùi lá. Khi ăn, tất cả cùng hòa quyện với nhau tạo nên hương vị rất khác biệt, không thể lẫn với bất cứ loại bánh tẻ nơi nào khác.
Gửi phản hồi
In bài viết