Ghe đò tấp nập trên chợ nổi Muara Kuin.
Dạo chơi Banjarmasin
Trong lịch sử hơn 6 thế kỷ của mình, Banjarmasin từng là thủ đô của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó giai đoạn thành phố thịnh vượng nhất là dưới thời Vương quốc Hồi giáo Banjar (1526-1860). Dưới thời thực dân Hà Lan, Banjarmasin là thương cảng quan trọng trên eo biển Malacca. Ngày nay, tuy Banjarmasin không còn là thủ phủ của tỉnh Nam Kalimantan, thành phố vẫn là một trung tâm công nghiệp và du lịch mang tầm khu vực.
Điểm đến đầu tiên ở Banjarmasin được nhiều du khách lựa chọn là thánh đường Hồi giáo Sultan Suriansyah. Đây là ngôi đền cổ nhất của tỉnh Nam Kalimantan với tuổi đời hơn 300 năm. Thánh đường Sultan Suriansyah nổi bật bởi lối kiến trúc nhà sàn với ba tầng mái đặc trưng cho nền văn hóa địa phương pha trộn các yếu tố thẩm mỹ từ cả Hồi giáo, Phật giáo lẫn Ấn Độ giáo. Bên trong khuôn viên đền còn có khu nghĩa địa dành cho các thế hệ hoàng tộc Banjar. Thánh đường Sultan Suriansyah được xây để kỷ niệm dịp vị sultan cùng tên cải sang đạo Hồi, và ngôi mộ của ông cũng nằm ở trong đền.
Bảo tàng Waja Sampai Ka Puting ở Banjarmasin vốn là một ngôi nhà sàn được xây dựng theo phong cách Bubungan Tinggi (một trong 12 lối kiến trúc địa phương). Đến năm 1991, ngôi nhà được cải tạo thành viện bảo tàng về cuộc cách mạng Indonesia (1945-1949). Du khách đến với Waja Sampai Ka Puting để ngắm nhìn những hiện vật do các chiến sĩ cách mạng để lại và từ đó nhận ra hai chữ “cách mạng” quan trọng với người Indonesia nhường nào. Chưa hết, cứ đến dịp Hari Pahlawan (ngày tưởng nhớ các liệt sĩ Indonesia) vào ngày 10 tháng 11 hằng năm, bảo tàng Waja Sampai Ka Puting lại mở cửa miễn phí để khách gần xa được theo dõi một trận đánh giả tái hiện cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Kalimantan.
Thành phố Martapura ở phía nam Banjarmasin có một số mỏ kim cương và ruby. Những viên đá quý khai thác ở đây được chuyển đến Banjarmasin để các nghệ nhân kim hoàn cắt gọt, mài giũa. Sản phẩm của các nghệ nhân được bán ở khu phố Jalan Martapura tại Banjarmasin. Du khách có thể dễ dàng tìm cho mình một chiếc nhẫn hay đôi khuyên tai kim cương với mức giá chấp nhận được so với chất lượng. Một món quà lưu niệm địa phương khác được du khách ưa thích là đồ mây, tre đan.
Nếu du khách muốn tìm một chỗ ngắm nhìn quang cảnh Banjarmasin thì hãy đến tháp ngắm cảnh ở công viên Siring. Tháp nằm bên bờ sông Martapura, đối diện với thánh đường Hồi giáo Sabilal Muhtadin ở bờ bên kia. Thời điểm tốt nhất để đến tháp Siring là lúc chiều tà, khi toàn bộ thành phố đã ngả sắc vàng hoàng hôn. Đến tối, ngọn tháp sáng rực cả một góc sông. Tháp ngắm cảnh cũng là nơi đặt trung tâm thương mại và một số nhà hàng. Làn gió sông Martapura “quạt mát” cho người ăn, và các món đặc sản địa phương vì thế cũng trở nên ngon hơn.
Lênh đênh trên dòng nước
Banjarmasin nằm ở nơi hai dòng sông Barito và Martapura hợp lưu. Cuộc sống của người dân Banjarmasin xoay quanh hai dòng sông. Nơi thể hiện rõ nhất cuộc sống bản địa là chợ nổi Muara Kuin. Du khách muốn ghé thăm Muara Kuin nên thức dậy trước khi mặt trời mọc và lên những chiếc ghe (kelotok) để xuôi dòng Barito. Khi thấy ghe đò tụ kín một đoạn sông là tới nơi. Mọi loại sản vật địa phương như chuối, tôm, khoai lang, dừa xiêm, bột ớt... đều được bày bán ở Muara Kuin. Khách thăm chợ có thể không mua gì nhưng đừng bỏ qua việc ăn sáng, uống cà phê ở các quán hàng bày ngay trên ghe. Đó là cơ hội tốt để ngắm nhìn các bà nội trợ Banjar nhanh nhẹn bước trên thuyền ghe như những con chim sáo.
Sau chợ Muara Kuin, hành trình dọc sông Barito sẽ đưa du khách đến làng Sasirangan. Nếu như ở Java có vải Batik thì ở Banjarmasin có vải Sasirangan. Thứ vải này làm tốn công hơn vải Batik bởi người dệt không vẽ lên vải mà phải dệt họa tiết bằng ren trước, sau đó mới khâu họa tiết lên tấm vải. Những màu sắc sặc sỡ của vải Sasirangan đều được làm từ thuốc nhuộm 100% tự nhiên. Du khách đến làng Sasirangan có cơ hội được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm vải. Một tấm vải do bạn tự thêu, tự nhuộm sẽ là món quà lưu giữ kỷ niệm tuyệt vời.
Một điểm đến thú vị khác trên dòng sông là Pulau Kembang (đảo Hoa). Gọi là đảo nhưng đây thực chất là một doi đất nằm ngay giữa dòng sông. Trên đảo có rất nhiều khỉ vòi làm tổ ở bên trong một ngôi đền bị bỏ hoang. Bọn khỉ đã quen con người và luôn chơi đùa với du khách thăm đảo. Du khách chỉ cần mua một ít đậu phộng cho chúng, đồng thời cho hết các vật dụng nhỏ trên người vào trong túi kẻo bị bọn khỉ lấy mất.
Khu bảo tồn rừng nguyên sinh Adam Sultan được khánh thành vào năm 1989, có diện tích 106.400ha, là nơi ở của nhiều loài khỉ, hươu, rắn và các loài chim đặc hữu. Du khách có thể đi kelotok xuôi dòng Barito để thăm một phần của Khu bảo tồn rừng nguyên sinh Adam Sultan. Nơi dòng sông gặp biển trong khu bảo tồn có một khu rừng ngập mặn rộng vài trăm hecta. Nhiều du khách lựa chọn xuống ghe tại đây để đi bắt cua trên bãi bùn cửa sông hay ghé thăm hang đá vôi Sogung ở gần đó.
Hệ thống hang Sogung bao gồm 20 hang động khác nhau, đa số là hang ngập nước. Chỉ có các hướng dẫn viên mới thông thạo đường lối ngoằn ngoèo trong hang. Có nhiều chỗ bạn sẽ phải lội nước, thậm chí là phải lặn xuống. Công sức bỏ ra cũng đáng với cảnh kỳ ảo được tạo bởi những khối thạch nhũ đủ hình dạng. Chắc chắn du khách sẽ có được cho mình những tấm ảnh tuyệt đẹp ở hang Sogung.
Gửi phản hồi
In bài viết