Kết nối chặt chẽ hệ giá trị di sản của Đường Lâm chính là giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn một cách bền vững không gian văn hóa đặc sắc này trong tương lai.
Đình Mông Phụ, một trong những di tích nổi tiếng của Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Linh Tâm
Giá trị của Làng cổ Đường Lâm
Làng là đơn vị tụ cư truyền thống lâu đời ở nông thôn Việt Nam, đồng thời là nơi cố kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng, hình thành nếp sống cộng đồng riêng có, tạo ra văn hóa làng, một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Làng cổ Đường Lâm được nhận diện và đánh giá bởi một hệ giá trị đa dạng, tổng hòa, đã được tích tụ và lưu truyền trong suốt quá trình hình thành, tồn tại của cảnh vật và cuộc sống nơi này. Trước hết, đó là cấu trúc không gian ngôi làng truyền thống, bắt đầu từ chiếc cổng làng đặc trưng, tiếp đó là những đường làng, ngõ xóm phân nhánh theo kiểu “cành cây” một cách hữu cơ, linh hoạt. Các xóm có sự độc lập nhất định về không gian, đồng thời lại liên kết với nhau, dẫn đến hoặc quy tụ lại tại những không gian công cộng như đình, chùa, đền, miếu, điếm, chợ...
Không những thế, ở Đường Lâm, tất cả các nhân tố cấu thành ngôi làng truyền thống đều được lưu giữ đến bây giờ, những cái mà nhiều làng quê từng có nhưng đã bị tan biến trong sự phát triển. Làng cổ Đường Lâm hiện có 7 di tích được xếp hạng quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 17 lễ hội lớn tại các di tích. Trong làng còn lưu giữ 956 ngôi nhà truyền thống, trong đó có nhiều ngôi nhà cổ. Không chỉ đậm đặc và phong phú, các nhân tố cấu thành làng còn hết sức đặc biệt: Từ cổng làng Đường Lâm, đình Mông Phụ, chùa Mía đều là những di tích nổi danh cả nước; đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền là những dấu ấn đặc biệt của vùng đất “hai vua”, rồi cả rặng duối cổ 500 tuổi, đồi Hổ gầm, vũng Hùm độc đáo...
Cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, các kiến trúc ở đây còn cho thấy kinh nghiệm của người xưa về cách sử dụng vật liệu và phương thức xây dựng với sự tài tình trong cách sử dụng đá ong hay gạch đất không nung (bùn ao trộn trấu), tạo nên nét đặc trưng của hình ảnh ngõ xóm gần gũi, dung dị mà hữu tình. Trong không gian ấy là cuộc sống của những người dân Đường Lâm bao đời nay chung sống trong một cộng đồng làng xã với quan hệ dòng tộc, xóm giềng mật thiết, với nếp sống, tập tục, lề thói theo cách của mình tạo nên những sắc thái riêng biệt vùng Kẻ Mía. Cùng với phương thức sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Đường Lâm còn bảo lưu những nghề tiểu thủ công truyền thống như nghề làm tương, làm kẹo, làm bánh, nghề làm mật mía, dệt vải, đánh đá ong...
Trong sự biến đổi tất yếu về văn hóa, xã hội, Đường Lâm vẫn lưu giữ được nét đặc trưng về văn hóa, xã hội, tương ứng trong không gian cư trú, sinh hoạt, sản xuất truyền thống với mối quan hệ sinh thái, nhân văn bền vững.
Hành trình “đánh thức” giá trị Làng cổ
Trong nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống của một ngôi làng cổ đang chuyển hóa trong sự phát triển tất yếu, chúng ta cần phải có cách ứng xử thích hợp. Việc xếp hạng di tích quốc gia đối với Làng cổ Đường Lâm là việc làm cần thiết và kịp thời để pháp lý hóa những cách thức cần phải tuân thủ khi có sự can thiệp đến ngôi làng này.
Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa nhu cầu sống và phát triển của cộng đồng cư dân với mong muốn về bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi làng. Để giải quyết tốt vấn đề này, trước hết cần phải thống nhất nhận thức về các vấn đề liên quan đến vai trò của di sản và giá trị của truyền thống.
Giá trị của di sản, giá trị của truyền thống là những thuộc tính của di sản, những yếu tố truyền thống có giá trị trong đời sống đương đại. Trên thực tế, những thuộc tính của di sản, những yếu tố truyền thống ấy luôn có xu hướng bị đe dọa. Vì thế, di sản phải được bảo tồn trong sự thích ứng với thực tại, truyền thống phải được kế thừa một cách biện chứng thì những di sản, những yếu tố truyền thống ấy mới được gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục có giá trị trong xã hội đương đại và tương lai.
Tại Làng cổ Đường Lâm, hệ giá trị di sản sẽ được duy trì lâu dài nếu chúng được bảo tồn một cách phù hợp và thích ứng trong sự phát triển. Cấu trúc không gian của làng sẽ có giá trị đương đại khi nó vẫn đáp ứng nhu cầu kết nối, sự tiếp cận, lưu thông của cộng đồng cư dân và du khách. Hệ thống kiến trúc, cảnh quan đặc trưng, riêng biệt sẽ có giá trị trong cuộc sống hiện tại khi vẫn đáp ứng được những nhu cầu, phương thức sống của ngày hôm nay. Nghề thủ công, ẩm thực truyền thống sẽ được duy trì phát triển nếu vẫn đem lại thu nhập tốt cho người dân sở tại...
Bảo tồn di sản Làng cổ trong sự phát triển tiếp nối
Giá trị lịch sử, văn hóa của di sản là cái trân quý cần bảo tồn nhưng đồng thời nó cũng phải có ý nghĩa trong đời sống xã hội đương đại. Những cách làm chỉ chú trọng đến cấu trúc, không gian và dấu tích vật thể mà không quan tâm thực sự đến cuộc sống cộng đồng đều dẫn đến những xung đột và bất thành. Cuộc sống của cộng đồng dân cư trong không gian cư trú của mình chính là một phần quan trọng của di tích, chính nó tạo nên những đặc trưng và bản sắc không thể thay thế của di sản. Nếu chỉ lo giữ những ngôi nhà cổ và những không gian kiến trúc truyền thống vốn có, ta có thể có một tổng thể đẹp, nhưng sẽ là một ngôi làng “chết”. Vì vậy, quyền lợi dân sinh không những cần phải lo mà phải đưa lên hàng đầu. Mặt khác, bảo tồn không có nghĩa là “đóng băng” cái gì sẵn có, mà là bảo tồn những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị riêng biệt của di sản trong sự phát triển hữu cơ của nó. Sẽ thật tuyệt vời nếu cộng đồng dân cư vẫn phát triển trên mảnh đất của mình và chính họ tham gia bảo tồn di sản ấy trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp quản lý và các chuyên gia bảo tồn.
Trên thực tế, ở Đường Lâm điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Đất ở của các hộ dân tại Đường Lâm khá rộng, khoảng 52% số nhà ở hiện nay có diện tích từ 200m2 - 300m2, số còn lại là trên 300m2 (trung bình đất ở là 398m2/hộ). Các nhà tư vấn có thể giúp người dân những giải pháp thiết kế cải tạo, mở rộng không gian ở ngay trên mảnh đất hiện tại của mình một cách phù hợp. Đặc biệt, cần nhận thức và phân biệt việc cải tạo, phát triển không gian ở đáp ứng nhu cầu sống - cái cần phải làm tốt, và việc xây dựng tự phát, tùy tiện làm biến dạng khung cảnh làng quê bằng cách bắt chước vụng về kiến trúc của đô thị - cái cần phải ngăn chặn. Những trường hợp không có khả năng cải tạo, phát triển tại chỗ thì mới tính đến giải pháp tái định cư bằng những khu đất ở mới.
Gần đây, ngoài những nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, Đường Lâm đã có những sự thay đổi khá mới mẻ. Đó là sự xuất hiện của những điểm dịch vụ với sản phẩm văn hóa, ẩm thực địa phương; những không gian văn hóa sáng tạo, trải nghiệm thu hút sự quan tâm của du khách: Những cơ sở hạ tầng được chỉnh trang, nâng cấp... Điều đó cho thấy sự phát triển tất yếu trong đời sống và trong không gian văn hóa - kiến trúc của làng cổ. Sự chuyển hóa này có thể tồn tại khá hữu cơ với tổng thể của làng. Vấn đề quan trọng đặt ra với các cơ quan có trách nhiệm là tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những yếu tố mới, cần thiết cho sự phát triển nhưng không làm ảnh hưởng đến những đặc điểm và giá trị truyền thống.
Như vậy, bảo tồn Làng cổ Đường Lâm là bảo tồn hệ giá trị tổng hợp của nó, trong đó có cấu trúc không gian làng truyền thống, những công trình kiến trúc và cảnh quan di sản cùng với toàn bộ cuộc sống cộng đồng cư dân trong đó với mối quan hệ sinh thái bền vững. Bảo tồn Làng cổ Đường Lâm không chỉ là bảo tồn di tích, mà còn là bảo tồn các giá trị đặc trưng của một mô hình cư trú điểm dân cư nông thôn truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển như một cơ thể sống. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách phù hợp và không được cản trở hay ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết