Huyện Lâm Bình có gần 70.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt trên 78%, hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng sinh học. Qua các cuộc khảo sát chuyên sâu được cơ quan chức năng phối hợp cùng các tổ chức xã hội cho thấy, rừng Lâm Bình có thể ví như “kho báu” về đa dạng sinh học, là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm đang bị đe dọa cần được quan tâm, ưu tiên bảo vệ như voọc đen má trắng, cu li, mèo rừng, gà lôi trắng, cầy hương, rắn hổ chúa, trăn gấm... Nhiều loài thực vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, pơ mu, thông tre, hoàng đàn, trầm gió; nhiều loài lan hài; cây thuốc quý như tam thất hoang, lan kim tuyến, trà hoa vàng, thất diệp nhất chi hoa, cây một lá, bình vôi đỏ...
Các lực lượng phối hợp quản lý cây gỗ quý trên địa bàn xã Thượng Lâm.
Trong những năm qua, huyện Lâm Bình cùng các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn nghiên cứu động vật hoang dã đã nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn. Từ năm 2010, tổ chức phi Chính phủ Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) đã có nhiều hoạt động phối hợp với huyện Lâm Bình trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, vận động để loài động vật quý hiếm được bảo vệ và phát triển. Trong đó tổ chức PRCF đã triển khai thực hiện dự án bảo tồn và phát triển quần thể Voọc đen má trắng tại Lâm Bình loài linh trưởng có nguy cơ bị tiệt chủng trên toàn cầu. Tổ chức PRCF phối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thành lập các nhóm tuần rừng là người dân địa phương trang bị máy GPS, máy ảnh số và ống nhòm cùng quần áo bảo hộ đi rừng hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã.
Anh Nông Văn Thành, thôn Nà Thuôn, xã Thượng Lâm thành viên nhóm tuần rừng cho biết, trong hoạt động tuần rừng, nhóm của anh gồm 6 người được phân công giám sát hoạt động săn bắt, chặt phá rừng và theo dõi hoạt động của quần thể voọc đen má trắng trong vùng. Qua khảo sát, nhóm tuần rừng theo dõi phạm vi hoạt động của quần thể voọc đen má trắng tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà (Lâm Bình) và xã Sinh Long (Na Hang) với 140 cá thể voọc đen má trắng được chia làm 15 đàn, mỗi đàn từ 3 - 17 con. Trong quá trình đi tuần rừng, các thành viên còn tuyên truyền cho bà con địa phương nâng cao ý thức bảo vệ rừng và loài voọc, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp báo cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, huyện Lâm Bình đã tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp được 37 cuộc với trên 2 nghìn lượt người nghe. UBND các xã đã tổ chức cho gần 2 nghìn hộ gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp năm 2017; tổ chức kiểm tra và ký cam kết với 11 hộ kinh doanh không mua bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật là sản phẩm có nguồn gốc là động vật hoang dã nằm trong danh mục nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, năm 2018 huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa lực lượng công an, kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã trong quản lý bảo vệ rừng, do đó, những năm gần đây rất ít vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp liên quan đến động, thực vật nguy cấp quý hiếm. Theo ông Tình, việc giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương là chính sách đúng đắn của Nhà nước, người dân được hưởng lợi từ rừng, từ đó rừng được bảo vệ từ chính người dân.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cộng đồng cùng tham gia công tác bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững để thu hút khách du lịch đến Lâm Bình.
Gửi phản hồi
In bài viết