Bảo vệ, chăm sóc rừng mới trồng

- Tục ngữ có câu “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Vì vậy ngoài trồng rừng đúng kỹ thuật, khung thời vụ thì việc chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, gẫy đổ mới có thu hoạch.

Chăm sóc đúng thời điểm

Gia đình đã có truyền thống trồng rừng và gắn bó với rừng vài chục năm nay nên anh Nịnh Văn Lìn, thôn Gia, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) hơn ai hết hiểu rõ giá trị của nghề này. Minh chứng là những cánh rừng cây keo gỗ lớn của anh Lìn đã gần chục năm tuổi với giá trị hàng trăm triệu đồng. Anh Lìn cho biết, trồng rừng không đơn giản như mọi người nghĩ. Trồng rừng phải đảm bảo về mật độ khuyến cáo, bón phân, chăm sóc sau trồng, tỉa thưa…, không đảm bảo quy trình thì hiệu quả kinh tế không cao.

Hiện anh có 2 ha rừng trồng hơn 1 năm tuổi, ngoài bổ sung phân, làm cỏ, phát quang thì phải chỉnh lại cây nghiêng ngả để đảm bảo cây phát triển tốt. Với trên 15 ha rừng của gia đình, anh Lìn chăm sóc theo quy trình FSC nên chất lượng gỗ cũng như giá trị kinh tế cao hơn hẳn, trung bình 1 ha rừng của anh Lìn đạt từ 120 - 135 triệu đồng.

Gần đó, gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn Gia duy trì trên 12 ha đất rừng chủ yếu là keo lai. Trước đây, người dân trồng rừng để cây tự lớn nhưng từ khi rừng có giá trị, rừng được chăm sóc như các loại cây ăn quả, có bón phân, làm cỏ, trồng dặm, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh và cả chuyển đổi cơ cấu giống.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Yên Sơn hướng dẫn người dân thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết chăm sóc rừng keo sang năm tuổi thứ 2.

Ông Bình cho biết: “Ba năm đầu rất quan trọng trong trồng rừng, nếu không làm cỏ, bỏ phân thì cây không phát triển được. Hơn nữa đây là giai đoạn cây non nớt, các loại sâu bệnh dễ xâm nhập nên người trồng phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng ngừa”. 

Chăm sóc đúng kỹ thuật nên tỷ lệ sống rừng trồng của gia đình ông Bình luôn đạt trên 90% là điều kiện để ông phát triển rừng gỗ lớn. Hiện gia đình có 4,2 ha rừng 8 năm tuổi, nếu giờ thu hoạch thì cũng chỉ làm gỗ dăm giá trị đạt 107 triệu đồng/ha còn để thêm 4-5 năm nữa với giá thị trường hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Lợi nhuận nữa là rừng lớn không tốn chi phí đầu tư giống, chăm sóc, chỉ cần trông nom, bảo vệ.

Đồng chí Trần Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ khẳng định: Kinh tế rừng đã giúp diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt. Với hơn 4.600 ha rừng tự nhiên đã giúp thu nhập của nhiều gia đình hàng năm lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có những gia đình thu hàng tỷ đồng. Vì thế người dân đã chú trọng chăm sóc rừng ngay từ khi mới trồng, bón phân và phòng sâu bệnh hại. Tình trạng rừng bị chết thưa hay bỏ bê “tự lớn” là không còn nữa. Người trồng rừng ở Tiến bộ còn đang áp dụng các kỹ thuật lâm sinh, tuyển chọn giống chất lượng cao để phát triển rừng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) là một trong những xã đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu người Mông, Dao, Tày với tập quán làm rẫy nhưng từ khi tỉnh, huyện, xã vận động trồng rừng sản xuất và triển khai chính sách của tỉnh, người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế rừng. Những nương ngô, nương sắn, nương lúa trước đây giờ thành những cánh rừng xanh tốt. Ông Vương Văn Lẹm, người Nùng thôn Nà Vơ đang chăm sóc rừng keo mới trồng 3 tháng khoe: “2 ha rừng năm trước bán được gần 160 triệu đồng, số tiền đối với gia đình ông là lớn nhất từ trước đến nay. Giờ rừng là tài sản quý rồi! Trồng xong là chăm sóc, bón phân, làm cỏ chứ không bỏ bê như trước đâu”. 

Đồng chí Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: Xã có tổng trên 8.489 ha đất rừng thì đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ trên 1.000 ha rừng phòng hộ, đến nay toàn xã không còn thôn nào để đất trống, đồi trọc. Kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm. Chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc rừng trồng, nhất là những năm đầu chu kỳ trồng để hình thành rừng.

Phòng chống gẫy đổ

Xã Đông Thọ (Sơn Dương) có trên 2.800 ha rừng gồm trên 146 ha rừng tự nhiên và trên 2.700 ha rừng trồng, hiện gần 1.000 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bình quân hàng năm, toàn xã trồng trên 100 ha rừng, với trên 1.800 hộ dân tham gia. Thu từ rừng bình quân đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/chu kỳ 6-7 năm.

Thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ có 200 ha rừng, nhiều nhất xã với 160 hộ dân có rừng. Gia đình ông Trần Kim Cương là hộ điển hình thoát nghèo, làm giàu từ rừng. Ông Cương trồng 3,5 ha rừng, khai thác xong ông tiến hành trồng lại ngay. Ông Cương bảo, “toàn bộ diện tích của gia đình ông trồng giống keo mô từ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, trồng với mật độ khoảng 1.400 cây/ha, mỗi hàng cách nhau 3m, cây cách cây tối thiểu 2m. 3 năm đầu phải chăm sóc tỷ mỉ, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, nắn chỉnh cây cong và tỉa thưa. Cây keo sang năm thứ 3 là ông chỉ để mật độ khoảng 1.100 cây/ha. Cây phát triển nhanh hơn, hạn chế được đổ, lướt, gẫy khi mưa bão”.

Những trận mưa, gió đầu tháng 5-2024, Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa bị thiệt hại trên 100 ha rừng. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết: Hai trận gió bão từ đầu tháng đến giờ, công ty đã bị thiệt hại trên 100 ha rừng từ 2-3-4 năm tuổi, trị giá gần 1 tỷ đồng. Nguyên nhân do luồng gió mạnh cục bộ đã làm rừng non không chống đỡ được. Hiện nay đơn vị đang cho rà soát lại, đối với diện tích bị gẫy đổ từ 70%/ha thì tiến hành trồng lại. Diện tích nào cây lướt cong thì tổ chức khắc phục. Tuy nhiên qua đợt này, công ty cũng sẽ tìm thêm giống cây lâm nghiệp phù hợp hơn với diện tích đón gió mạnh để giảm thiệt hại.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh xảy ra mưa lớn kèm lốc mạnh đã làm thiệt hại hơn 200 ha rừng bị gẫy đổ, lướt. Ngoài nguyên nhân do mưa bão thì nhiều hộ trồng dày hơn mật độ khuyến cáo, chưa chú trọng tỉa thưa, tỉa cành để giảm bớt gánh nặng cho cây khi có gió bão lớn.

Đến ngày  25-5, toàn tỉnh đã trồng mới 6.343 ha/10.500 ha rừng. Để rừng bén rễ, không bị mưa bão, sâu bệnh gây thiệt hại, ngành Lâm nghiệp, chính quyền các địa phương tiếp tục hướng dẫn người trồng rừng các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, trọng tâm là giữ mật độ cỏ hợp lý, không để đất trơ trọi khi mưa gây xói mòn làm cho cây bật rễ, tỷ lệ cây chết rất cao.

  Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục