“Ông Tiên trên cánh đồng vàng”
Ở cái tuổi 80, ông Bàn Công Hiến - người con rể cả của Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên vẫn nhớ như in hình ảnh người cha vợ ngày ngày xắn quần đắp mương đắp đập, thăm bờ thăm ruộng dù trời nắng hay mưa. Vừa làm, ông cụ vừa rút kinh nghiệm và truyền lại cho bà con nông dân quanh vùng.
Đồng Vàng khi ấy chưa có tên gọi, bà con quen gọi là đồng Hoang. Sau Cách mạng Tháng Tám, Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên quyết định vận động người Dao ở động Loong Coong dưới chân núi Quạt về định cư ở đất này, khai hoang, đắp đập lấy nước dẫn vào ruộng để sản xuất. Có nước dẫn về, đồng Hoang một năm cấy được hai vụ lúa, diện tích cánh đồng được khai phá mở rộng thêm, rộng ngút tầm mắt. Đồng Hoang mất dần tên gọi, thay vào đó bà con gọi tên Đồng Vàng. “Là bởi mỗi độ lúa chín, cánh đồng như được dát vàng, lấp lánh dưới nắng khoe hạt thóc chắc mẩy, tròn trịa” - ông Bàn Công Hiến nhớ lại.
Người dân thôn Khuôn Khoai trồng rau màu, cung cấp cho các chợ phiên quanh vùng.
Với người Dao ở Đồng Vàng, hình ảnh ông Tiên trên cánh đồng vàng là hình ảnh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện về ông vẫn được người già kể lại cho người trẻ, người đi trước kể với người đi sau như một bài học về sự cần cù, yêu lao động. Có lẽ vì thế mà ở Đồng Vàng, ai cũng thấm cái tình yêu ấy của ông, họ hóa tình yêu vào đất, vào cây, để những mảnh ruộng gần như không nghỉ, cho hạt thóc thơm ngon, hoa trái dịu ngọt suốt cả 4 mùa.
Trưởng thôn Đồng Vàng Đỗ Thành Cung tự hào mà ví von rằng, người dân thôn ông yêu ruộng yêu đồng như “yêu chồng yêu vợ”, khi sáng chiều đều bám đất bám ruộng chăm bẵm. Thôn có gần 18 ha đất sản xuất, được bà con luân canh liên tục. Trưởng thôn Đỗ Thành Cung bảo, đếm ở Đồng Vàng không hết người có của ăn của để từ đồng ruộng đâu, như nhà Bàn Thị Ly, Bàn Văn Hùng, Bàn Thị Kim... Người Dao ở Đồng Vàng chiếm hơn 80% dân số, thì giờ chỉ còn 2 hộ nghèo do có người ốm đau, bệnh tật thôi.
Bà Bàn Thị Kim, cháu dâu của ông Tiên bảo, mình về làm dâu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cụ dạy mình nhiều điều lắm, trước nhất là dạy đối nhân xử thế, dạy cách làm con làm cháu trong nhà. Rồi cụ dạy mình cách làm ăn, cách sản xuất. Nhờ thế mà năm nào, dẫu chỉ có chưa đầy 5 sào ruộng, nhưng nhà bà Kim có đủ rau màu, hoa trái cung cấp cho gia đình và bán ở các chợ phiên quanh vùng. Bà Kim cười, chia sẻ: “Vụ đông mình trồng ớt, trồng ngô, vụ xuân thì trồng dưa hấu, dưa lê, rồi lại chuyển sang rau màu các loại... Thu nhập từ 5 sào ruộng năm nào cũng đều đặn năm bảy chục triệu đồng”. Bà Kim chỉ ngôi nhà vườn mới xây khoe, tiền xây ngôi nhà này cũng chủ yếu là từ tiền rau màu đấy.
Không cho đất nghỉ...
Từ tiền đề là Hợp tác xã Đồng Vàng do Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên làm Chủ nhiệm, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên tiếp bước truyền thống, trở thành một trong những hợp tác xã nông lâm nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh. Giám đốc Hợp tác xã Hà Doãn Hộ cười, khẳng định, việc mà mình học được từ Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên chính là nói đi đôi với làm. Nhờ thế mà tất cả các mô hình mà Hợp tác xã thực hiện đều chắc chắn và có tính liên kết. Ông Hộ bảo, càng tham gia các mô hình liên kết, bà con càng làm quen nhanh với cơ chế thị trường. Không chỉ được đầu tư giống tốt, cùng chủng loại, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà còn được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức trong chăm sóc, phòng trị sâu bệnh hại lúa. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường. Lợi ích lớn như vậy, nên chỉ 1 - 2 vụ đầu bà con ngần ngại, sau thấy lợi nhuận cao, hiệu quả tốt, không ai bảo ai đều nhất loạt cùng tham gia. Từ mô hình liên kết trồng ngô, trồng ớt đến liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa chuột, chuỗi liên kết nào cũng thành công và tạo được mối quan hệ bền chặt giữa nông dân với hợp tác xã, mỗi ha liên kết đều đạt mức thu nhập từ 100 đến 180 triệu đồng. Ông Hộ khoe, năm 2021, doanh thu hợp tác xã đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân thành viên và người lao động hơn 5,1 triệu đồng/người/tháng.
Những cánh đồng màu mỡ ở thôn Đồng Vàng, Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Bảo Ninh là thôn có phong trào làm nông nghiệp rất tốt. Ngoài trồng lúa ngô, thôn chuyển đổi một phần sang trồng dưa chuột, dưa lê, dưa hấu, lạc, mướp đắng, ớt cho thu nhập gần 10 triệu đồng/sào. Ông Hoàng Kim Sơn, 89 tuổi, thôn Bảo Ninh chia sẻ, hệ thống thủy lợi tưới tiêu chắc 3 vụ của thôn được như ngày hôm nay cũng phải nhờ đến công lớn của Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên. Ông là người dẫn nước trên núi về, có một nhánh dẫn về thôn Bảo Ninh ngày nay. Học tập gương người Anh hùng Lao động người Dao Tiền ở thôn bên, ở Bảo Ninh, những nhóm cùng sở thích, câu lạc bộ trồng rau sạch được thành lập. Từ Câu lạc bộ trồng rau sạch diện tích gần 5 ha, đến Nhóm cùng sở thích trồng rau diện tích hơn 6 ha...
Bí thư Đảng ủy xã Yên Nguyên Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tình yêu lao động sản xuất của người dân Yên Nguyên được bồi đắp qua năm tháng. Chẳng thế mà Yên Nguyên tự hào, khi là một trong những xã có hệ thống kênh mương, thủy lợi hoàn thiện và có hệ số sử dụng đất cao nhất nhì huyện Chiêm Hóa. Đây chính là tiền đề vững chắc để hình thành ở Yên Nguyên những mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Mùa nào thức nấy, đất ruộng nào thì cây trồng đấy. Ngay cả những vùng đất trằm, trũng, bà con cũng nghĩ cách mà cải tạo, đưa vào nhiều loại cây trồng mới như phật thủ, ổi... cho phù hợp.
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, Yên Nguyên ghi nhớ lời dạy này hơn ai hết. Từ điểm tựa lịch sử, những người nông dân nơi đây không cho đất nghỉ, để những cánh đồng vàng ngày một thêm trĩu bông, dâng trái ngọt bù lại những giọt mồ hôi mặn chát.
Gửi phản hồi
In bài viết