Tác phẩm này liên tục được trở lại trong đời sống đương đại qua bản phục dựng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của NSƯT Đặng Tú Mai (2013), kịch hình thể của NSND Lan Hương (2013), sự kiện “Sức sống kịch Lưu Quang Vũ” (2020)...
Lưu Quang Vũ “bén duyên” với thơ trước khi đến với kịch. Ông trút cả vào thơ hết thảy nồng nàn, đắm say, còn khi đặt bút viết kịch lại hé lộ một Lưu Quang Vũ sắc sảo, quyết đoán, mạnh mẽ.
Lưu Quang Vũ viết vở kịch đầu tiên, “Mãi mãi tuổi 17”, vào năm 1978. Cuộc sống vắng tiếng bom đạn thôi thúc con người khao khát khám phá, đi sâu vào cuộc sống để tìm hiểu cả mặt tốt và mặt xấu. Lưu Quang Vũ bắt rất nhạy vào những vấn đề nhân sinh mang tính thời sự nóng hổi đó, nên kịch của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của công chúng: “Mùa hạ cuối cùng”, “Điều ước thứ bảy”, “Người trong cõi nhớ”, và đặc biệt là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Được xây dựng từ tích truyện dân gian, nhưng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không phải một sự sao chép nhàm chán, mà phần lớn là sáng tạo riêng của Lưu Quang Vũ, chứa đựng hơi thở thời đại mới mẻ.
Câu chuyện kể về Trương Ba - một ông lão tuổi hơn sáu mươi, hiền lành, nhân hậu, có tài chơi cờ vượt cả thần tiên. Do sai sót của Nam Tào Bắc Đẩu mà Trương Ba bị gạch tên khỏi sổ sinh tử dù dương thọ chưa tận. Để sửa chữa sai lầm, Tiên Cờ Đế Thích đã cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt mới chết để kéo dài sự sống. Điểm kết thúc này của truyện dân gian lại là khởi đầu của tác phẩm Lưu Quang Vũ; ông tiếp tục phát triển những rắc rối oái oăm Trương Ba gặp phải khi sống trong cảnh “hồn nọ xác kia”: Thói nhũng nhiễu của bọn lý trưởng, nỗi đau khổ của cả hai gia đình, sự bàng hoàng của chính Trương Ba khi thấy mình tha hóa... Những giằng xé ấy lên đến đỉnh điểm buộc Trương Ba phải tìm đến Đế Thích để cởi nút mâu thuẫn: “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!”...
Đoạn trích thể hiện rõ bi kịch, khát vọng và vẻ đẹp của Trương Ba, triết lý nhân sinh sâu sắc mà Lưu Quang Vũ gửi gắm vào tác phẩm. Từ một người làm vườn hiền lành, tốt bụng, có lối sống trong sạch, thanh khiết, nay khi nhập hồn vào thân xác anh hàng thịt, ông trở nên bạo lực, ham rượu chè và thú vui nhục dục. Trương Ba tự ý thức được và cảm thấy đau khổ trước sự thay đổi ấy, nhưng lại bất lực, không thể đổi khác. Để rồi từ đó Trương Ba phải đối diện với bi kịch thứ hai: Bi kịch không được sống là mình, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Bi kịch nhân đôi ấy khiến Trương Ba phải thốt lên “tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa”, “không thể được”, “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. Phép điệp ba lần “không thể” nhấn đậm nỗi đau bất lực của Trương Ba, để rồi bi kịch “hồn nọ xác kia” mang tính hư cấu bỗng hiện ra trong đời sống thường nhật với sức gợi vô cùng mạnh mẽ.
Hạt nhân cốt lõi trong bi kịch của Trương Ba chính là tình trạng sống giả dối, không chân thật với lòng mình. Trương Ba đã ý thức được sâu sắc nỗi đau khi hồn và xác có sự vênh lệch quá lớn, điều này dẫn ông tới khát vọng được “sống toàn vẹn”, được là chính mình, hòa hợp giữa cái lý trí bên trong với biểu hiện bên ngoài. “Sống toàn vẹn” là sống cho chính mình, sống sao cho ngay thẳng, tử tế, chân thật với cảm xúc của mình và hơn thế, sống không phải chỉ vì mình, sống không nên chỉ vì mình. Hiểu được điều này, Trương Ba đã thốt lên: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.
Nỗi đau của Trương Ba là nỗi đau của một con người tử tế, nên mới bàng hoàng, kinh sợ khi phát hiện mình sa vào những thú vui tầm thường. Đặc biệt, Trương Ba trong vở kịch là người chồng xót vợ, người cha yêu con, người ông thương cháu, một con người cao cả giàu đức hy sinh. Được Lưu Quang Vũ đặt vào một tình huống quá đỗi trớ trêu, nhưng Trương Ba không bị khuất phục gục ngã; ông bật đứng dậy, hiên ngang, đáng kính trọng và tin yêu. Chính bởi nỗi đau sâu kín mà vô cùng chân thực này, nhân vật Trương Ba của Lưu Quang Vũ đã chạm tới trái tim của hàng triệu người kể từ lần đầu công diễn.
Nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ đã gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc vào sáng tác của mình. So với cốt truyện dân gian đề cao tầm quan trọng đến mức tuyệt đối của linh hồn mà xem nhẹ thể xác thì Lưu Quang Vũ khẳng định một cuộc sống tốt đẹp, hài hòa là cuộc sống mà hồn và xác có tiếng nói ngang hàng. Để vươn tới cuộc sống ấy, con người cần bền bỉ đấu tranh để thăng bằng cán cân giữa phần Người và phần Con, đấu tranh để nhu cầu cá nhân được thỏa mãn nhưng không quên mất mục tiêu chính, quan trọng ban đầu.
Cho đến nay, trong những dịp kỷ niệm lớn của Nhà hát Tuổi trẻ, người ta vẫn thấy những tấm áp phích quảng cáo về vở diễn của Lưu Quang Vũ được treo lên. Những triết lý nhân sinh sâu sắc trong sáng tác của người nghệ sĩ đa tài ấy khiến ta thêm hiểu, thêm gần hơn lẽ đời. Bởi lẽ Lưu Quang Vũ đâu chỉ viết bi kịch, viết về các vấn đề thời sự nóng bỏng, nhạy cảm, mà ông còn viết về lòng tốt, về sự dũng cảm, về niềm tin, về sức mạnh của cái thiện...
Gửi phản hồi
In bài viết