Bác sỹ Thắng nhớ lại, trong những ngày đầu, mọi việc “rối như tơ vò”, bệnh nhân đông, nhân lực, vật lực trang thiết bị còn thiếu thốn, chế độ làm việc khá áp lực cả về thời gian lẫn thể lực. Với trách nhiệm của người quản lý kiêm bác sỹ điều trị, gần 2 tháng ròng rã “lấy bệnh viện làm nhà” anh cùng các y bác sỹ vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, vừa sắp xếp lại mọi thứ để hình thành nên bệnh viện. Không ít lần bệnh nhân thấy anh gánh vác luôn cả việc hậu cần, vận chuyển, khuân vác dụng cụ, hàng hóa… Có thời điểm, bệnh nhân đông, chuyện ăn, ngủ cũng phải rất “tranh thủ”, song chưa một lần anh chùn chân, nản chí. Anh tự nhủ, đã khoác trên mình chiếc áo blu mình phải có trách nhiệm với người bệnh, họ đang nằm giữa ranh giới sinh tử, mình phải là chỗ dựa cho họ về mọi mặt. Cứ thế, anh truyền lửa cho các nhân viên y tế, nỗ lực cùng nhau qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Thắng chia sẻ, ở bệnh viện lúc nào cũng có hơn 230 bệnh nhân F0. Do chỉ có 3 bác sỹ và 14 cán bộ điều dưỡng, kỹ thuật… nên công việc đối với đội ngũ y bác sĩ ở đây diễn ra liên tục xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm, sau một ngày làm việc miệt mài đến 11 giờ đêm cứ nghĩ được nghỉ tay thì lại có tin bệnh nhân chuyển nặng. Lúc này đội ngũ y, bác sĩ lại phải gấp rút chuẩn bị để hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên. Về đến phòng nghỉ đã 1 giờ sáng, chưa kịp chợp mắt thì lại nhận được điện thoại của bệnh nhân thắc mắc, lo âu về tình trạng bệnh của họ. Chính vì vậy, điện thoại của các bác sỹ không chỉ là những cuộc gọi thăm nhà mà còn là các cuộc gọi của các bệnh nhân F0. Anh biết, tâm lý của bệnh nhân lúc này rất hoảng loạn. Vì vậy, bất kể ngày đêm, chỉ cần họ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, lực lượng y tế luôn sẵn lòng. Bởi, khi tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất. Với anh và các cộng sự, mỗi lần bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, được trở về với gia đình đó chính là động lực để đội ngũ y, bác sỹ vững chân nơi tuyến đầu chống dịch.
Gửi phản hồi
In bài viết