Biến đổi khí hậu: Thảm họa cận kề

Theo nghiên cứu mới vừa được Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố, ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây tổn thất 38.000 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế. Trong khi đó, thảm họa đang ngày càng cận kề khi thế giới chỉ còn 2 năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

Ảnh minh họa: https://www.pik-potsdam.de.

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại tương đương 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và mức tổn thất ước tính lên tới 38.000 tỷ USD/năm vào năm 2050. Người dân trên thế giới nghèo hơn vì biến đổi khí hậu; các nền kinh tế đều sẽ chịu tổn hại do biến đổi khí hậu, nhưng "nạn nhân" lớn nhất là các nước nghèo, nước đang phát triển. PIK chỉ ra rằng, nếu so với mức thiệt hại như ước tính nêu trên thì chi phí cho ngăn chặn biến đổi khí hậu vẫn là mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Ước tính, để giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các quốc gia trên thế giới cần chi ra khoảng 6.000 tỷ USD, chưa bằng 1/6 tổn thất kinh tế nếu để nhiệt độ trái đất ấm lên, vượt mức 2 độ C.

Ước tính, để giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các quốc gia trên thế giới cần chi ra khoảng 6.000 tỷ USD, chưa bằng 1/6 tổn thất kinh tế nếu để nhiệt độ trái đất ấm lên, vượt mức 2 độ C.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chính phủ các nước đang "siết hầu bao" trong việc chi tiêu cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn tại châu Âu, Tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu (ERT) cho biết, Lục địa già cần đầu tư 800 tỷ euro để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu năm 2030 và cần tổng cộng 2.500 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh vào năm 2050. Tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân vào giải quyết vấn đề nêu trên vẫn chưa có.

Ðể đạt mục tiêu đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, đòi hỏi EU đầu tư lớn vào lưới điện, cơ sở lưu trữ năng lượng và thu hồi các-bon, nhưng từ năm 2010 đến năm 2018, tổng vốn đầu tư vào lưới điện ở các nước EU mới chỉ đạt khoảng 32 tỷ euro.

ERT cho biết thêm, nếu nguồn tài chính cho cải thiện hạ tầng năng lượng vẫn ở mức như trên cho đến năm 2050 thì mức chênh lệch giữa số vốn đầu tư và số tiền cần thiết sẽ là 60%. Vì vậy, ERT hối thúc các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm giải quyết vấn đề này một cách khẩn cấp.

Tờ Financial Times mới đây đã cảnh báo vấn đề nêu trên và khẳng định, những khoản đầu tư lớn cho chống biến đổi khí hậu của châu Âu không thể chỉ do khu vực tư nhân gánh vác mà cần có sự hỗ trợ tích cực của chính phủ.

Tài chính cho chống biến đổi khí hậu dự kiến sẽ trở thành chủ đề nóng trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2024 tại Baku, Azerbaijan.

Giới phân tích nhận định, đây là thời hạn chót để các quốc gia trên thế giới thống nhất một mục tiêu mới về số tiền mà các nước công nghiệp hóa giàu có phải trả cho những quốc gia nghèo hơn, nhằm giúp những nước này đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.

Trước đây, các nước giàu từng cam kết sẽ chi 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để giúp ngăn chặn trái đất ấm lên, nhưng trên thực tế họ đã không thực hiện đúng cam kết. Với việc hiểm họa biến đổi khí hậu đã cận kề, thiệt hại do các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán và mực nước biển dâng ngày càng cao, mức chi 100 tỷ USD như cam kết nêu trên hiện chỉ "như muối bỏ bể" so với nhu cầu thực tế. Tài chính cho chống biến đổi khí hậu và trách nhiệm của các nước giàu sẽ trở thành vấn đề gai góc tại hội nghị ở Baku tháng 11/2024.

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một vấn đề cấp bách nữa đang đặt ra là quỹ thời gian không còn nhiều để ngăn chặn biến đổi khí hậu không diễn biến nhanh đến "mức tồi tệ".

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell vừa cảnh báo cộng đồng quốc tế chỉ còn 2 năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vấn đề trái đất nóng lên đang dần chệch ra khỏi chương trình nghị sự của các chính trị gia trên thế giới.

Theo ông Stiell, khoảng thời gian 2 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, giới khoa học cho biết, việc giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C - giới hạn giúp có thể tránh được những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới năm 2023 vẫn tăng cao kỷ lục và các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu đến nay chưa thể đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Ðể đưa thế giới thoát khỏi "hiểm họa cận kề" từ biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Ông đề nghị tất cả quốc gia cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo đó, cần tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hằng năm vào năm 2025 để bảo đảm công bằng về khí hậu.

Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải có trách nhiệm đặc biệt trong chống biến đổi khí hậu, bởi họ chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục