Dự lễ có đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương, Đại biểu Quốc hội, Quân khu 7…
Chương trình còn có sự hiện diện của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến; các dân tộc, chức sắc tôn giáo, các lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân của tỉnh Bình Thuận.
Biểu diễn ca nhạc tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận xúc động nói: Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng gian khổ, hy sinh của dân tộc, Bình Thuận có gần 10 nghìn liệt sĩ, 4 nghìn thương binh; 2.131 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; có hơn 80 tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, ngày 20/12/1979, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân tỉnh Bình Thuận.
Nhiều người dân tham dự chương trình.
50 năm trước, tại Hàm Thuận, quân và dân ta đã tích cực tấn công tiêu diệt địch trên mặt trận đường 8, giải phóng quận lỵ Thiện Giáo, đập tan mắt xích quan trọng, giải phóng huyện Hàm Thuận vào sáng ngày 8/4/1975.
Từ ngày 10-13/4, ta tiếp tục đánh chiếm nhiều mục tiêu then chốt của địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn; dồn địch về Phan Thiết trong thế bị cô lập.
Ngày 17/4/1975, các lực lượng vũ trang của ta đã phối hợp quân chủ lực lần lượt giải phóng các huyện phía bắc của tỉnh. Ngày 18/4/1975, ta tấn công vào thị xã Phan Thiết, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí đầu hàng.
Sáng 19/4/1975, quân ta tiến vào tiếp quản thị xã Phan Thiết, đánh dấu thời điểm lịch sử trọng đại, tỉnh Bình Thuận được giải phóng. Chiến thắng này đã góp phần quan trọng, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu.
50 năm qua, đặc biệt là sau 33 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã nỗ lực vươn lên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nay đã phát triển khá toàn diện.
Tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm luôn đạt ở mức khá. Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt hơn 128,7 nghìn tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ vùng đất khô hạn, đến nay, toàn tỉnh có các hệ thống thủy lợi được nối mạng với hàng trăm công trình hồ, đập, kênh, với tổng dung tích các hồ chứa 1.138 triệu m3; cơ bản chủ động được nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.
Màn biểu diễn văn nghệ rực rỡ trong buổi lễ.
Trong 10 năm gần đây, Bình Thuận tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, tỉnh có 48 nhà máy phát điện với các loại hình nhiệt điện, thuỷ điện, phong điện, quang điện cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm, với tổng công suất nguồn phát điện hiện nay là 6.520 MW, chiếm tỷ lệ 8% công suất nguồn phát điện của cả nước.
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW và tổng vốn đầu tư hơn 128 nghìn tỷ đồng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của quốc gia với tổng công suất nguồn phát điện đến năm 2030 trên 11 nghìn MW.
Bình quân những năm gần đây, Bình Thuận đón gần 10 triệu lượt khách với doanh thu du lịch đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm; nằm trong top 10 địa phương có số lượng du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước.
Năm 2024 vừa qua, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Bình Thuận xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chia sẻ, tỉnh sẽ có thêm những “anh em” để cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế trong một không gian rộng lớn hơn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự lớn mạnh của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Để làm được điều đó, tỉnh cần phối hợp thật tốt, quyết tâm, quyết liệt để thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, khách quan, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, từ một địa phương “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”, đến nay, công cuộc “trị hạn” với sáng kiến nối mạng thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành quả to lớn, mở lối cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và có mặt ở khắp các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, trong những năm gần đây, kinh tế-xã hội Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu: tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng dần qua các năm; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đầu tư đồng bộ, tạo hiệu ứng tích cực để thu hút đầu tư…
Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, cùng cả nước thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Với kết quả tăng trưởng hằng năm bình quân đạt hai con số, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, tỉnh tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.
Tỉnh tập trung tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phát huy dân chủ và tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Quyết liệt thực hiện và hoàn thành sớm chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển dựa trên sự cân bằng giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, đất liền và biển đảo, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025-2030 đạt 2 con số.
Màn pháo hoa chào mừng mốc son 50 năm Ngày Giải phóng.
Lễ kỷ niệm còn có các hoạt động: chương trình chiếu phóng sự “Bình Thuận, 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, tiết mục văn nghệ: Đất nước trọn niềm vui; chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao đặc sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận.
Gửi phản hồi
In bài viết