Bỏ phố lên rừng
Thạc sĩ Hoàng Quốc Thanh sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh. Anh từng là cán bộ quản lý Công ty Xây dựng, chuyên gia thiết lập hệ thống ISO 9000, VietGAP, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Bình Dương, trường Cao đẳng Công nghề Thủ Đức, trường Cao đẳng Công thương thành phố Hồ Chí Minh. Song anh đã từ bỏ chốn phồn hoa, lên rừng sưu tập cây thuốc nam. Anh đã cùng người dân bản địa ở nhiều địa phương cùng bảo tồn, phát huy những dược liệu quý của dân tộc.
Những ngày cuối năm 2020, lương y Hoàng Quốc Thanh có dịp đến thăm vùng nguyên liệu sả ở huyện Lâm Bình, anh không ngờ nơi đây còn nhiều rừng đến thế. Anh Thanh cho biết, đoạn đường từ đèo Kéo Quân vào xã Phúc Yên anh thấy nhiều chim bìm bịp. Theo anh Thanh cứ ở đâu có nhiều chim bìm bịp là có một hệ sinh thái rất tốt.
Khu trang trại độc, lạ ở Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) của anh Hoàng Quốc Thanh.
Thấy lãnh đạo từ tỉnh, đến huyện đều quyết tâm bảo vệ rừng, anh đã quyết định rời đất phồn hoa Sài Gòn đến với Lâm Bình để thực hiện Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng thuận tự nhiên. Anh quyết định mua 5 ha rừng sản xuất để trồng cây dược liệu. Xác định “cắm bản” trồng cây dược liệu trên mảnh đất Lâm Bình, anh Thanh đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Vườn Rừng thảo dược lấy tên là Khai Tâm Lâm Bình.
Trước mắt chúng tôi là trang trại rất độc lạ trên đỉnh núi ở Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình). Ở đó có căn nhà sàn nằm cheo leo, dáng hình nhỏ nhắn, xinh xinh. Bên trong ngôi nhà sàn được trang trí rất nghệ thuật. Bên dưới là chòi lợp lá cọ đặt trọn giữa ao cá nhỏ, nơi khá thi vị để vừa chuyện trò vừa thưởng thức trà và ngắm khu rừng nguyên sinh nơi đây.
Chất giọng miền Nam, lương y Hoàng Quốc Thanh tự tin, hài hước chia sẻ với chúng tôi. “Trông đơn sơ vậy thôi, chứ nó có giá lắm đó. Ở đây 6 giờ sáng đã có chim rừng vào tận phòng báo thức, trưa rất tĩnh lặng, còn chiều, tối lại có tắc kè, ếch nhái... Không những thế ở đây còn không có khói bụi, cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành”.
Du khách tham quan, trải nghiệm trang trại trồng cây thảo dược của anh Hoàng Quốc Thanh.
Gian nan sưu tầm, bảo tồn dược liệu
Nếu không đam mê thì ở một nơi không có điện lưới như vậy chỉ đôi ba ngày là chán, thế mà có thời điểm anh Thanh ở 7 tháng để ghi chép, chụp ảnh động, thực vật.
Theo anh Thanh, sống ở rừng sướng hay khổ phụ thuộc vào nhân sinh quan của mỗi người.
Vườn rừng được anh Thanh thiết kế, kiến trúc lại để các loại cây tương sinh, tương hỗ cho nhau. Anh luôn nhấn mạnh rằng, mỗi loài cây đều sinh trưởng theo cách của chúng, chứa đựng những vai trò nhất định, hoặc nuôi dưỡng hoặc khắc chế lẫn nhau. Nếu hiểu hết tâm tính từng loài cây, người nông dân sẽ như một “kiến trúc sư” sắp xếp lại vị trí, chỗ ở của từng loại thảo dược để chúng cùng tương hỗ sinh trưởng, phát triển.
5 ha cây dược liệu anh trồng theo phương pháp nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp cộng sinh. Anh lý giải, nông nghiệp thuận tự nhiên được xem là một phương pháp thiền trong nông nghiệp. Và chất đất ở đây lại rất hợp với ý tưởng của anh: không cày xới, không bón phân, không dùng thuốc, không tưới nước mà chỉ việc trồng cây dược liệu xuống đất.
Anh Hoàng Quốc Thanh (ngồi đầu) chăm sóc cây nấm lim xanh.
Sau gần 3 năm ở rừng, đến nay vườn thảo dược của Thanh đã có rất nhiều cây thuốc quý và mang lại giá trị sử dụng cao như: Cây cỏ ngọt, ba kích, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung, khôi nhung, nấm lim xanh, trà hoa vàng… Bên cạnh đó nhiều cây thuốc còn được sử dụng làm rau ăn có giá trị lớn cho sức khỏe như: bò khai, giảo cổ lam, lá nhội… Vườn rừng của Thanh ngoài kinh tế còn có vai trò bảo tồn.
Không chỉ đam mê sưu tầm các loại cây thuốc quý, bằng những kinh nghiệm của mình lương y Hoàng Quốc Thanh đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình khai thác nguồn dược liệu quý; thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn để bán dễ hơn mà có giá cao. Anh còn tận tình chỉ cho người dân bản địa những nơi anh đi qua biết được giá trị của cây thuốc có ở địa phương cũng như bổ sung thêm công dụng mới của cây thuốc mà có thể họ chưa biết… “Mình chỉ mua 5 ha rừng để phát triển cây dược liệu, nhưng đến nay mình có 21ha vườn rừng vì đã có 8 hộ ở các xã Bình An, Phúc Yên, Phúc Sơn mình hướng dẫn đến nay đã trồng những cây giống như mình đang trồng. Không bán và cũng không tặng giống mà mình chỉ chỗ cho họ tự mua và cũng không bao tiêu mà sẽ dạy họ cách tự bán” - anh Thanh nói.
Nhấp một ngụm trà Shan tuyết, rồi nhìn ra khu rừng phía trước, anh Thanh nói tiếp: “Mình muốn chứng minh rừng ở đây ngoài thích hợp với việc trồng các cây dược liệu còn có tiềm năng để phát triển du lịch”. Anh Thanh dự tính sẽ làm “farmstay” để đón khách. Vì vậy sang năm 2024 anh sẽ trồng một vườn hồng cổ Sa Pa, hồng Vân khôi làm điểm check-in. Đợi vài năm khi rừng tự tái tạo, đẹp lên thì mới dựng các bungalow”.
Tâm nguyện của Hoàng Quốc Thanh, người bỏ phố lên Bản Thàng trồng dược liệu là sản xuất được nhiều sản phẩm dược liệu từ đất rừng huyện miền núi Lâm Bình để chữa bệnh cho người dân trên khắp cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết