Bối cảnh quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Mục tiêu đó được triển khai trong bối cảnh quốc tế có nhiều mặt không thuận, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong huy động các nguồn lực, nhất là công nghệ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tập trung cho phát triển.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan sản phẩm công nghệ trưng bày tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 _Nguồn: vietnamplus.vn

Bối cảnh quốc tế đến năm 2030

Bối cảnh quốc tế thường được nhìn dưới lăng kính cục diện khu vực và thế giới. Cục diện là bức tranh toàn cảnh ở vào một thời điểm, một giai đoạn nào đó và bao gồm các thành tố chính: 1- Xu hướng phát triển của tương quan lực lượng và quan hệ giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực lớn; 2- Xu hướng quan hệ, tập hợp lực lượng giữa các nước; 3- Các xu hướng lớn, các vấn đề nổi trội về an ninh và phát triển.

Thứ nhất, xu hướng phát triển của tương quan lực lượng và quan hệ giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực lớn. Các nước lớn, trung tâm quyền lực lớn bao gồm những nước, nhóm nước có ảnh hưởng lớn tới xu hướng phát triển của thế giới. Trong đó, nhóm một bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU); nhóm hai bao gồm Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức. Các nước như Hàn Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil, Mexico là những nước đang nổi lên và ảnh hưởng nhìn chung mới chỉ ở tầm khu vực.

Sức mạnh của các nước thường được đo bằng: 1- Sức mạnh cứng: sức mạnh kinh tế (tổng sản phẩm nội địa - GDP), tiềm lực khoa học - công nghệ; sức mạnh quốc phòng (số lượng quân đội, chi tiêu quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, mạng lưới đồng minh…); 2- Sức mạnh mềm (sức hấp dẫn về mô hình, hệ giá trị; số lượng đối tác, vị thế, ảnh hưởng trên thế giới…); 3- Sức mạnh thông minh (khả năng sử dụng các loại sức mạnh để đạt được mục tiêu quốc gia, sự đúng đắn của chính sách và hiệu quả triển khai chính sách, khả năng điều chỉnh, phản ứng khi khủng hoảng…). 

Về triển vọng kinh tế thế giới, ngày 27-3-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022 - 2030 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập niên là 2,2%/năm, từ mức 2,6% trong giai đoạn 2011 - 2021 và thấp hơn gần 33% so với mức 3,5% trong giai đoạn 2000 - 2010(1). Một số học giả dự báo, từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%, Mỹ khoảng 2%, chậm nhất đến năm 2035, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ. Nhiều dự báo khác cho rằng, khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP(2) và chiếm khoảng 1/4 GDP toàn thế giới nhưng cần vài thập niên nữa để đuổi kịp Mỹ về GDP đầu người. Đồng thời, giai đoạn 2025 - 2027, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản và Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đáng chú ý là, theo các dự báo của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…, đến năm 2030, khoảng cách giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác về GDP sẽ rất lớn. GDP của Mỹ, Trung Quốc đạt khoảng 30 nghìn tỷ USD, GDP của Ấn Độ, Nhật Bản, Đức chỉ khoảng từ 6 nghìn tỷ USD đến 9 nghìn tỷ USD, khoảng dưới 1/3 GDP của hai nước đứng đầu.

Về quân sự, năm 2023, Mỹ đã chi 916 tỷ USD và Trung Quốc là 296 tỷ USD. Theo một số dự báo, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng khoảng 5 - 7%/năm và sẽ đạt khoảng 550 tỷ USD vào năm 2030(3), trong khi mức chi cho quân sự của Mỹ sẽ sớm vượt 1.000 tỷ USD nếu tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay. Khoảng cách về ngân sách quân sự giữa hai nước đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc so với các nước lớn khác còn xa hơn sự khác biệt về GDP rất nhiều. Đến năm 2030, dự báo mức chi tiêu cho quân sự của các nước Ấn Độ là khoảng 183 tỷ USD, Nga là khoảng 123 tỷ USD(4). Về sức mạnh quân sự, vấn đề này khó có thể so sánh do thực lực sức mạnh, nhất là mức độ tinh nhuệ, mức độ hiệu quả về công nghệ, kỹ thuật, chiến thuật, chiến lược,… chỉ thể hiện rõ trong chiến tranh. Tuy nhiên, nếu coi mạng lưới đồng minh, mạng lưới căn cứ quân sự là một phần của sức mạnh thì Mỹ được cho là đang ở thế vượt trội so với Trung Quốc, Nga và các nước lớn khác. Hiện Mỹ có khoảng 750 căn cứ quân sự ở 80 quốc gia(5). Trung Quốc có một căn cứ quân sự ở Djibouti và có kế hoạch xây dựng khoảng 20 căn cứ quân sự ở khu vực châu Phi, Vùng Vịnh và Nam Thái Bình Dương(6).

Về sức mạnh mềm, đến năm 2030, Mỹ được dự báo vẫn là quốc gia khởi nguồn các ý tưởng mới về lý thuyết phát triển, hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học của Mỹ có tính hấp dẫn cao. Trung Quốc đang và sẽ đầu tư lớn cho văn hóa, giáo dục, nghiên cứu và phát triển, nhưng khó có thể bắt kịp Mỹ về phương diện này. Nếu đo sức mạnh mềm là mức độ hấp dẫn đối với đội ngũ nhân tài thì Mỹ luôn thu hút được người tài đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước phát triển châu Âu và Nhật Bản. Người tài nhập cư đã và sẽ là nguồn bổ sung chất lượng cao cho lực lượng lao động Mỹ, giúp Mỹ tránh khỏi nguy cơ già hóa dân số mà Trung Quốc và tất cả các nước lớn khác gặp phải trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, cũng có thể coi hệ thống thể chế đa phương đang hiện hữu là một điểm cộng cho nguồn sức mạnh mềm của Mỹ. Những năm gần đây, hệ thống đa phương bị thách thức ngày càng lớn nhưng vẫn được phần đông các nước trong cộng đồng quốc tế coi trọng. Mỹ vẫn có vai trò quan trọng trong hầu hết cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực. Trung Quốc đang và sẽ nỗ lực vươn ra, có đại diện tại các tổ chức đa phương nhưng trong vài thập niên tới vẫn khó có thể ngang tầm với Mỹ.

Về sức mạnh thông minh, có quan điểm cho rằng, mô hình lãnh đạo tập trung quyền lực vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và tập thể Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo thuận lợi lớn cho việc chỉ đạo tập trung, huy động nguồn lực và đưa ra quyết sách nhanh chóng, nhưng có thể cũng mang đến rủi ro từ việc thiếu cách nhìn đa chiều, nhất là khi các vị trí chủ chốt gặp vấn đề về lòng tin, sức khỏe trong những năm tới. Ngược lại, mô hình “kiểm soát và cân bằng” của Mỹ không cho phép đưa ra quyết định nhanh, nhưng giảm thiểu được rủi ro về các quyết định sai lầm và nếu chính quyền đương nhiệm hoạt động không hiệu quả thì bốn năm sau nó sẽ được thay thế bởi chính quyền mới một cách có trật tự.

Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco (Mỹ), ngày 15-11-2023 _Nguồn: getty images

Về quan hệ giữa các nước lớn, đến năm 2030, Mỹ - Trung Quốc vẫn là cặp quan hệ nổi trội, chi phối các mối quan hệ khác. Quan hệ Mỹ - Nga, EU - Nga sẽ tiếp tục căng thẳng. Trong nhiều vấn đề, thế giới phân thành hai tuyến với một bên là Mỹ, phương Tây và bên kia là Trung Quốc, Nga. Các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy, trong các vấn đề liên quan đến trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, hầu hết các nước công khai ủng hộ Mỹ và phương Tây. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên khi trật tự thế giới và khu vực hiện nay ngày càng bị thách thức. Tam giác Mỹ - Trung Quốc - Nga không còn rõ nét do sức mạnh tổng hợp của Nga đang có một số dấu hiệu suy giảm (do cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga và xung đột tại Ukraine). Tuy nhiên, Nga vẫn giữ được mức độ độc lập nhất định nhờ tính tự cường của nền kinh tế, vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là chủ sở hữu các công nghệ quân sự hiện đại cùng với kho vũ khí hạt nhân với 6.000 đầu đạn.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn có sự hợp tác, nhưng căng thẳng là xu thế nổi trội. Quốc hội và người dân Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ mang tính “cơ cấu”, cho dù chính quyền nào lãnh đạo nước Mỹ vào năm 2025, thì chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ về cơ bản vẫn là “hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết, đối đầu khi bắt buộc”(7). Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ với Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ đến năm 2030 là kiểm soát sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, ngăn Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng ở khu vực, phá vỡ các “luật chơi” do Mỹ và đồng minh xây dựng. Về phần mình, Trung Quốc nỗ lực điều chỉnh chiến lược phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào Mỹ, đầu tư mạnh cho phát triển công nghệ. Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia từng cảnh báo Mỹ và phương Tây rằng, Trung Quốc đang dẫn đầu với 37/44 công nghệ mũi nhọn, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G, trong khi Mỹ chỉ còn đi đầu trong một số lĩnh vực, như: sản xuất vaccine, điện toán lượng tử và các hệ thống phóng không gian(8). Để kiểm soát Trung Quốc, Mỹ đang triển khai một chiến lược tổng hợp 5-4-3-2-1, bao gồm: phối hợp tình báo với nhóm “Ngũ nhãn” (FVEY)(9); phối hợp các biện pháp an ninh với nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD); hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS); triển khai các biện pháp kiểm soát quan hệ song phương với Trung Quốc và thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để ngăn Trung Quốc phát triển các loại chip cao cấp. Đổi lại, Trung Quốc đẩy mạnh bộ ba chiến lược, bao gồm: Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), từng bước gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Nam Á, Nam Thái Bình Dương; phối hợp chặt chẽ với Nga, Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, Mali, Uganda…

Thứ hai, xu hướng quan hệ, tập hợp lực lượng của các nước vừa và nhỏ. Khi cạnh tranh căng thẳng, các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, sẽ gia tăng thúc ép, tranh thủ các nước vừa và nhỏ. Những năm gần đây, nhất là từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, cách ứng xử của các nước có thể phân ra làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các nước ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, gần phương Tây, không lo ngại tác động của Trung Quốc và Nga. Trong nhóm này, ngoài các nước phương Tây, có khoảng 60 nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh bỏ phiếu lên án Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, không ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị Phong trào Không liên kết. Nhóm thứ hai bao gồm các nước ủng hộ Trung Quốc và Nga. Ngoài CHDCND Triều Tiên, Syria, Belarus, Nicaragua ủng hộ Nga sáp nhập các tỉnh của Ukraine, nhóm này bao gồm một số nước, như Pakistan, Uganda, Zimbabwe, Mali,… luôn ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị Phong trào Không liên kết. Nhóm thứ ba là các nước giữ thái độ trung lập, bao gồm 30 - 40 nước. Nhiều khả năng đến năm 2030, các nước vừa và nhỏ vẫn tập hợp lực lượng theo xu thế này. Đa số đều tránh liên quan đến cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Thứ ba, các xu hướng lớn, các vấn đề nổi trội về an ninh và phát triển. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống của nhân loại. Trong quan hệ quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gia tăng mức độ cạnh tranh, chạy đua giữa các nước, gia tăng phân hóa giữa các nước giàu và nghèo. Cùng với cạnh tranh địa - chính trị Mỹ - Trung Quốc; Mỹ, phương Tây - Trung Quốc, Nga, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm trầm trọng hơn xu hướng phân mảng, chia rẽ, nhất là chia rẽ số giữa các nước, các nhóm nước, gây ra những tác động lâu dài đối với cục diện thế giới và khu vực.

Toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn với những điểm khác các giai đoạn trước về tốc độ, phương cách và lĩnh vực. Tốc độ chậm lại do mâu thuẫn giữa các nước lớn, hậu quả của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Các phương cách và lĩnh vực liên quan đến vận tải, di chuyển vật chất toàn cầu suy giảm, nhường chỗ cho những phương cách, lĩnh vực phi vật chất. Theo dự báo năm 2021 của Ngân hàng Standard Charter (Anh), đến năm 2030, thương mại toàn cầu tăng hơn 70%, lên đến trên 30.000 tỷ USD(10). Đầu tư quốc tế có thể giảm so với trước và được cấu trúc lại theo hướng gia tăng tính bền vững của các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và hướng vào các lĩnh vực xanh, lĩnh vực số(11).

Xu hướng dân chủ hóa quan hệ quốc tế bị thách thức nghiêm trọng hơn bởi chính trị cường quyền, cạnh tranh nước lớn. Nhưng thách thức sẽ khiến nhận thức chung về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, hệ thống đa phương và ngoại giao đa phương của đa số các nước được nâng lên. Các nước vừa và nhỏ càng coi trọng vai trò của luật pháp quốc tế trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của mình.

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 khó có thể đạt được do thiếu sự ủng hộ chính trị và đóng góp nguồn lực của nhiều nước, nhất là các nước lớn, các nước giàu. Tuy nhiên, phát triển xanh sẽ trở thành xu thế nổi trội do nhu cầu tự thân của các nước (trước nguy cơ từ biến đổi khí hậu) và sự áp đặt của các nước phát triển, nhất là các nước EU, thông qua những tiêu chuẩn về thương mại liên quan đến bảo vệ môi trường(12).

Do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel, xu thế tăng cường vũ trang sẽ nổi lên ở một số khu vực; xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra tại một số nơi, giữa một số nước, nhất là giữa nước lớn và nước nhỏ. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế nổi trội vì nhân loại vẫn đầu tư nhiều hơn cho phát triển; chiến tranh giữa các nước lớn ít khả năng xảy ra, các cuộc xung đột cục bộ ít khả năng lan rộng thành những cuộc chiến tranh lớn.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là tội phạm có tổ chức, an ninh biển, an ninh mạng, tiếp tục được các nước, kể cả các nước lớn, quan tâm và thúc đẩy hợp tác. Ứng phó đối với biến đổi khí hậu tiếp tục là chủ đề nổi trội tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Phần lớn các nước, nhất là các nước đảo nhỏ, các nước khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi, coi đây là thách thức an ninh. Các nước lớn, nhất là Trung Quốc, Nga và Mỹ, không coi biến đổi khí hậu là thách thức an ninh nhưng quan tâm nhiều đến hợp tác ứng phó.  

Thứ tư, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm tăng trưởng của thế giới. Theo một số dự báo, đến năm 2030, châu Á - Thái Bình Dương - nơi có ba nền kinh tế lớn thứ nhất (Trung Quốc), lớn thứ ba (Ấn Độ) và lớn thứ tư (Nhật Bản) thế giới - sẽ chiếm 52,5% GDP toàn cầu(13). Đây cũng là khu vực diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như xu hướng hiện tại, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cho là sẽ chịu sức ép ngày càng tăng từ cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.

ASEAN tiếp tục được các thành viên đánh giá là phương tiện hiệu quả để ứng phó với cạnh tranh nước lớn. ASEAN sẽ đoàn kết trong những vấn đề chung liên quan đến cả Mỹ và Trung Quốc, song khó có lập trường chung trong những vấn đề liên quan đến một nước (Mỹ hoặc Trung Quốc). Đây là những thách thức nội bộ đối với ASEAN đến năm 2030. Tuy nhiên, về tổng thể, Đông Nam Á vẫn giữ được môi trường hòa bình, kinh tế tăng trưởng và gia tăng liên kết khu vực.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong 5 - 10 năm tới 

Tình hình khu vực, thế giới tác động tới các nước ở mức độ khác nhau và lĩnh vực khác nhau. Ngay cả khi chiến tranh hay đại dịch xảy ra, có thể thấy, nhiều nước vẫn tìm được cơ hội phát triển. Từ góc độ Việt Nam, với thế và lực của đất nước ngày càng gia tăng, bao gồm hệ thống mạng lưới 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Việt Nam hoàn toàn có thể giữ được “trong ấm, ngoài êm” trước các tác động của tình hình thế giới và khu vực. Trong đó, điều kiện cần là năng lực tự cường với khả năng điều chỉnh linh hoạt, khả năng chống chịu trước các cú sốc đến từ bên ngoài và khả năng hồi phục nhanh sau tác động. Giữ được “trong ấm, ngoài êm”, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,… để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đạt được các tiêu chí cơ bản của một nước công nghiệp hóa.

Thách thức được dự báo sẽ lớn hơn giai đoạn trước. Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển chậm lại; thế giới chia rẽ và phân mảng; toàn cầu hóa chững lại so với giai đoạn trước. Điều này đặt ra cho Việt Nam không ít vấn đề cần lưu ý.

Một là, hòa bình, hợp tác và phát triển có tiếp tục là xu thế lớn? Bối cảnh quốc tế trong 10 năm tới cho thấy, xu thế này đang và sẽ gặp nhiều thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế nổi trội, do đó, nếu Việt Nam duy trì và khai thác hiệu quả hệ thống mạng lưới 30 đối tác chủ chốt, đây vẫn là xu thế lớn đối với Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công quan điểm: “Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(14).

Hai là, toàn cầu hóa nói chung đang và sẽ chững lại? Nếu nhìn toàn cầu hóa dưới góc độ xu hướng các tập đoàn lớn muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, với tiềm năng hiện thực hóa các lợi ích từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam vẫn thu được nhiều cơ hội từ toàn cầu hóa, tiếp tục thu hút FDI, công nghệ và gia tăng thương mại, nhất là với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã thiết lập.

Ba là, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra ba thách thức chính cho Việt Nam : 1- Các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu do năng lực và mức độ sẵn sàng còn thấp; 2- Cơ hội thu hút FDI có thể giảm đi so với trước; 3- Đội ngũ lao động Việt Nam bị tác động do việc làm bị thay thế bởi người máy và xu hướng chuyển đầu tư về gần thị trường tiêu thụ, cơ hội học tập bị suy giảm do công việc ngày càng đơn giản hóa. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem lại cơ hội học hỏi, gia tăng các loại hình việc làm mới, cơ hội “rượt đuổi và bắt kịp” cho những nước đi sau như Việt Nam.

Bốn là, về quan hệ giữa các nước lớn. Trong vòng 5 - 10 năm tới, các nước lớn tuy vẫn hợp tác nhưng cạnh tranh, thậm chí đối đầu, căng thẳng hơn nhiều so với giai đoạn 5 - 10 năm qua, nhất là trong những vấn đề liên quan đến địa - chính trị, an ninh - quân sự, khoa học - công nghệ… Đối với Nga, sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hơn 18.069 lệnh trừng phạt mới lên các tổ chức và cá nhân người dân Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin(15). Đối với Trung Quốc, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, đối đầu khi bắt buộc”(16). Cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Mỹ đều đồng thuận coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Putin cũng áp đặt lệnh trừng phạt lên Tổng thống Mỹ J. Biden và hầu hết các nhà lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền và Quốc hội Mỹ(17). Tương tự, tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố chống chủ nghĩa bá quyền và “sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn, thậm chí là cả những cơn bão nguy hiểm”(18). Từ góc độ thách thức, cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, vừa gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình thúc đẩy quan hệ với từng nước, vừa làm suy giảm cách tiếp cận đa phương, các tổ chức đa phương mà Việt Nam đã và đang hội nhập.

Kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ khó khăn hơn giai đoạn trước. Thương mại, đầu tư quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 lại chịu thêm tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel. Đồng thời, các chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu bị đứt gãy, tiếp tục đứt gãy thêm và ngày càng khó phục hồi. Nhiều khả năng các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, có sự điều chỉnh trong quan hệ, nhưng những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel, đến kinh tế thế giới được cho là sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới. Do đó, các mục tiêu hội nhập để gia tăng thương mại, thu hút FDI, chuyển đổi môi hình tăng trưởng… của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương _Nguồn: vietnamplus.vn

Những vấn đề đặt ra đối việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đến năm 2030

Để hiện thực hóa mục tiêu đạt được các tiêu chí cơ bản của một nước công nghiệp vào năm 2030, Việt Nam cần quan tâm đến một số công việc chính sau:

Một là, đẩy mạnh huy động công nghệ từ bên ngoài. Việt Nam có thể huy động công nghệ thông qua: 1- Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, tận dụng được hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ việc tham gia các chuỗi sản xuất; 2- Mua công nghệ từ đối tác; 3- Chương trình chuyển giao của Liên hợp quốc, các tổ chức đa phương… Đơn cử như, để tận dụng tốt kênh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài rất cần những giải pháp tổng thể, bao gồm cả phát triển thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng kết nối được với các doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Trong bối cảnh thế giới bị phân mảnh, các nước phát triển hàng đầu về công nghệ, như Mỹ, theo đuổi chiến lược “sản xuất tại nước Mỹ” (on shoring) hay “đầu tư vào các nước bạn bè Mỹ” (friend shoring), Việt Nam cần xây dựng được lòng tin chiến lược từ đối tác, để đối tác đầu tư công nghệ cao hoặc bán công nghệ cao cho Việt Nam. Tuy nhiên, để có được lòng tin chiến lược từ đối tác, Việt Nam cũng cần có nhiều giải pháp từ chính trị, đối ngoại đến các cơ chế bảo đảm và tăng cường năng lực trong những lĩnh vực cần thiết.

Hai là, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Hiện nay, các chỉ số về năng suất lao động, mức tiêu tốn năng lượng để sản xuất một đơn vị sản phẩm, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư,… của Việt Nam tương đối thấp so với các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines). Đây là thách thức nhưng cũng là dư địa để Việt Nam cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Giai đoạn 1960 - 1970, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã thành công trong hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, cũng như việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài chính cho phát triển. Cách thức mà Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) triển khai là tập trung cải cách thể chế, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào các khâu chủ chốt của quá trình cải cách thể chế. Chất lượng thể chế là nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt giữa các nước công nghiệp hóa mới ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đến năm 2030, khi Việt Nam nỗ lực thúc đẩy ba khâu đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, thể chế cần được ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định - “cất cánh” để trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, đây là giai đoạn khó khăn đối với Việt Nam khi đúng vào thời điểm thế giới nhiều biến động khó lường. Song, thế và lực của Việt Nam hiện nay đã khác. Với chiến lược phát triển sáng tạo, khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nền tảng đối ngoại đã được phát triển trong gần 40 năm đổi mới, có thể chắc chắn rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể “cất cánh” một cách ngoạn mục. Kinh nghiệm của các nước Đông Á cho thấy, ý chí tự cường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện thể chế và phát triển khoa học - công nghệ là “chìa khóa” của thành công./.

PGS, TS ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Học viện Ngoại giao

---------------------------

* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.08/21-25

(1) Xem: “Global Economy’s “Speed Limit” Set to Fall to Three-Decade Low” (Tạm dịch: “Giới hạn tốc độ” của nền kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập niên), The World Bank, ngày 27-3-2023, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2023/03/27/global-economy-s-speed-limit-set-to-fall-to-three-decade-low
(2) Xem: “Gross domestic product (GDP) at current prices in China and the United States from 2005 to 2020 with forecasts until 2035” (Tạm dịch: Tổng sản phẩm quốc nội theo giá hiện hành ở Trung Quốc và Mỹ giai đoạn năm 2005 - 2020 và dự báo đến năm 2035), Statista, 2023, https://www.statista.com/statistics/1070632/gross-domestic-product-gdp-china-us/
(3) Xem: “Countries with the highest military spending worldwide in 2022” (Tạm dịch: Các quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới vào năm 2022), Statista, 2023), Statista, 2023, https://www.statista.com/statistics/262742/countries-with-the-highest-military-spending/
(4) Xem: “Estimated military expenditure forecast at defence sector purchasing power parity, constant 2022 prices (2030)” (Tạm dịch: Dự báo chi tiêu quân sự ước tính theo ngang giá sức mua của khu vực quốc phòng, giá cố định năm 2022), Lowy Institute Asia Power Index, 2023, https://power.lowyinstitute.org/data/future-resources/defence-resources-2030/military-expenditure-forecast-2030/
(5) Everett Bledsoe: “How Many US Military Bases Are There in the World?” (Tạm dịch: Có bao nhiêu căn cứ quân sự Mỹ trên thế giới?), The Soldiers Project, ngày 1-10-2023, https://www.thesoldiersproject.org/how-many-us-military-bases-are-there-in-the-world/#:~:text=the%20United%20States%3F-,United%20States%20Military%20Bases%20Worldwide,as%20all%20other%20countries%20combined
(6) Xem: “China is struggling to establish military bases” (Tạm dịch: Trung Quốc chật vật xây dựng căn cứ quân sự), The Economic Times, ngày 14-12-2021, https://economictimes.indiatimes.com//news/defence/china-is-struggling-to-establish-military-bases/articleshow/88268005.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/china-is-struggling-to-establish-military-bases/articleshow/88268005.cms
(7) Cheng Li: “Biden’s China Strategy: Coalition-driven competition or Cold War-style confrontation?” (Tạm dịch: Chiến lược Trung Quốc của Bai-đơn: Cạnh tranh do liên minh thúc đẩy hay đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh?), Brookings, tháng 5-2021, https://www.brookings.edu/research/bidens-china-strategy-coalition-driven-competition-or-cold-war-style-confrontation/
(8) Daniel Hurst: “China leading US in technology race in all but a few fields, thinktank finds” (Tạm dịch: Trung Quốc dẫn đầu Mỹ trong cuộc đua công nghệ ở mọi lĩnh vực, trừ một số lĩnh vực), The Guardian, tháng 3-2023, https://www.theguardian.com/world/2023/mar/02/china-leading-us-in-technology-race-in-all-but-a-few-fields-thinktank-finds
(9) Bao gồm: Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand
(10) “Future of Trade 2030: Trends and markets to watch” (Tạm dịch: Tương lai thương mại năm 2030: Các xu hướng và thị trường cần theo dõi), Standard Chartered, 2023, https://av.sc.com/corp-en/content/docs/Future-of-Trade-2021.pdf
(11) James Zhan: “The future of FDI: drivers and directions to 2030” (Tạm dịch: Tương lai của đầu tư trực tiếp nước ngoài: Động lực và định hướng đến năm 2030), FDI Intelligence, ngày 23-12-2020, https://www.fdiintelligence.com/content/opinion/the-future-of-fdi-drivers-and-directions-to-2030-79112
(12)  Đơn cử như, ngày 19-4-2023, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan đến hoạt động phá rừng...
(13) Xem: “Transform Your Investment Decisions With Better Data” (Tạm dịch: Chuyển đổi quyết định đầu tư đối với dữ liệu tốt hơn), World Economics, 2023, https://www.worldeconomics.com/World%20Markets%20of%20Tomorrow/Year-2030.aspx
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I. tr. 33
(15) “Russia Sanctions Dashboard” (Tạm dịch: Tổng quan về lệnh trừng phạt của Nga), Castellum.AI, ngày 22-4-2024, https://www.castellum.ai/russia-sanctions-dashboard
(16) Cheng Li: “Biden’s China Strategy: Coalition-driven competition or Cold War-style confrontation?” (Tạm dịch: Chiến lược Trung Quốc của Biden: Cạnh tranh do liên minh thúc đẩy hoặc đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh), Tlđd
(17) Maegan Vazquez: “Russia issues sanctions against Biden and a long list of US officials and political figures” (Tạm dịch: Nga ban hành lệnh trừng phạt đối với Bai-đơn và danh sách dài quan chức, nhân vật chính trị Mỹ), CNN, ngày 15-3-2022, https://edition.cnn.com/2022/03/15/politics/biden-us-officials-russia-sanctions/index.html
(18) Huaxia: “Full text of the report to the 20th National Congress of the Communist Party of China” (Tạm dịch: Toàn văn báo cáo Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), Xinhua, ngày 25-10-2022, https://english.news.cn/20221025/8eb6f5239f984f01a2bc45b5b5db0c51/c.html

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục