Đảm bảo công lý được thực thi
Gặp Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên, chúng tôi ấn tượng với chị bởi ở tuổi 47 lại có vẻ ngoài trẻ trung, năng động, toát lên sự cương nghị, bản lĩnh của một người Thẩm phán. Kể về ngày mới bước chân vào Tòa án, chị Ma Thị Tuyết Mai bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm trong nghề. Chị kể: Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật tại Hà Nội, được tuyển dụng làm Thư ký thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương vào năm 2003. Hồi đó, phương tiện đi lại khó khăn, ngày nào cũng phải đi mấy chục cây số đến nhà đương sự, xuống xã. Công việc nhiều, lương thấp nhưng vì yêu nghề nên chị không hề thấy vất vả.
Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai.
Sau gần 17 năm gắn bó với nghề xét xử, đến năm 2020 chị Mai được bổ nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên. Trên cương vị mới, chị đã rèn tốt hơn bản lĩnh của người “cầm cương” đưa Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên từ đơn vị còn hạn chế về nhiều mặt lên tốp đầu tòa án cấp huyện trong 7 tỉnh niền núi phía Bắc.
Thẩm phán Mai tâm sự: Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mình luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, thu thập điều tra xác minh đầy đủ các chứng cứ, xây dựng thủ tục tố tụng chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, cân nhắc, cẩn trọng, chính xác, kỹ lưỡng… để đi đến một phán quyết đúng đắn, hợp lý, hợp tình để người dân tin vào công lý và sự công bằng của pháp luật”. Đây vừa là trách nhiệm của thẩm phán, lương tâm với nghề và là tình người, bảo vệ lẽ phải. Do đó, các vụ án hình sự chị Mai xét xử luôn được đảm bảo xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan, không bỏ lọt tội phạm.
Với các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, Thẩm phán Mai lại chú trọng đến công tác hòa giải, giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, thuyết phục, động viên các đương sự bàn bạc, thỏa thuận phương án giải quyết, tỷ lệ án hòa giải thành cao. Đường lối giải quyết án tốt, đảm bảo sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên đương sự. Ngoài những áp lực trong nghề, nữ Thẩm phán Mai cũng chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở, khi nghĩ về các vụ án. Chị Mai bảo: “Mỗi vụ việc có những tình tiết khác nhau, đằng sau đó là biết bao câu chuyện, số phận buồn. Có những bị cáo tuổi đời đang còn rất trẻ, thiếu hiểu biết quy định pháp luật, dẫn đến phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng. Những vụ án ly hôn, chia con giữa phiên tòa, chứng kiến những đứa con gào khóc vì bố mẹ, là người phụ nữ, chị cũng rất xót xa khi chứng kiến các bé phải chọn ở cùng cha hay mẹ”.
Riêng năm 2023, chị Mai đã lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua; 100% các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trong thời hạn luật định (bao gồm cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù); 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm, kết quả mà rất ít Tòa án đạt được. Tổng số các vụ án mà đơn vị đã thụ lý và giải quyết là 722/722 vụ, việc; đạt tỷ lệ 100% (tăng 42 vụ, việc so với năm 2022). Các vụ án đã xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Áp lực là động lực
Thẩm phán là một nghề vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Với trọng trách của người bảo vệ và thực thi công lý, Thẩm phán luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm, cám dỗ, vì mỗi phán quyết của họ tác động trực tiếp đến tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và cả tính mạng con người. Chính vì vậy, hoạt động của Thẩm phán luôn được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của người dân và xã hội. Người dân đòi hỏi ở Thẩm phán những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe, bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi, sự hiểu biết sâu rộng về xã hội, khoa học còn phải thắng được những cám dỗ…
Thẩm phán Ma thị Tuyết Mai thường xuyên trao đổi, chỉ bảo nghiệp vụ cho thế hệ trẻ của Toà án nhân dân huyện Hàm Yên.
Thẩm phán Mai tâm sự: “Nhiều người cho rằng phụ nữ không hợp với nghề thẩm phán bởi nghề này cần sự cứng cỏi và bản lĩnh “thép”, mà phụ nữ sống thiên về cảm xúc thay vì lý trí, tôi không đồng tình với quan điểm đó. Gắn bó với nghề, tôi thấy phụ nữ có lợi thế là sự mềm mại, thấu hiểu và có sự nhạy cảm riêng. Quá trình giải quyết án, cùng với nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu sự việc, tôi luôn lắng nghe tâm tư của từng đương sự để đưa ra phương án xử lý hay lời tuyên án, phán quyết chính xác, đảm bảo thượng tôn pháp luật theo tinh thần “thấu tình đạt lý”.
Thẩm phán Mai đã biến áp lực thành động lực, gần 5 năm làm lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên, Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai đã lãnh đạo xét xử nhiều vụ việc quan trọng, trong đó có 2 vụ án liên quan đến “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Trong đó, 1 vụ án hình sự xét xử trực tuyến 12 bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”; 1 vụ án xét xử hình sự, liên quan 3 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”. Đây là 2 vụ án được dư luận xã hội quan tâm, bởi các đối tượng trong vụ án đều là đối tượng cốt cán liên quan đến “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Thẩm phán Mai trực tiếp làm Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa vụ án “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”.
“Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” do Dương Văn Mình, sinh năm 1961 (còn có tên gọi khác Dương Súng Mình, Giàng Sống Minh), sinh sống tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) cầm đầu. Bản chất của Dương Văn Mình và các đối tượng cốt cán là lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để truyền bá, tập hợp quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông với ý đồ ly khai, tự trị, lập “Nhà nước Mông” do Dương Văn Mình đứng đầu lén lút hoạt động lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo; lôi kéo, ép buộc người Mông tin theo; một số hoạt động đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, các đối tượng còn thường xuyên liên hệ, tìm kiếm, hỗ trợ, ủng hộ của một số cá nhân, tổ chức phản động ở nước ngoài để giúp đỡ và vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
Phiên toà tuyên án cao nhất 4 năm tù, thấp nhất 3 năm 6 tháng tù đối với các bị cáo đã nhận được sự đồng tình cao của người dân, khép lại vụ việc liên quan đến “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Chánh án tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Minh Hùng nhận xét: Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên là cán bộ nữ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thẩm phán Mai đã đổi mới mọi mặt công tác, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ, dẫn dắt Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên lên vị trí đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang tổ chức xét xử trực tuyến và là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc trong thời gian ngắn nhất (6 ngày làm việc) tổ chức được 5 phiên tòa trực tuyến. Đây là kết quả đáng ghi nhận, xứng đáng là bông hồng “thép” của ngành Tòa án.
Với những kết quả đạt được, năm 2023 Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và là một trong những Tòa án huyện xuất sắc trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Cá nhân Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai được nhiều khen thưởng từ địa phương đến Trung ương.
Gửi phản hồi
In bài viết