Đấy là những năm đánh Mỹ, bố lên đường đánh giặc khi tuổi còn đôi mươi. Mối tình của mẹ và bố trải qua những năm tháng lam lũ đồng làng. Mẹ kể rằng, bố hiền lắm, mẹ yêu bố cái nết đó. Đi làm công cùng nhau, bố làm hết việc cho mẹ, thế là hai người nảy sinh tình cảm từ ấy.
Bố tự nguyện viết đơn đi bộ đội, mẹ khóc mấy hôm liền. Trong mâm cúng bố chiều ba mươi Tết, mẹ vẫn nhắc đến kỷ niệm hai người hò hẹn ở lũy tre cuối làng. Đám cưới được tổ chức đơn giản trước khi bố lên đường. Mẹ kịp sinh cho bố người con gái là tôi bây giờ. Bố đi từ đấy và không một lần về thăm mẹ con tôi nữa.
Lá thư tình bố viết cho mẹ khi hành quân vào Nam để tham gia cuộc Tổng tiến công năm 1975, tôi tròn 2 tuổi. Mẹ giữ lá thư như báu vật. Năm 1986 nước lũ, mẹ chỉ bơi một tay, còn tay kia giơ lên giữ lá thư của bố để không bị nước làm ướt cho đến khi đội cứu hộ đến đưa mẹ lên thuyền. Không ai hiểu trong lá thư đó viết gì cả, họ chỉ tập trung cho nhiệm vụ cứu hộ, còn mẹ thì hạnh phúc vô bờ vì giữ được lá thư của bố còn nguyên vẹn, mặc kệ nhà cửa bị dòng nước cuốn trôi.
Tôi đứng ở lưng chừng quả đồi tránh lũ, chạy ùa đến ôm lấy mẹ khi đội cứu hộ chèo chiếc thuyền nan đến. Nước rút, mẹ con tôi được xã dựng tạm cho ngôi nhà để ở. Làng xóm ai cũng ái ngại nhưng tôi thấy mẹ thật điềm tĩnh, bởi với mẹ lá thư bố gửi là thứ vô giá mà mẹ không thể đánh mất.
Mỗi lần đi qua lũy tre cuối làng, mẹ đứng lại lẩm nhẩm câu gì đó như nhắn nhủ bố, như đưa mẹ về những kỷ niệm yêu đương thời trẻ. Mẹ vịn vào bức thư để sống, nuôi tôi khôn lớn. Lắm lúc tôi hồn nhiên nói “mẹ lấy chồng đi”, giờ con đến tuổi lập gia đình rồi, con nỡ để mẹ ở một mình sao được.
Tôi đi lấy chồng xa, mẹ không ủy mị chút nào, bà vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Mẹ bảo, con lấy được người con yêu, dẫu ở xa đến mấy cũng là niềm hạnh phúc con ạ. Tôi chỉ biết ôm lấy mẹ, tay vân vê tà áo bà ba mẹ thường mặc vẫn thấy bức thư mẹ để ngăn nắp trong túi, cứ thế là tôi khóc. Mẹ thủy chung với bố, bởi mẹ bảo, mỗi lần đọc bức thư là như được trò chuyện với bố vậy, như được bố vỗ về yêu thương. Với mẹ thế là đủ rồi.
Tôi ít khi về thăm mẹ, chỉ biên thư cho mẹ hỏi thăm và động viên mẹ thôi. Dạo ấy làm gì có điện thoại di động mà gọi livestream như bây giờ. Mấy năm vừa rồi, tôi mua cho mẹ chiếc điện thoại di động để gọi thường xuyên nhưng trí nhớ mẹ không còn tốt nữa nên những khi nhớ con cháu bà phải nhờ mấy đứa cháu họ gọi giúp. Tối muốn đón mẹ về ở với mình nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo, mẹ không thể ra khỏi lũy tre làng này đâu, mắt mẹ rớm lệ.
Bọn trẻ con tôi lớn lên, sống trong thế giới phẳng này, chúng nó chả còn biết viết thư tay là như thế nào nữa. Mỗi khi tôi kể về bức thư tình của ông ngoại gửi bà ngoại thời chiến tranh chúng nó rất mơ hồ, có đứa còn bảo sao ông bà không chát với nhau hả mẹ. Tôi cười ngả nghiêng mà nước mắt cứ trào ra. Những bức thư viết tay giờ chỉ còn trong hoài niệm. Đám trẻ yêu đương, hẹn hò nhau qua điện thoại, chúng gửi cho nhau những ký tự mà có lúc vô tình tôi nhìn thấy không hiểu nổi chúng viết gì nữa.
Mẹ tôi giờ tuổi cao rồi, bà bị lẫn, có lúc bà không nhớ bố tôi đã hy sinh, cứ ngỡ ông đi làm đâu đó nên mỗi khi thức giấc lại gọi “ông ơi đi về, muộn rồi”. Tôi để nhà cửa cho chồng con trông nom về quê chăm mẹ, mỗi lần nghe mẹ gọi bố, tim tôi nghẹn lại. Tình yêu của ông bà dành cho nhau thật trọn vẹn, đến lúc cuối đời rồi, mẹ nghĩ bố vẫn còn sống, bố còn sống mãi trong mẹ, bởi bố là người đàn ông bất tử không chỉ của riêng mẹ và cả nước non này.
Một bài viết đầy cảm xúc, trân trọng. Chúc NB sức khỏe để có nhiều bài viết hay cống hiến bạn đọc nhé!