Bài 2: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ
Báo Tuyên Quang có loạt bài về vấn đề này:
Bài 1: Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm
Trong bối cảnh không ít khó khăn thách thức, kinh tế của tỉnh vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Những nỗ lực của tỉnh, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những yếu tố then chốt để phát huy nội lực, bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do các yếu tố thiên tai, khó khăn của nền kinh tế gây ra.
Những con số ấn tượng
Chưa năm nào Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) lại gặt hái con số ấn tượng như năm nay. Tính đến trung tuần tháng 12, công ty xuất khẩu được hơn 4.700 tấn chè xanh và chè đen các loại, đạt gần 8 triệu USD, vượt hơn 70% so với kế hoạch. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết: Để đạt được thành quả như vậy, ngoài thị trường truyền thống như các nước: Trung Đông, Nga, công ty “đánh” vào các thị trường mới ở khối các nước ASEAN, Đài Loan… Sự mạnh dạn trong phát triển thị trường mới đã mang đến cho công ty thành quả xứng đáng, các đơn hàng chè xanh gia tăng hơn gấp 2 - 3 lần so với những năm trước đây.
Công nhân Công ty TNHH MSA-YB tập trung sản xuất những đơn hàng cuối cùng của năm 2024.
Không những sản phẩm chè, các sản phẩm chủ lực khác như: đồ gỗ, gang thép, sản phẩm may mặc… cũng có bước bứt phá ngoạn mục.
Ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết: Hết tháng 11, đơn vị sản xuất đạt 280 nghìn tấn thép các loại, ước thực hiện năm 2024 đạt 290 nghìn tấn, vượt 10 nghìn tấn so với mục tiêu đề ra, doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có lợi nhuận sau 8 năm trở lại đây.
Thời điểm này, Công ty TNHH MSA-YB Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) cũng đã vượt mục tiêu sản xuất. Đến cuối tháng 11, công ty đã xuất khẩu 2,1 triệu sản phẩm may mặc vào thị trường các nước châu Âu, Mỹ, tăng khoảng 5% so với năm 2023.
Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự kiến đến hết năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2023.
Ngành Nông nghiệp cũng có 1 năm vượt bão, khi sản lượng mía vượt 21%, sữa tươi vượt 19%, thịt hơi vượt 6%…cao nhất từ trước đến nay. Ước tính giá trị sản xuất ngành năm đạt trên 4,8%. Lần đầu tiên Tuyên Quang có 7 sản phẩm OCOP “có vé” xuất khẩu qua đường chính ngạch vào thị trường châu Âu. Cũng là lần đầu tiên rừng trồng của Tuyên Quang được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.
Thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch đến tỉnh và doanh thu từ khách du lịch tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đến hết tháng 11, tỉnh đã thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, đạt 91,5% kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch 3.193 tỷ đồng, đạt 88,7% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Gỡ khó để thực hiện mục tiêu
Năm 2024 tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 20/20 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế đạt mức tăng trưởng 9,04% - mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh trong 10 năm gần đây. Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những khó khăn vướng mắc phải giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất; thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt… Bên cạnh đó là bối cảnh tình hình biến động với nhiều yếu tố bất định và rủi ro khó lường…
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH MSA-YB - Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Mặc dù mục tiêu sản xuất của công ty đã vượt so với năm 2023, tuy nhiên giá trị gia công thấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không riêng gì công ty May MSA-YB, nhiều doanh nghiệp thực hiện gia công sản phẩm cũng đang phải đối mặt với thách thức này. Nguyên nhân là do giá trị gia công thấp, các doanh nghiệp của tỉnh hầu hết mới chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương hơn 30% chuỗi giá trị của sản phẩm. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến sâu và phân phối sản phẩm.
Sản xuất nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn. Đó là sức cạnh tranh nông sản của tỉnh chưa cao, đặc biệt là sản phẩm OCOP vẫn phải mượn tên sản phẩm cùng loại để đi vào thị trường. Chưa kể đến yếu tố các chuỗi liên kết thiếu bền vững ảnh hưởng đến giá trị sản xuất.
Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, “5 đẩy mạnh” theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 tạo đà để về đích trong năm 2025. Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tích cực giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP.
Về sản xuất công nghiệp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố khẩn trương tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, rào cản, “điểm nghẽn”; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, phát triển chế biến sâu để nâng cao giá trị kinh tế.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, quyết liệt khẩn trương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đến giữa tháng 12 tỉnh giải ngân đạt trên 3 nghìn tỷ đồng, đạt 48,1% kế hoạch.
Đồng chí Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh khẳng định: Trong bối cảnh còn không ít khó khăn thách thức, kinh tế của tỉnh vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tới. Nỗ lực của tỉnh, người dân và cộng đồng doanh nghiệp chính là những yếu tố then chốt để phát huy nội lực, bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do các yếu tố thiên tai, ngoại lực gây ra.
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết