Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, chủ trì phiên họp thảo luận và thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu, quốc đảo phải hứng chịu nhiều lốc xoáy tàn phá ở Thái Bình Dương, và được hỗ trợ bởi Nhóm nòng cốt gồm 18 quốc gia đến từ các khu vực khác nhau, trong đó có Việt Nam. Theo Nghị quyết, các nước thành viên Liên hợp quốc đề nghị ICJ đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ môi trường, cũng như về trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều nước khác.
Theo quy định, chỉ Ðại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền yêu cầu ICJ cho ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, dù ý kiến tư vấn của ICJ không mang tính ràng buộc, ICJ vẫn sẽ hỗ trợ các nước thành viên Liên hợp quốc đưa ra những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ý kiến tư vấn của ICJ nhìn chung được cộng đồng quốc tế coi trọng, giúp thúc đẩy các nước hành xử theo hướng phù hợp hơn với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
Cộng đồng quốc tế đã có những cơ chế quan trọng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, nhiều quy định trong các thỏa thuận này chưa thật sự cụ thể, dẫn tới việc các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia chưa được như mong muốn. Ý kiến tư vấn của ICJ được kỳ vọng làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia trong các hành động khí hậu.
Theo Nghị quyết, các nước thành viên Liên hợp quốc đề nghị ICJ đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ môi trường, cũng như về trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều nước khác. |
ICJ là cơ quan pháp lý quốc tế cao nhất của Liên hợp quốc. Với nghị quyết này, lần đầu tiên ICJ sẽ đưa ra ý kiến về mặt pháp lý liên quan biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề cấp thiết nhất, được quan tâm thảo luận rộng rãi nhất tại rất nhiều diễn đàn quốc tế, khu vực hiện nay. Nghị quyết được 132 nước thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ và được 193 nước thông qua cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề trách nhiệm pháp lý trong các hành động ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng Vanuatu Alatoi Ishmael Kalsakau, văn bản cuối cùng của Nghị quyết là kết quả của quá trình tham vấn và cân nhắc kéo dài, cho thấy tầm quan trọng của sáng kiến, cũng như mong muốn tập thể hướng tới giải quyết khủng hoảng khí hậu. Thủ tướng Vanuatu nhấn mạnh vai trò quan trọng của các sinh viên luật trẻ tuổi ở Thái Bình Dương, những người đã truyền cảm hứng cho sáng kiến này.
Hoan nghênh nghị quyết mang tính bước ngoặt, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Türk cho rằng, ý kiến tư vấn của ICJ có thể là chất xúc tác quan trọng cho hành động khẩn cấp, đầy tham vọng và công bằng về khí hậu, góp phần ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời hạn chế và khắc phục các tổn hại về nhân quyền do khí hậu gây ra. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã ghi chép đầy đủ các tác động đến nhân quyền của biến đổi khí hậu và sẵn sàng chia sẻ thông tin về các nghĩa vụ nhân quyền mà các quốc gia và các chủ thể cần bảo đảm trong vấn đề khí hậu.
Dẫn báo cáo khoa học mới được Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres tái khẳng định, chính con người phải chịu trách nhiệm cho hầu như toàn bộ sự nóng lên của Trái đất trong 200 năm qua. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh, ngay bây giờ là thời điểm để hành động vì khí hậu và công lý về khí hậu và cuộc khủng hoảng khí hậu chỉ có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các dân tộc, các nền văn hóa, các quốc gia và các thế hệ.
Gửi phản hồi
In bài viết