Sưu tập hiện vật ở xã Hồng Lạc (huyện Sơn Dương)
Qua nghiên cứu sưu tập hiện vật trên, có thể nhận xét như sau:
- Bộ sưu tập có thể được thu lượm từ nhiều địa điểm khác nhau xung quanh xã Hồng Lạc.
- Những hiện vật này được phát hiện ngẫu nhiên, nên chưa xác định được tính chất di tích chứa các di vật này. Có thể khẳng định đó là những sản phẩm thuộc thời đại Kim khí của cư dân cổ Tuyên Quang.
Đặc biệt, trong sưu tập này có một chiếc rìu đồng gót vuông khá giống với những chiếc rìu đồng cùng loại tìm được ở khu mộ Gò De và Làng Cả ở Phú Thọ. Chiếc rìu đồng này cao 18,3cm, chiều rộng từ gót đến mũi là 17,8cm; được trang trí khá đẹp: hai bên mặt lưỡi có hình khắc cảnh chó săn hươu - hai con hươu có sừng dài đang bị một con chó chặn đầu; cảnh này lại được bao quanh bởi một khung hoa văn hình học, có những đường khắc vạch hình ô trám. Đoạn gần họng rìu còn có cảnh hai người đang chèo một chiếc thuyền cong tròn. Loại rìu đồng gót vuông này gần như chỉ ở vùng trung du Phú Thọ mới thấy khá nhiều.
Loại hình dao phạng cũng có trong sưu tập Hồng Lạc. Những chiếc dao phạng thường được tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ ở miền núi phía Bắc nước ta, thường không có hoa văn trang trí.
Loại hình thuổng đồng trong sưu tập Hồng Lạc là loại thuổng đồng tìm được nhiều tại các địa điểm khảo cổ ở Phú Thọ; đó là những chiếc thuổng đồng có họng dài, lưỡi cong tròn, trang trí những đường gạch ngắn ở gần họng bên trong những băng hoa văn hình chữ nhật.
Trong sưu tập trên có một hiện vật rất đặc biệt: Chiếc khuôn đúc đồng. Mảnh khuôn đúc đồng bằng đá thuộc loại khuôn đúc hai mang. Khuôn có hình chữ nhật, kích thước: 10,5cm x 7,5cm; được làm bằng đá màu xám, trên mặt khuôn có hình chiếc rìu xòe cân.
Việc tìm được mảnh khuôn đúc rìu chứng tỏ người cổ Tuyên Quang đã biết đúc đồng và họ đúc đồng tại chỗ để tạo nên các công cụ sản xuất.
Trong số những vòng trang sức trong sưu tập Hồng Lạc, có một số loại sau:
- Vòng trang sức có mặt cắt ngang hình chữ T; chất liệu bằng đá màu nâu xám, còn nhiều vết ghè đẽo. Đây là vòng đeo tay.
- Vòng trang sức có mặt cắt ngang hình tam giác, đây có thể là vòng đeo tay hoặc vòng đeo tai.
- Chiếc khuyên tai có chất liệu là đá màu trắng xám; có 2 lỗ khoan ở đầu mảnh vòng bị vỡ, có thể là người xưa đã đánh vỡ vòng và dùng cách khoan để nối các mảnh vòng vỡ lại.
Sưu tập hiện vật ở huyện Chiêm Hóa
Cuối tháng 6-2008, người ta đã phát hiện được một số hiện vật khảo cổ khi khai thác cát, sỏi dưới lòng sông Gâm thuộc xã Ngọc Hội và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa).
Công cụ bằng đồng, tìm thấy năm 1990 ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) có niên đại cách đây khoảng 4.000 năm.
Bộ sưu tập hiện vật Chiêm Hóa có những loại hình đáng lưu ý như sau:
- Chiếc rìu đồng gót vuông điển hình có mũi nhọn, lưỡi rìu gần có hình chữ nhật, đoạn gần họng rìu có trang trí hình đường gân nổi. Rìu cao 7,6cm, chiều rộng từ gót đến mũi là 8,5cm; đã bị mài nhẵn trơ lớp đồng màu vàng.
- Chiếc dao phạng có họng dài, lưỡi cong tròn, đoạn mũi nhọn và đoạn trên của lưỡi cong lõm. Dao có trang trí đường gân nổi ở đoạn họng gần lưỡi; họng dài 10cm, lưỡi rộng 12,7cm.
- Chiếc giáo đồng có hình lá, họng có mặt cắt ngang hình gần tròn, lưỡi có sống nổi rõ, mũi nhọn, dài 13,5cm. Giáo đã bị rỉ lỗ chỗ, ở đoạn mũi bị mài bóng.
- Một chiếc giáo khác dài 30,6cm, họng tròn, lưỡi cong lượn, góc lưỡi nhọn, mũi nhọn, được mài bóng, lộ ra chất liệu đồng màu vàng. Chiếc giáo thuộc loại có kích thước khá lớn, cũng là loại thường gặp trong văn hóa Đông Sơn.
- Rìu đồng có các loại: chữ nhật, xòe cân. Rìu xòe cân có loại họng hình đuôi cá, lưỡi cong tròn, không trang trí hoa văn và loại xòe cân có họng hình chữ nhật, xòe cân.
Rìu xòe cân có loại có họng hình đuôi cá, lưỡi cong tròn, không trang trí hoa văn và loại rìu xòe cân có họng hình chữ nhật, lưỡi cong tròn và trang trí 5 đường gân nổi song song gần họng rìu. Rìu lưỡi xéo có lưỡi cong, trang trí hoa văn hình gạch ngắn trong một băng hoa văn hình chữ nhật ở đoạn gần họng rìu.
Đáng chú ý là 2 chiếc gương đồng trong bộ sưu tập, không thể xác định được có thuộc thời đại Kim khí hay không, vì không rõ xuất xứ của chúng. Chiếc gương đồng còn nguyên có đường kính là 8,5cm; hoa văn trang trí đơn giản: giữa gương có u tròn nổi, có những hoa văn gân nổi đồng tâm. Đáng lưu ý là có vành hoa văn vòng tròn đồng tâm, đường cong nổi ở gần tâm; vành hoa văn nhũ đính ở vành gần rìa gương. Chiếc gương thứ hai đã bị vỡ khoảng một phần ba; đường kính là 9cm, màu đen bóng, giữa gương có hình u tròn nổi, từ trong ra ngoài có hoa văn hình các góc nhọn nối tiếp nhau, đường gạch ngắn song song, hoa văn hình chữ nhật nổi có các đoạn gạch ngắn bên trong.
Nhìn chung, sưu tập này có các hiện vật Đông Sơn điển hình và có 2 chiếc gương đồng chưa xác định được niên đại.
Sưu tập trong kho Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang
Theo những ghi chép để lại trong hồ sơ của Bảo tàng tỉnh thì số hiện vật này tìm được ở nhiều nơi như Nhân Lý, Ngọc Hội (huyện Chiêm Hóa), một số địa điểm quanh thị trấn Tân Yên (huyện Hàm Yên), xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn) và một số xã phía nam huyện Sơn Dương... Phần lớn những di vật này mang đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn.
Gửi phản hồi
In bài viết