Những chuyến đi thiện nguyện của tác giả Trịnh Đình Bồng (áo xanh).
“Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc”. Đó là điều mà nhà thơ Đinh Minh Sơn, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh luôn tâm niệm. Ông gắn bó với công tác từ thiện với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) được hơn 30 năm nay, nhà thơ đã có có hàng chục sáng tác viết về những chuyến đi đầy ý nghĩa ấy. Đó là những lần đến với bản làng vùng cao khó khăn hay đến thăm gia đình có người tàn tật, những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin… Tất cả đều đọng lại trong ông những cảm xúc để viết nên tác phẩm như: “Nơi chúng tôi đến”, “Một chút hương đời”, “Lửa ấm tình người”…
“Nơi chúng tôi đến
Đào mai chưa nở
Xuân ngập ngừng ngoài ngõ…
Chúng tôi đến
Một chút thôi với tấm lòng từ thiện
Của bao người tin tưởng trao cho
Một chút thôi hơi thở mùa xuân
Cho ấm căn nhà nhỏ hẹp…
Rạng ngời nếp nhăn bà cụ
Ấm lòng cả mùa xuân”
(Nơi chúng tôi đến).
Bài thơ được viết sau chuyến đi thiện nguyện vào dịp Tết đến xuân về tại huyện vùng cao Lâm Bình. Hình ảnh người dân nghèo khó khăn thiếu thốn được ông tái hiện qua vần thơ với sự đồng cảm bằng vần thơ ước lệ: “Xuân ngập ngừng ngoài ngõ”. Và bằng sự cho đi chân thành, đoàn thiện nguyện đã gửi trao những món quà và nhận lại nụ cười hạnh phúc, cái bắt tay đầy cảm kích, chân thành. Mùa xuân đã như ấm lại bởi nghĩa tình nhân ái sẻ chia trong mỗi con người.
Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp với những nghĩa cử cao đẹp. Tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau như tiếp thêm nguồn năng lượng quý giá để những hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Những hành động mang ý nghĩa lớn tạo sức lan tỏa khiến con người tin yêu trước cuộc sống:
“Chúng tôi chẳng kể giàu sang
Chia nhau tấm áo, tấm chăn, hộp quà
Làm cho cuộc sống thêm tươi
Vơi đi nỗi khổ những người khó khăn”
(Nghĩa tình - Nguyễn Thu Huệ).
Quả thực, cho đi không có nghĩa là mất, đôi khi chỉ là một lời an ủi, một lời động viên, giúp nhau một gói xôi, một cái bánh lúc khó khăn, hoạn nạn bạn sẽ nhận lại bao điều ý nghĩa. Và có thể “dư vị” ấy theo bạn suốt cả cuộc đời để giúp mình sống tốt, sống đúng và biết hy sinh hơn.
Ở Sơn Dương, ông Trịnh Đình Bồng không chỉ là người làm công tác thiện nguyện nhiệt tình mà là tác giả của nhiều tác phẩm thi ca và âm nhạc. Ông có tâm hồn và trái tim đa cảm, đi nhiều, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khiến lòng ông se sắt:
“Tôi gặp em
Giữa một chiều đầy lệ
Mưa rơi hay nước mắt em rơi
Ướt đẫm cuộc đời em côi cút
Thương các em tôi!"
(Chiều mưa).
Với tác giả, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hạnh phúc và bất hạnh cứ đan xen. Và mỗi người đều không nên sống thờ ơ, vô cảm trước nỗi bất hạnh của người khác mà phải quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che họ. Đó không phải là sự ép buộc mà là sự tự nguyện, trách nhiệm đến từ trái tim, tấm lòng nghĩa tình. Để đúng như câu nói: “Nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện” tinh thần ấy “lan tỏa” tạo nên sức mạnh nhân ái trong cộng đồng. Trịnh Đình Bồng tự hào viết:
“Anh về thăm Tuyên Quang
Bao thôn làng làm việc tốt
Chăm lo cứu giúp người nghèo
Lòng nhân ái sáng ngời ngời khắp bản...”
(Lòng nhân ái).
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng chảy của lòng nhân ái. Để gắn kết bản thân với xã hội, con người sống cần phải có sự hy sinh, sẻ chia, trao gửi cho nhau. Lòng nhân ái giúp mỗi người nâng cao giá trị của cá nhân mình, giúp cho mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên tốt đẹp hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết