Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ủng hộ mở rộng đối tượng thụ hưởng
Về điều chỉnh phạm vi đầu tư, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu rõ, dù đã được quan tâm rất lớn, được đầu tư nhiều nhưng thống kê cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hết sức khó khăn với 5 “cái nhất” đáng buồn, đó là: vùng khó khăn nhất, vùng có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, vùng có kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, vùng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). (Ảnh: DUY LINH)
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng hưởng thụ của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm: một số trường dự bị đại học, trường đại học, các trường phổ thông dân tộc nội trú không nằm địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.
“Đây là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều: giáo dục, y tế và văn hóa thông tin”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Nhấn mạnh lại các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu đoàn Lạng Sơn đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Hơn nữa, theo Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỷ đồng nêu trên cũng không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Như vậy, không có tác động về nguồn lực đầu tư.
Về thẩm quyền và hình thức văn bản, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với 2 nội dung:
Một là, Quốc hội nhất trí điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nêu tại khoản 3 Điều 1 là “Nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.
Hai là, Quốc hội đồng ý về sự cần thiết và bổ sung đầu tư, hỗ trợ 4 nhóm đối tượng vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 đến năm 2025; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách cụ thể, bảo đảm mục tiêu của Chương trình và bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu tư đã được Nghị quyết 120 của Quốc hội quyết định.
Lưu ý thời gian còn lại của giai đoạn 1 chỉ 1,5 năm, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể; ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.
Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo chương trình phục hồi kinh tế và theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ủng hộ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng thống nhất quan điểm đưa hai nội dung đề xuất sửa đổi vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, không cần thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng.
Tăng cường phân cấp cho địa phương
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ đồng tình với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.
Qua thực tế tham gia giám sát ở một số địa phương, đại biểu nhận thấy khi triển khai thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, trường phổ thông dân tộc nội trú, thiết chế lịch sử, văn hóa tiêu biểu, y tế tuyến huyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình còn rất nhiều khó khăn, thật sự thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). (Ảnh: DUY LINH)
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình (do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), dẫn đến một số khó khăn trong bố trí vốn.
“Việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình là cần thiết theo tinh thần các văn kiện của Trung ương và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, đại biểu Tạ Thị Yên cho hay.
Đại biểu cũng nhất trí về nguyên tắc điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình theo đề nghị của Chính phủ, theo đó nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành.
Để việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với đề xuất của Hội đồng Dân tộc là bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và không ban hành nghị quyết riêng vì với nội dung điều chỉnh không lớn, qua đó tạo điều kiện chủ động cho Chính phủ có các quy định chi tiết, đồng thời phân cấp thực thi các điều chỉnh này trong tổng mức đầu tư của Chương trình đã được Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan hết sức chú ý tới tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình cũng như tiến độ giải ngân vì thời gian của kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ít, trong khi đó tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và giải ngân các nguồn vốn chưa tương xứng.
Đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho địa phương tự quyết định trong tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, từng năm cũng như trung hạn 5 năm, có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Gửi phản hồi
In bài viết