Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất sữa bột kém chất lượng tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Tâm Phạm
Sữa hàng hiệu rẻ như... cho
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện có hàng trăm nhãn hiệu sữa bột đang được rao bán tràn lan trên mạng, nhưng thực tế đó là những hãng không tên tuổi, không thương hiệu mà dân buôn bán lâu năm thường gọi là sữa “cỏ”. Những cái tên lạ lẫm như Michiko Pedia; Michiko Kids; PC100 Pedia Colostrum; Bebumil; StaSure… với giá rẻ như cho, từ 70.000 đồng/lon đến 250.000 đồng/lon trọng lượng 900g đã thu hút rất nhiều cư dân mạng tìm hiểu và mua hàng.
Chị Nguyễn Trang (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) bức xúc khi vừa hoàn trả hộp sữa bột nhãn hiệu "All in sure Canxi" trọng lượng 900g mua trên sàn thương mại điện tử Shopee giá 150.000 đồng. Sữa được giới thiệu là ngừa loãng xương, tiểu đường, cân bằng huyết áp, hỗ trợ tim mạch... của Công ty TM SX CBTP Thành Đạt. Tuy nhiên, chị Trang đã sốc nặng khi nhận hộp sữa có dòng chữ in trên bao bì mờ nhạt, hạn sử dụng không được dập nổi dưới đáy lon; tên nhà sản xuất lại là Công ty TNHH Ánh Dương Baby Nutrition. Điều đáng nói là tại một số trang mạng khác, cùng loại sữa này lại có giá khác, 110.000 đồng/lon hoặc 90.000 đồng/lon...
Trường hợp chị Trần Thu Hằng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cũng oái oăm không kém khi đã uống hết 1 thùng sữa hạt của "Endsure Diamond organic, Linh Sơn Group 900g" được giới thiệu là sữa của hãng Abbott (nhưng trên vỏ lon không có chữ Abbott) với giá 180.000 đồng/lon. Dù đã được cảnh báo sữa chính hãng Abbott không có giá rẻ như vậy nhưng chị Hằng vẫn có niềm tin đây là sản phẩm mới hãng chưa xuất ra thị trường, chỉ người trong hãng mới được mua. Tuy nhiên, khi hỏi mua ở kênh phân phối nào thì chị Hằng nói là mua trên… TikTok?!
Trước “ma trận” sữa giả, nhái giăng lưới trên "chợ mạng”, nhiều bà mẹ bỉm sữa đã lập nhóm “Hội các mẹ thông thái anti sữa cỏ - check sữa cỏ”. Họ đã chỉ ra từng điểm bất hợp lý, chứng minh tính “cỏ” của nhiều loại sữa như đặc điểm nhận diện hàng “cỏ” là nguyên liệu sữa bột nhập khẩu từ nước ngoài, đơn vị gia công, đóng hộp với nhiều thương hiệu lạ lẫm...
“Trong khi giá nhập nguyên liệu sữa bột nước ngoài thường là 70.000-150.000 đồng/kg thì các lon sữa bột 900g với nhiều vitamin, sữa non, canxi, DHA... chỉ có giá 70.000 đồng?!. Vậy mà mọi người cứ mua hết thùng nọ đến thùng kia”, chị Nguyễn Thu Hà, một thành viên trong nhóm “Hội các mẹ thông thái anti sữa cỏ - check sữa cỏ”, lo lắng.
Cần ngăn chặn triệt để
Để xác thực về sản phẩm sữa hạt "Endsure Diamond organic, Linh Sơn Group 900g/lon", phóng viên đã gọi điện thoại đến số tổng đài Abbott Việt Nam 19001519. Tuy nhiên, nhân viên của hãng này khẳng định, với sữa Ensure mà hãng Abbott bán ra thị trường Việt Nam hiện chỉ có nhãn hiệu Ensure Gold, in chữ Abbott trên sản phẩm, bất cứ tên gọi nào khác đều không phải hàng của hãng. Giá một hộp sữa Ensure Gold 900g hãng bán giá trên 800.000 đồng và hoàn toàn không có giá 180.000 đồng/lon.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Abbott tại Việt Nam công bố đã phát hiện hơn 700 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của hãng với bao bì khó phân biệt thật - giả. Ngoài ra, có khoảng 100 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xâm phạm bản quyền của hãng.
Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Trọng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra và xử lý 16 vụ việc liên quan đến chất lượng sữa, xử phạt vi phạm hành chính gần 240 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 188 triệu đồng. Các vi phạm đều là kinh doanh sữa nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Điển hình là ngày 14-7-2023, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và đã thu giữ 1.080 hộp thực phẩm sữa nước MAMUHA 200ml nhập lậu của cơ sở kinh doanh thực phẩm tại khu đất dịch vụ LK6, LK7, LK10, LK11, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), xử phạt 32 triệu đồng.
Trước đó, ngày 6-6-2023, lực lượng quản lý thị trường khi kiểm tra phương tiện vận tải xe ô tô biển kiểm soát 36A-829.64 (ở số 2 đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy), đã thu giữ 12 hộp sữa bột Modilac Riz1 loại 800g cùng một số mỹ phẩm là hàng hóa nhập lậu, xử phạt 30 triệu đồng.
Cùng với tổ chức ra quân kiểm tra, ngăn chặn sữa giả, sữa “cỏ”, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức sự kiện giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật - hàng giả, trong đó có mặt hàng sữa bột. Ngoài ra, nhằm giúp người tiêu dùng tránh xa sữa giả, sữa nhái, các chuyên gia dinh dưỡng liên tục khuyến cáo về việc phân biệt nét chữ và các họa tiết in trên vỏ hộp sữa có sắc nét không? Đồng thời, người tiêu dùng nên quét mã vạch để tìm nguồn gốc nhà sản xuất; với hàng nhập khẩu, cần chọn loại có tem phụ ghi rõ nhà nhập khẩu, phân phối, thông tin kiểm nghiệm và được cấp phép lưu hành sản phẩm.
Thực tế, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, trong đó có mặt hàng sữa, tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao cảnh giác từ mỗi người dân, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là việc bán hàng trên mạng, qua đó ngăn chặn triệt để nạn hàng giả, hàng nhái, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm.
Gửi phản hồi
In bài viết