Người dân không nên sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo...
để tránh “tiền mất tật mang”.
Người dân không nên sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo... để tránh “tiền mất tật mang”.
Hậu quả của sự nhẹ dạ cả tin
Điển hình của thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội là trường hợp Facebook có tên "Ngân gốm" đã thâm nhập vào các nhóm trên mạng xã hội chuyên bán hàng như: Mê đồ bếp, bán hàng EU… để đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Nhưng thực tế, đối tượng chỉ bán hàng “ảo” bằng việc đăng tải hình ảnh copy trên mạng, rồi lừa khách hàng chuyển khoản, sau đó không gửi hàng cho khách.
Chiều 17-8 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Công an huyện Gia Lâm bắt giữ thủ phạm là Đỗ Thị Kim Ngân (ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 8-8, Công an quận Đống Đa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm đối tượng do Nguyễn Thành Đại (ở tỉnh Thái Bình) cầm đầu về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Công an xác định, Đại lập trang bán hàng trên mạng có tên “Hanmi’s shop”, “Kiera shop” rồi đăng tải các bài viết quảng cáo bán túi xách cao cấp có giá 8-12 triệu đồng/chiếc. Mục đích của Đại là tuyển cộng tác viên, hứa trả 150.000 đồng/ngày và khi lấy hàng sẽ được chiết khấu 2-3 triệu đồng/sản phẩm. Sau đó, Đại lập các Facebook ảo để vào đặt mua hàng qua các cộng tác viên. Sau khi xác nhận đơn của cộng tác viên, Đại giao túi xách giá rẻ 200.000-500.000 đồng/chiếc, thu của họ 6-7 triệu đồng (đã được chiết khấu). Khi cộng tác viên liên lạc với khách mua hàng thì không tìm được, đành chịu mất tiền, ôm đống hàng hiệu “rởm”...
Đặc biệt, có đối tượng lập trang web trên mạng Facebook và tạo diễn đàn "Kiếm tiền online", lôi kéo nhiều người tham gia với những lời quảng cáo đường mật. Sau khi đăng tin công khai trên hội, nhóm, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn riêng khi khách hàng "cắn câu", để rồi sau đó là rất nhiều nạn nhân sẵn sàng bỏ vài chục, thậm chí vài trăm triệu để "làm giàu".
Sau khi mắc "bẫy" diễn đàn trên, Facebook có tên Hoàng Hà đã đăng cảnh báo. Theo đó, vợ chồng anh lên mạng tìm kiếm việc online thì được nhắn tin yêu cầu nạp tiền góp vốn đầu tư, thực hiện các hướng dẫn thì mới được rút tiền. Đến nay, anh Hà đã nộp 30 triệu đồng nhưng không rút tiền ra được và số điện thoại, tài khoản trên mạng cũng "không cánh mà bay".
Mỗi người cần tỉnh táo, cảnh giác
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) Trần Quang Hưng cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã liên tục cảnh báo về các tình huống lừa đảo trên mạng xã hội, trong đó có việc các đối tượng vào các diễn đàn trực tuyến để bán hàng lừa đảo. Cụ thể, từ đầu tháng 10-2021 đến nay đã có 83 nội dung phản ánh hành vi lừa đảo do người dùng internet Việt Nam thông báo về NCSC qua hệ thống tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn. Qua kiểm tra, phân tích, các chuyên gia đánh giá có nhiều trường hợp lừa đảo bằng thủ đoạn giả mạo website của ngân hàng, lừa đảo trực tuyến liên quan đến dịch Covid-19…
Chia sẻ thông tin về loại tội phạm này, Trung tá Lê Minh Hải, Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội) cảnh báo, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tình hình an ninh trật tự sẽ diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt là các loại tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ cao như: Lừa đảo đầu tư vào sàn ngoại hối để hưởng lãi lên đến hàng chục phần trăm/ngày; kiếm tiền online… Những loại tội phạm trên sở dĩ phức tạp hơn bởi sau nhiều đợt giãn cách, người dân gặp khó khăn về kinh tế nên có tâm lý vội vàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh, việc làm. Vì vậy, công tác phòng ngừa tội phạm cần được đẩy mạnh.
Còn Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, thận trọng khi đầu tư kinh doanh qua mạng xã hội. Đặc biệt, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội, phải xác minh thông tin cụ thể trước khi thực hiện các giao dịch. Trong trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, phải thông báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp điều tra, xử lý.
Hiện nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố, các đơn vị quản lý dịch vụ mạng… đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thông tin đến điện thoại cá nhân về thủ đoạn của tội phạm để người dân cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời, cơ quan công an đề nghị người dân không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo... để tránh “tiền mất tật mang”.
Gửi phản hồi
In bài viết