Làng Nông nghiệp thông minh-Techfest quốc gia trao các gói hỗ trợ đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp, du lịch tỉnh Cao Bằng.
Cuộc tọa đàm do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Làng Nông nghiệp thông minh-Techfest quốc gia tổ chức.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã báo cáo tham luận và chia sẻ các ý kiến về một số tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; thực trạng và định hướng phát triển dịch vụ du lịch gắn với phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai; mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Phần trao đổi, trình bày của chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng Làng Nông nghiệp thông minh-Techfest quốc gia đã đặt những câu hỏi gợi mở “làm sao để du lịch và nông nghiệp kết nối được với nhau”. “Làm sao để gắn kết , thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch”?.
Những câu chuyện được chia sẻ tại cuộc tọa đàm đã trả lời, giải đáp một phần quan trọng trả lời những “đề bài đó”.
Theo đó, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, cần phải lưu ý đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần chú trọng khâu đóng gói sản phẩm, để tạo ra những sản phẩm bao bì đẹp, chất lượng cao.
Thí dụ về giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, chuyên gia chia sẻ câu chuyện ô nhiễm từ bã dong riềng từ sản xuất miến dong ở làng miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Thông qua giải pháp trộn bã dong với phụ phẩm làm thức ăn cho gà, đã giải quyết 35% bã dong; 65 bã dong còn lại được ủ với phân chuồng để chăn nuôi giun quế. Qua đó, đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng miến dong Án Lại.
Đại biểu dự tọa đàm tham quan mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp tại khu du lịch sinh thái Nasan Green Farm.
Chuyên gia cũng chia sẻ câu chuyện về làng du lịch cộng đồng làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thu hút được khá nhiều du khách đến lưu trú, trải nghiệm.
Nhưng du khách đến đó “chưa biết mua gì về làm quà”. Chuyên gia dí dỏm, khu du lịch cộng đồng làng đá Khuổi Ky đã “không lấy thêm được tiền của du khách”.
Mỗi năm, tỉnh Cao Bằng thu hút được hàng triệu lượt du khách, du khách là khách hàng ‘tự nguyện” đến Cao Bằng, đây là cơ hội, tiềm năng rất lớn nếu gắn kết được nông nghiệp với du lịch để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; và thông qua phát triển nông nghiệp, sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới.
Làm sao để du khách đến Cao Bằng phải tiêu được tiền và muốn tiêu tiền mua các sản phẩm du lịch Cao Bằng và sản phẩm nông nghiệp Cao Bằng nói riêng vẫn đang là câu chuyện thời sự cần được giải quyết.
Các chuyên gia “trăn trở” thay cho Cao Bằng, tại sao Cao Bằng chưa có sản phẩm (quả) trám đen đóng hộp, hạn sử dụng khoảng 1 năm; mà chúng ta vẫn chỉ bán quả trám, trám đen qua sơ chế…
Các chuyên gia cũng chia sẻ một số giải pháp hiệu quả bảo quản, đóng gói nông sản Cao Bằng phục vụ du khách mua về làm quà.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chia sẻ khó khăn, mong muốn nhận hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch. Chuyên gia đã nhận hỗ trợ 1 doanh nghiệp đóng gói, bảo quản quả nho tươi, ngon trong khoảng 2 tháng để gia tăng cơ hội đưa sản phẩm đến với đông đảo khách hàng.
Tại cuộc tọa đàm, Làng Nông nghiệp thông minh-Techfest quốc gia đã trao 3 gói hỗ trợ: 3 gói miễn phí hỗ trợ tư vấn, tài trợ công nghệ bảo quản, chế biến, đóng gói nông sản cho 3 doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Cao Bằng; 20 gói công nghệ phần mềm nhận diện, quảng bá thương hiệu sản phẩm tổng trị giá 400 triệu đồng; hỗ trợ 10 triệu đồng trao thưởng trong sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết