Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Tuệ Nghi
Tăng trưởng quý I/2024 cao nhất kể từ năm 2020
Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so cùng kỳ năm trước là mức cao nhất của quý I từ năm 2020 đến nay.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% là khá phù hợp với các diễn biến kinh tế trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98% do hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục ổn định, đáp ứng nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 6,28% nhờ hoạt động công nghiệp chế biến đang dần tích cực với nguồn cung nguyên liệu và máy móc thiết bị từ nhập khẩu được bảo đảm; sản xuất điện tăng cao bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tiêu dùng.
Đáng lưu ý, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang phục hồi rõ nét hơn. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, ngành chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ, phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ, đạt mức cao nhất của quý I các năm từ 2020 đến nay. “Mức tăng này dự báo sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trở lại cũng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 17% và nhập khẩu tăng 13,9% so cùng kỳ. Cán cân thương mại, quý I duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 8,1 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, trong đó một số hoạt động dịch vụ cũng khá sôi động, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi phục vụ xuất khẩu tăng mạnh; hoạt động du lịch có bước tăng trưởng tốt trong ba tháng đầu năm 2024, tính chung quý I/2024, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,0%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,4%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%; doanh thu dịch vụ khác tăng 9,5%. Như vậy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý đầu năm là có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung.
2 kịch bản tăng trưởng
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, tuy tăng trưởng quý I/2024 chưa phục hồi bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 (trước đại dịch Covid-19) nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%.
Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng theo 2 kịch bản là 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao.
Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ-CP như sau:
Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP cả năm 6%. Cụ thể, quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP cả năm 6,5%. Cụ thể, quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.
Về diễn biến lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2024 giảm 0,23% so tháng trước. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, trên cơ sở tình hình thị trường trong nước quý I/2024, đánh giá tình hình thế giới và phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.
Các kịch bản lạm phát được xây dựng thông qua dự báo biến động giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…
Gửi phản hồi
In bài viết