Di tích Quốc gia Chiến thắng Cầu Cả.
Cầu Cả thuộc xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, cách thành phố Tuyên Quang 50km. Đầu cầu phía nam, một bên đường là núi Thẳm Hé, một bên là suối Yên Nguyên, hai bên bờ rậm rạp, địa hình thuận lợi cho những trận mai phục.
Từ tháng 4 năm 1945, huyện lỵ Chiêm Hoá đã được giải phóng, Uỷ ban nhân dân cách mạng châu Khánh Thiện được thành lập. Đầu tháng 6, quân Nhật mở nhiều đợt tấn công lên Chiêm Hoá. Chúng dùng một cánh quân từ Chợ Đồn (Bắc Kạn) đánh xuống, một cánh quân từ Tuyên Quang đánh lên, bao vây càn quét vùng giải phóng. Vì vậy, đại đội chủ lực Giải phóng quân của tỉnh được điều đến Yên Nguyên đánh địch.
Trận thứ nhất diễn ra vào ngày 6-6-1945. Trận địa bố trí đầu cầu phía nam, Trung đội 2 làm chủ lực, Trung đội 1, Trung đội 4 yểm trợ. Sau hai ngày phục kích, quân ta đã tiêu diệt khoảng 30 tên địch, còn lại, chúng đóng quân ở Chợ Bợ.
Bia di tích Chiến thắng Cầu Cả.
Chưa chịu từ bỏ ý định, ngày 16-6-1945 địch lại tến công lên Chiêm Hoá. Lần này, quân ta bố trí trận địa cả hai đầu cầu và tiếp tục tiêu diệt được 30 tên địch. Trận thứ ba diễn ra ngày 24-6-1945, quân Nhật lên đến Chiêm Hoá, được tin cánh quân Chợ Chu bị đánh ở Đầm Hồng nên rất hoang mang. Quân ta chủ trương đánh tiêu diệt sinh lực địch. Ba trung đội chủ lực, dân quân các xã Yên Nguyên, Hoà Phú, Vinh Quang phối hợp chặn địch. Lần này quân ta tiêu diệt được 50 tên địch. Như vậy, ba trận đánh Nhật ở cầu Cả, đã giúp bảo vệ an toàn vùng giải phóng Chiêm Hoá.
Còn trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, hòng kết thúc nhanh chóng chiến tranh xâm lược Việt Nam, tháng 10/1947 thực dân Pháp tập trung 12 ngàn quân với 2 gọng kìm mở cuộc tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Sau khi bị quân ta đánh tổn thất, quân Pháp rút lui từ Chiêm Hoá về Tuyên Quang. Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực nhanh chóng triển khai trận địa đón đánh địch.
Theo đó, Tiểu đoàn 718, Trung đoàn 112 Hà Tuyên được điều động phục kích ở khu vực cầu Cả. Trận địa bố trí trên chiều dài hơn 1km, có lực lượng du kích địa phương phối hợp. Chiều 5-11-1947, quân địch đến vị trí trận địa, đại đội làm nhiệm vụ khoá đuôi, dùng trung liên bắn vào đội hình đi cuối, dồn địch về phía cầu để hai đại đội còn lại tập kích. Quân địch bị bất ngờ, khá lâu mới bắn trả được. Sau hai giờ chiến đấu, gần 100 tên địch bị tiêu diệt, bộ đội ta rút về nơi an toàn.
Chiến thắng cầu Cả trong chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 đã góp phần tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Với ý nghĩa lịch sử quan trong đó, năm 2001, Di tích cầu Cả được xếp hạng Di tích Quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết