Cây nỏ, mũi tên đã đi vào truyền thuyết dân gian và lịch sử dân tộc. Trong truyện cổ các dân tộc đã đề cao những tráng sĩ dũng mãnh trong cánh nỏ, đường tên. Những thiện xạ bách phát, bách trúng, một mũi tên bắn trúng tới hai đích hoặc xuyên hai vật cản. Một mũi tên bắn trúng nhiều đích đã là ước nguyện của bao người.
Xưa, cây nỏ là vũ khí bảo vệ làng bản chống lại thú dữ và là phương tiện săn bắn "đệ nhất" của người dân tộc thiểu số. Thân nỏ thường dùng gỗ dẻo để làm, tránh bị cong vênh. Cánh cung được làm bằng tre già có độ cứng và độ đàn hồi cao. Dây cung được làm từ các loại dây rừng tước lấy vỏ, phơi khô rồi bện thành sợi. Tên nỏ thường dùng gốc tre già rắn chắc thân dọc một gióng, vót tròn dài từ 40 đến 50 cm.
Hằng năm, tại nhiều bản làng cứ vào dịp thu hoạch lúa mùa, ngày lễ, tết ăn cơm mới, bà con tổ chức cúng tổ tiên và vui hội. Đồng thời tổ chức thi bắn nỏ để chọn ra người tài của bản làng. Không chỉ có các chàng trai mà các cô gái cũng ngày đêm luyện tập để thể hiện tài nghệ bắn nỏ của mình.
Ngày nay, bắn nỏ trở thành môn thể thao truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nhiều người đến với môn thể thao này bởi sự giản đơn, không cần phải đầu tư nhiều. Dụng cụ thi đấu đều do các vận động viên tự chế tác cho phù hợp với bản thân, thời gian luyện tập có thể tranh thủ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên đây là môn thể thao đòi hỏi tính chính xác cao nên phải rèn luyện thường xuyên, liên tục. Để bắn được “trăm phát trăm trúng” thì đòi hỏi người chơi phải có đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh, tinh thần vững vàng và tâm lý ổn định.
Hiện tại, để phát triển môn thể thao bắn nỏ, tỉnh đã có những định hướng khuyến khích các địa phương thường xuyên mở luyện tập tại các xóm, bản. Đồng thời tổ chức các hội thi thể thao để các vận động viên thể hiện tài năng.
Gửi phản hồi
In bài viết