Chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

- Sáng 23-4, UBND tỉnh tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 4. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

 

 

 

Toàn cảnh phiên họp.

Dự họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố.

Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt việc thực hiện Quy chế làm việc của UBND tỉnh. Theo đó, qua 1 năm thực hiện quy chế mới đã đi vào nền nếp; công việc chỉ đạo điều hành thuận lợi, kinh tế - xã hội có bước phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện có lúc, có việc chưa nghiêm; việc thực hiện kỷ cương chưa chặt chẽ; nhiều dự thảo văn bản do sở ngành trình UBND tỉnh chưa đảm bảo về thời gian và chất lượng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vào tình trạng còn né tránh việc tham mưu, trả lời các văn bản của một số sở, ngành; việc phối hợp xử lý công việc giữa các sở, ngành còn yếu…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp.

Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện thành phố cần chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, chịu trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao. Đối với hồ sơ tài liệu trình UBND tỉnh, các sở, ngành phải đảm bảo các căn cứ pháp lý và các quy định của pháp luật, thể hiện rõ quan điểm giải quyết.

Các sở, ban, ngành cần bám sát Quy chế làm việc, bám sát sự chỉ đạo Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình công tác của UBND tỉnh để triển khai tốt nhiệm vụ.

Các đại biểu dự phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4.

Cho ý kiến trực tiếp 5/10 nội dung trình tại phiên họp

Quyết định sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 10/2021/QĐ UBND ngày 25 - 8 - 2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã phù hợp với quy định hiện hành. Cho ý kiến vào dự thảo này, đại biểu trao dổi đề nghị cần lấp các khoảng trống pháp lý trong văn bản.

Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2024 nhằm đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thực hiện điều chỉnh vốn, bổ sung danh mục, tăng tổng mức đầu tư nhưng không làm thay đổi nguồn vốn, mức vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho các dự án, tiểu dụ án, nội dung thành phần. Các đại biểu nhất trí đây là nội dung cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Việc điều chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về điều chỉnh vốn đầu tư công, mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định liên quan.

Đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Về việc điều chỉnh vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã chuyển nguồn sang năm 2024 theo nguyên tắc đảm bảo không vượt quá tổng dự toán ngân sách nhà nước và không thay đổi cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền giao. Đại biểu đề nghị cần phải có rà soát kỹ hơn vốn sự nghiệp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương làm rõ số lượng chi sự nghiệp, báo cáo UBND tỉnh để trình Thường trực Tỉnh ủy trước khi ban hành; rà soát lại các quy định để có hướng dẫn cụ thể.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo trình bày dự thảo điều chỉnh vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, mục tiêu là khoanh, tạm thời cấm để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND huyện, thành phố trong công tác bảo vệ; cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không bị chống lấn vào quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Kết quả đã khoanh định được 1.794 khu vực cấm, tạm thời cấm với tổng diện tích hơn 268,3ha.

Đối với việc này, đại biểu đề nghị phải có đánh giá tác động của việc ban hành khoanh định nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng không quả lý được thì cấm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là việc cần thiết, tuy nhiên, khi triển khai cần thận trọng. Sở Tài nguyên và Môi trường phải cam kết tuân thủ theo các quy định, đảm bảo việc việc khoanh định vừa tuân thủ pháp luật, vừa không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thược cho ý kiến vào Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.

5 nội dung còn lại, các thành viên UBND cho ý kiến bằng văn bản, bao gồm: Kế hoạch điều chỉnh Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 9/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 8/3/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030; Kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân tỉnh Tuyên Quang, năm 2024.  

Tin, ảnh: Việt Hòa

Tin cùng chuyên mục