Phụ nữ Mông xã Kiến Thiết đi chợ phiên với chiếc gùi truyền thống của dân tộc mình.
Ông Giàng Seo Sình, thôn Làng Un, xã Kiến Thiết cho biết, người Mông chủ yếu sinh sống trên những vùng núi cao, dưới các thung lũng, sườn đồi, đi lại khó khăn, hiểm trở. Bởi vậy chiếc gùi vẫn là công cụ vận chuyển hiệu quả. Khi đeo gùi trên đôi vai, trọng tâm hàng hóa thấp xuống, người gùi phải hơi nhoai người về phía trước để giữ thăng bằng nên việc lên dốc hay xuống dốc rất an toàn. Trong khi gùi hai cánh tay được rảnh để bấu vào vách đá, cây rừng hay một chiếc gậy để chống đi đường xa cho có lực, đỡ mỏi.
Để tìm hiểu sâu hơn về chiếc gùi, chúng tôi phải băng qua một quãng đường đất đầy khó khăn để vào được nhà ông Giàng Văn Lai, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết.
Ông Lai lôi mấy cái gùi treo trên gác bếp bám đầy bồ hóng bảo: “Cái này đan từ năm ngoái, vụ ngô xuân này có thể mang ra dùng được rồi”. Hướng dẫn chúng tôi về cách làm chiếc gùi độc đáo này, ông Lai xuống khe suối vớt một số thanh tre đã ngâm kỹ lên rửa sạch, phơi khô. Ông Lai khẳng định nó sẽ rất bền, không bị mọt. Đối với người Mông, đan gùi là công việc quan trọng thường dành cho người đàn ông. Loại tre được chọn phải già, tốt nhất là loạt tre gai có cật dầy, càng dùng cật tre càng bóng. Công đoạn chẻ nan cũng rất tỉ mỉ. Nan to khoảng 1 cm được vót nhẵn chỉ lấy phần cật.
Đan gùi cũng như công việc thổi khèn thuộc về đàn ông Mông nên ai cũng phải biết. Bắt đầu từ ông truyền sang bố, bố lại dạy lại con. Để sau này tự lập gia đình riêng phải biết đan gùi cho vợ, con đeo. Trong đời người đàn ông Mông có thể phải đan cả trăm chiếc gùi, bởi sau vài năm chiếc gùi lại hỏng hoặc xuống cấp cần đan cái mới hơn nữa tùy độ tuổi mà đan gùi to, nhỏ, kích thước khác nhau. Anh Sùng Seo Gì, thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết tâm sự, học đan gùi không phải là dễ, nó khó hơn đan rổ. Vì chiếc gùi hình trụ cao tầm 60 cm loe dần lên phần miệng nên để đan nó đẹp cần nhiều kỹ thuật. Đầu tiên phải đan phần đáy hình vuông trước, sau đó đan thứ tự từ đáy lên miệng tới phần cạp cuốn tròn, phần cật đẹp phải hướng ra ngoài tạo độ thẩm mỹ cho chiếc gùi. Lượt đầu đan hơi thưa để định hình chiếc gùi, lượt sau từ miệng luồn qua các lỗ thưa còn lại khóa hai lớp tại đáy tạo độ vững chắc. Để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan cuốn thêm nan mây hoặc song nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Gùi có hai dây đeo, ngày xưa người Mông thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, đỡ đau vai, ngày nay dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đàn ông.
Người Mông thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đan gùi để gác bếp dùng dần.
Người Mông xã Sinh Long (Na Hang) thường đan gùi từ năm trước, để gác bếp mùa vụ năm sau mới đưa ra dùng. Vào dịp Tết, chiếc gùi cũng được gia chủ dán giấy đỏ làm lễ nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Trong gia đình người Mông, ai cũng có gùi riêng tùy theo độ tuổi của mình. Có loại gùi chỉ dùng chuyên đi nương, có loại đẹp hơn thì dùng đi chợ. Khi lên nương làm rẫy hay đi rừng người Mông luôn đeo chiếc gùi trên lưng để đựng nắm cơm, chai nước, công cụ lao động. Lúc trở về nhà, bên trong chiếc gùi sẽ chất đầy rau xanh, măng rừng, những bó củi hay những bắp ngô. Ở nhà, chiếc gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm. Mặc dù chiếc gùi là sản phẩm đan đặc trưng của người đàn ông, nhưng nó lại gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Mông với chiếc gùi sau lưng và địu đứa con thơ bé đằng trước. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như các dịp đến chợ phiên, đó lại là niềm vui, sự hãnh diện của người phụ nữ Mông khi đeo chiếc gùi xuống chợ, mang theo những nông sản ra chợ bán.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, song chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Mông. Nó không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là nét văn hóa riêng vốn có tiêu biểu của đồng bào Mông.
Gửi phản hồi
In bài viết