Lãnh đạo huyện Chiêm Hoá và xã Yên Nguyên đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Di tích khảo cổ địa điểm chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Dự lễ đón nhận có đồng chí Hà Quang Dự, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao quốc gia, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Hà Việt Nam. Về phía tỉnh có đồng chí Mai Đức Thông, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chiêm Hoá và cán bộ, nhân dân xã Yên Nguyên.
Các đại biểu dự buổi lễ.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông, toạ lạc tại thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá). Ngôi chùa do một dòng họ thế tập đứng ra xây dựng, người chủ trì là Hà Hưng Tông, hậu duệ thứ 15 giữ chức châu mục châu Vị Long. Đây là ngôi chùa cổ nhất hiện ở Tuyên Quang, là nơi còn lưu giữ được tấm bia quý giá từ thời Lý. Trải qua thăng trầm của nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn cùng với những cổ vật quý giá còn sót lại, đã trở thành tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu, tìm hiểu. Năm 2013, tấm bia thời Lý được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tháng 12-2023, Di tích khảo cổ địa điểm chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia.
Các đại biểu tham gia Lễ hội Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Di tích khảo cổ chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xếp hạng Di tích quốc gia không chỉ là sự tôn vinh, khẳng định những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chiêm Hoá nói chung và xã Yên Nguyên nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đây cũng là 1 trong 10 di tích quốc gia trong tổng số 146 di tích trên địa bàn huyện được xếp hạng.
Nhân dân và du khách tham quan chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Ngay sau lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đã diễn ra Lễ hội chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ bao gồm các nghi lễ cúng phật, lễ cúng dường Đại lễ Phật Đản năm 2024 với nghi thức tắm phật và phóng sinh; phần hội với nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, chơi các trò chơi dân gian, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương...
Gửi phản hồi
In bài viết