Những con số "biết nói"
Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, song với tư duy đột phá, quyết liệt đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát vấn đề, sát cơ sở, gần dân, có trách nhiệm với dân của các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tạo ra được một số kết quả rõ nét ở các ngành, địa phương, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đề ra, nổi bật như: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2020 - 2022 tăng 3,1%/năm (đạt 51,7% so với mục tiêu Nghị quyết).
Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 39,3 triệu đồng/người (đạt 70,2% Nghị quyết). Giai đoạn 2021 - 2022, hoàn thành xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (Tân An, Kiên Đài, Hùng Mỹ), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đạt 12/23 xã, đạt tỷ lệ 52,2% (đạt 50% Nghị quyết).
Một góc thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) hôm nay.
Năm 2022 thu hút trên 130.000 lượt khách du lịch (đạt 86,7% Nghị quyết); thu ngân sách Nhà nước đạt 84,8 tỷ đồng (đạt 84,8% Nghị quyết); 100% xã, thị trấn giữ vững phổ cập giáo dục các bậc học (đạt 100% Nghị quyết); có 20/24 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 83,3% Nghị quyết). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 - 2022 giảm bình quân 4,24% (đạt 106% so với mục tiêu Nghị quyết). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%;...
Liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra, những năm gần đây huyện Chiêm Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Xã Hùng Mỹ là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của huyện Chiêm Hóa. Mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đồng chí Ma Đình Sắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, hiện tổng đàn trâu, bò của xã là 2.248 con, trong đó có gần 30 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2021, sản phẩm thịt trâu tươi và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thành Công đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tạo dựng sản phẩm đặc trưng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết trồng ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật, liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) trồng với diện tích 16,5 ha, tập trung ở các xã Tân Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý, Linh Phú, Kim Bình.
Hay như mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thực hiện trên diện tích 257,4 ha, sản lượng đạt trên 2.600 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 2,1 tỷ đồng… Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.
Còn nhiều việc phải làm
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, huyện Chiêm Hóa vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt kế hoạch như: diện tích trồng mía, giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tiến độ thi công, giải ngân một số công trình, dự án và việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm…
Người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) liên kết nuôi gà ri.
Huyện đề ra các giải pháp đồng bộ để triển khai như: Đẩy nhanh tiến độ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, duy trì phát triển ổn định; lồng ghép các nguồn lực triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới phù hợp với điều kiện của huyện; tập trung phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao; tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với quy hoạch, đảm bảo các vùng nguyên liệu tại địa phương; Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt so với nghị quyết.
Gửi phản hồi
In bài viết