Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết chỉ đạo Đảng ủy Mặt trận khắc phục mọi khó khăn, quyết đánh thắng quân địch và huy động toàn lực của nhân dân, của Đảng và Chính phủ làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghị quyết nêu rõ: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh thuộc Liên khu 3, Liên khu 4, Việt Bắc, Tây Bắc... đã nỗ lực vượt bậc chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, với mưa lũ, quyết huy động mọi nguồn sức mạnh của hậu phương, chiến tranh nhân dân thực hiện thắng lợi mọi việc bảo đảm cung cấp tiếp tế cho bộ đội.
Xe tăng địch phản kích bị bắn cháy trên đồi A1. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ở ngoài mặt trận, tranh thủ lúc tạm ngưng tiến công, các đơn vị kịp thời chấn chỉnh bổ sung quân số, trang bị và tiến hành việc tổng kết kinh nghiệm huấn luyện bổ sung. Một số phân đội mới như đơn vị hỏa tiễn 122mm và một số đại đội ĐKZ-75mm được tổ chức ngay tại mặt trận. Do bộ đội đã trải qua một cuộc chiến đấu dài ngày trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn dẫn tới sức khỏe bị giảm sút nhiều nên Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị ra sức phấn đấu "bình thường hóa sinh hoạt" tổ chức tốt việc ăn ngủ, giải trí cho bộ đội. Công tác vệ sinh phòng bệnh và giữ vệ sinh chiến hào được coi trọng. Công tác điều trị thương, bệnh binh tại mặt trận đã được thực hiện ngày càng tốt hơn, góp phần nhanh chóng khôi phục lại sức chiến đấu của các đơn vị.
Sáng 19-4, ba mũi hào của Trung đoàn 36 đã đâm thẳng vào sát hàng rào của địch tại cứ điểm 206. ĐKZ bắn sập dần những ụ súng ở tiền duyên. Trong đêm thỉnh thoảng lại có một loạt súng cối nã vào vị trí. Quân địch luôn luôn thấp thỏm tưởng là trận đánh đã bắt đầu. Máy bay phải thả dù tiếp tế trực tiếp xuống cứ điểm. Nhưng những tên lính không dám rời hầm ra lấy dù vì sợ đạn bắn tỉa của ta.
Cứ điểm 206 kêu cứu với Mường Thanh. Không thể để mất tiếp vị trí này, vì mất nó là mất sân bay, De Castries buộc phải điều hai trung đội bộ binh và hai xe tăng, cùng một trung đội lê dương từ khu vực trung tâm tiến ra dưới sự yểm hộ của pháo binh, lấp các chiến hào. Trung đội bảo vệ chiến hào của ta buộc phải lùi ra xa, dùng súng bắn tỉa quân địch. Mặc dù máy ngắm súng ĐKZ bị hỏng, nhưng đồng chí Trần Đình Hùng đã bình tĩnh lắp đạn, ngắm mục tiêu qua nòng súng và bắn cháy một chiếc xe tăng. Chiến công của anh đã kết thúc công việc lấp đường hào, buộc địch phải rút lui.
Để bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, năm 1954 Pháp đã huy động 10 xe tăng, thuộc dòng xe M24. Đây là loại xe tăng hạng nhẹ do Mỹ chế tạo năm 1943, được đưa vào sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong đó có một xe tăng chỉ huy, 9 chiếc còn lại bố trí thành 3 phân đội. Xe tăng chỉ huy và hai phân đội chốt tại Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một phân đội ở phân khu Nam. Kết thúc chiến dịch, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt 8 xe tăng và thu 2 chiếc nguyên vẹn. Trong đó 3 chiếc đang được trưng bày tại chân đồi A1, cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: vnexpress.net.
Các chiến sĩ Trung đoàn 36 cũng bắt đầu gặp một khó khăn mới. Chiến hào vào gần cứ điểm thì "con cúi" giảm tác dụng, nó không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ trong đồn ném ra và còn làm lộ vị trí của bộ đội. Một số chiến sĩ bị thương. Tốc độ đào chiến hào bị chậm lại hẳn. Mấy chiến sĩ, vốn là du kích ở địch hậu, đề nghị cho đào dũi, khoét ngầm dưới mặt đất vào tới lô cốt địch, vừa giảm thương vong vừa đảm bảo yếu tố bí mật. Lúc đầu cán bộ ngại làm theo cách này sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị. Nhưng khi cho một tổ đào thử, thấy không chậm hơn đào chiến hào lộ thiên, vì có thể đào cả ban ngày. Phương án đào dũi được chấp nhận, tuy có vất vả, nhưng tránh được thương vong.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Gửi phản hồi
In bài viết