Ngày 26-4, tướng Candera trở lại Sài Gòn. Candera đề cập tới việc sẽ dùng 80 máy bay ném bom xung quanh thung lũng Điện Biên Phủ và khu vực hậu cần Tuần Giáo, do những phi hành đoàn Mỹ - Pháp kết hợp. Cuộc hành binh sẽ được thực hiện trong 62 giờ và cử một sĩ quan cao cấp từ Sài Gòn bay tới Clark Field để chuẩn bị thực hiện kế hoạch Chim kền kền, giải vây cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nếu tập đoàn cứ điểm không ngừng thu hẹp thì khu vực dành cho người bị thương và người chết cũng không ngừng phát triển. Công binh Pháp ra sức đào thêm những nhánh hào mới để mở rộng bệnh viện nhưng vẫn không đủ chỗ cho thương binh. Nhiều thương binh phải nằm ngay tại cứ điểm. Chiếc máy xúc duy nhất còn lại chỉ sử dụng vào việc đào hố chôn người chết.
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Danh mục đồ tiếp tế cho Điện Biên Phủ có thêm một yêu cầu khẩn cấp, đó là thuốc khử trùng DDT. Ruồi nhặng kéo tới đẻ trứng trên những vết thương. Thương binh nặng nằm trên những chiếc giường ba tầng, sáu người trong một căn hầm nhỏ. Nhiều người bị thương sọ não và mắc chứng hoại thư. Máu mủ của những người nằm bên trên chảy xuống những người nằm bên dưới. Những cẳng tay, cẳng chân, những ống tiêm chôn ngay trong đường hầm. Khi trời mưa, nước bên ngoài chảy vào, tất cả lại lềnh bềnh nổi lên. Phần lớn những bộ phận lọc nước đã bị hỏng. Những viên chỉ huy ra lệnh cho binh lính đào giếng. Nhưng chỉ thấy một thứ nước váng dầu đục ngầu. Sân bay đã bị bỏ, quân địch lấy những tấm ghi về lát trên đường hào, phủ đất để tránh mảnh đạn. Những tấm ghi này biến họ thành những con chuột ngày cũng như đêm, sống thui lủi trong bóng tối. Rời công sự đi lượm dù hoặc lấy nước là làm mồi cho các loại súng bắn tỉa, khó trở về an toàn. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khẩn thiết yêu cầu gửi thật nhiều kính tiềm vọng, vì nhô đầu lên khỏi chiến hào để quan sát sẽ gặp vô vàn nguy hiểm.
Vòng vây thu hẹp, tiếp tế và tiếp viện trở nên cực kỳ khó khăn. Những phi công Mỹ làm công việc này đã được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra, khi phải bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có súng cao xạ và súng phòng không chờ sẵn. Riêng trong ngày 26-4, 50 máy bay trúng đạn trên bầu trời Điện Biên Phủ và ba chiếc bị bắn hạ, trong đó có một máy bay B26 và hai chiếc Hellcat của Hạm đội 11, do phi công Mỹ lái. Đêm hôm đó quân địch tại Hà Nội hứa tăng viện 80 người, nhưng chỉ thả dù được 36 người; hứa thả 150 tấn hàng tiếp tế, nhưng chỉ thả được 91 tấn với 34% rơi vào phía ta.
Bộ đội ta bắt sống tù binh Pháp. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ngày 26-4-1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tấn công đợt ba để quyết định số phận quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bắt đầu khai mạc. Thời gian đầu, hội nghị tập trung bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên, chưa bàn về vấn đề Đông Dương.
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ
Tại trận địa Pa Luông, Đại đội 829 thuộc Tiểu đoàn 394 bắn rơi một chiếc máy bay B26. Cùng ngày, tại trận địa Khe Chốt, Đại đội 817 cũng bắn rơi một máy bay B26 bắt sống 2 phi công.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ - nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Gửi phản hồi
In bài viết