Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Sự chỉ đạo chiến lược quân sự đúng đắn, tài tình, coi trọng cả “diện” và “điểm”
Đến cuối năm 1953, cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã kéo dài 8 năm, nhưng ngày càng lâm vào thế bị động trên khắp các chiến trường. Quân đội ta đã phát triển ngày càng lớn mạnh với lực lượng chủ lực gồm 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 316, 320, 325) và 1 đại đoàn công-pháo (351), giải phóng và làm chủ nhiều khu vực ở Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng), Đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu 5 và Tây Nguyên.
Ngày 7/5/1953, Chính phủ Pháp điều Trung tướng Henri Eugène Navarre sang thay Tướng Raoul Albin Louis Salan làm Tổng Chỉ huy Lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Viên Tổng chỉ huy mới xây dựng “Kế hoạch Navarre”, hoạch định chiến lược quân sự nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Dương. Kế hoạch Navarre chia làm hai giai đoạn: Đông-Xuân 1953-1954, tập trung xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh gồm 44 tiểu đoàn, có một sư đoàn lính dù; tổ chức phòng ngự chiến lược tại Bắc Kỳ; thực hiện tiến công chiến lược tại Trung Kỳ; tổ chức quân ngụy thành 168 tiểu đoàn (300.000 quân). Thu-Đông 1954, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm mạnh; tập trung lực lượng cơ động tại chiến trường Bắc Bộ thực hiện tiến công chiến lược nhằm tiêu diệt Quân đội Việt Minh, kết thúc chiến tranh.
Đến tháng 1/1954, Mỹ đã viện trợ cho quân đội Pháp 360 máy bay, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng máy và súng trường, tổng giá trị 1,1 tỷ USD, chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
Sau Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, vùng giải phóng của ta đã thông với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đầu năm 1954, cơ quan tình báo Pháp thu thập được thông tin Trung Hoa Đỏ đã, đang và có thể sẽ viện trợ cho Việt Minh số lượng lớn vũ khí, đạn dược, phương tiện vận tải… và dự báo, Việt Minh có thể sử dụng “chiến thuật biển người”. Vì thế, H.E. Navarre càng quyết tâm xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh làm “cái bẫy” nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt.
Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn”, từ đó chỉ đạo thực hiện Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Chúng ta đã tiến hành thắng lợi các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó. Thế trận của địch bị phá vỡ.
Phân tích tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm quân sự rất mạnh, lực lượng địch lúc cao nhất lên tới 16.200 sĩ quan, binh lính; hệ thống trận địa, công sự rất kiên cố… nhưng nằm ở giữa vùng núi rừng, nếu đường bộ bị cắt đứt, đường hàng không bị khống chế thì khó trụ vững dài ngày; lực lượng cơ động của địch đã bị phân tán trên khắp các chiến trường Đông Dương.
Về phía ta, công tác bảo đảm vũ khí, đạn dược, hậu cần cho các đơn vị chủ lực quân số lớn, trong một chiến dịch dài ngày, xa hậu phương sẽ rất khó khăn, gian khổ… Nhưng ta có những thuận lợi cơ bản: bộ đội có tinh thần chiến đấu cao, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm đánh công kiên trong các chiến dịch 1953-1954, đã được huấn luyện đánh hiệp đồng binh chủng; ta có thể huy động nhân lực, vật lực từ những vùng giải phóng rộng lớn ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; chiến tranh nhân dân đã phát triển rộng khắp vùng Tây Bắc; thế và lực của cuộc kháng chiến đã và đang phát triển vững mạnh.
Từ đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm: Tập trung đại bộ phận quân chủ lực tinh nhuệ tiến công tiêu diệt địch trong tập đoàn cứ điểm, tạo ra sự thay đổi căn bản cục diện chiến tranh. Đây là quyết định rất táo bạo trong chỉ đạo tác chiến chiến lược, chuyển từ phương châm "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" sang phương châm “đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định”.
Các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Biên giới làm lễ xuất phát, khẩn trương hành quân ra mặt trận. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Phát triển nghệ thuật chiến dịch linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn chiến đấu
Lần đầu tiên ta tập trung một lực lượng gồm 4/6 đại đoàn bộ binh, gồm 15 trung đoàn (9 trung đoàn bộ binh), tổng quân số 61.800 cán bộ, chiến sĩ. Ta huy động được hơn 261 nghìn dân công làm nhiệm vụ vận tải đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, tử sĩ.
Ngày 26/1/1954, Đảng ủy - Bộ chỉ huy Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận, quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội đã kéo pháo vào các trận địa bao quanh thung lũng Mường Thanh lại kéo ra, tiếp tục giữ bí mật chờ lệnh mới.
Tổ chức thế trận bao vây, kết hợp tiến công và bao vây từng cụm cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn 49 cứ điểm của địch. Bộ đội ta đã xây dựng hệ thống chiến hào, trận địa dài hàng trăm cây số, hình thành vòng đai chia cắt dần từng phân khu, từng cụm cứ điểm của địch, chặn đứt đường bộ, khống chế đường hàng không, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch.
Tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, tập trung binh lực, hỏa lực đánh từng trận hoặc một số trận liên tiếp, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực trong từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là các điểm cao phía Bắc, phía Đông, từng bước tiến vào tiêu diệt phân khu trung tâm và Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Kết hợp linh hoạt giữa tiến công chính diện với các mũi vu hồi, thọc sâu; kết hợp các đợt đánh lớn với vây hãm, bắn tỉa, đưa pháo cao xạ áp sát sân bay Mường Thanh khống chế không phận, chặn đứt nguồn tiếp tế và tăng viện của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Phát triển chiến thuật tác chiến lên trình độ cao
Chiến thuật tác chiến công kiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển tới quy mô cấp đại đoàn, hiệp đồng binh chủng theo phương pháp chính quy, lần đầu tiên sử dụng pháo lớn, thực hành bắn chuẩn bị, chi viện trực tiếp và chế áp các trận địa pháo binh địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong đánh chiếm cứ điểm. Lần đầu tiên sử dụng pháo cao xạ phòng không hiệp đồng tác chiến cùng bộ binh.
Linh hoạt chuyển từ tiến công sang phòng ngự trận địa. Các đơn vị đã triệt để tận dụng địa hình, cải tạo trận địa cũ của địch để xây dựng trận địa phòng ngự; tổ chức lực lượng binh lực ít, hỏa lực nhiều, lực lượng chốt giữ trung tâm ít nhưng lực lượng dự bị cơ động ở bên ngoài nhiều.
Sáng tạo hình thức chiến thuật mới "vây, lấn, tấn, diệt", xây dựng trận địa tiếp cận địch kết hợp với bắn tỉa, sử dụng các phân đội nhỏ thường xuyên đánh lấn, tiêu diệt từng ụ súng, phá từng lô cốt, vây hãm địch, hiệu quả diệt được nhiều địch, ta thương vong ít.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy nghệ thuật quân sự Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao trong hoàn cảnh cụ thể.
Gửi phản hồi
In bài viết