Nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số

13:57, 26/06/2025

BHG - Qua 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021–2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Hoàng Su Phì truyền thông thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cho hội viên.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hoàng Su Phì truyền thông thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cho hội viên.

Chị Lù Thị Chúm, dân tộc Nùng, thôn Vó Thấu Chải, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) thuộc hộ nghèo. Qua tuyên truyền, vận động từ Tổ truyền thông cộng đồng, chị đã thay đổi tư duy làm kinh tế, mạnh dạn vay vốn cải tạo gần 2 ha vườn tạp. Từ mảnh vườn xanh tốt, chị cùng tổ phụ nữ cung cấp rau sạch cho các trường học bán trú từ 50–60kg rau/ngày, thu nhập trung bình từ 10-15 triệu/tháng. Từ một phụ nữ nhút nhát, chị Chúm đã vươn lên làm chủ kinh tế, trở thành tấm gương điển hình tại địa phương. Chị Chúm chia sẻ: Tham gia Tổ truyền thông cộng đồng thuộc Dự án 8 giúp tôi thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nhận ra phụ nữ có quyền tự quyết, làm chủ trong gia đình. Tôi sẽ cùng các chị em tiếp tục tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì hiện có 24 cơ sở hội, trên 14.800 hội viên với hơn 90% là phụ nữ DTTS. Thực hiện Dự án 8, Hội chỉ đạo các tổ chức cơ sở tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nổi bật, các cấp hội đã thành lập 93 Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn; giai đoạn 2021 – 2015, tổ chức 628 buổi truyền thông, thu hút trên 18.000 lượt người tham gia. Tổ chức 9 chiến dịch truyền thông với 212 buổi tuyên truyền xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; thành lập 22 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm nâng cao tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong cộng đồng; tổ chức 12 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo.

Phụ nữ người dân tộc Pu Péo (Yên Minh) tiếp cận thông tin qua Báo Hà Giang.
Phụ nữ người dân tộc Pu Péo (Yên Minh) tiếp cận thông tin qua Báo Hà Giang.

Đồng chí Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Hội đổi mới phương pháp tuyên truyền, giúp truyền tải thông điệp gần gũi hơn với người dân như: Lồng ghép trong sinh hoạt chi bộ, tại các buổi chợ phiên, phát tờ rơi, tổ chức tọa đàm, hội thi, chia sẻ thông tin qua mạng xã hội… Nội dung tuyên truyền không chỉ bám sát vào mục tiêu của Dự án 8, mà còn tập trung vào các vấn đề “nóng” của địa phương như: Phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; ngăn ngừa tự tử bằng lá ngón, ứng phó với biến đổi khí hậu, mua bán người và lừa đảo trên không gian mạng.

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh và UBND huyện Hoàng Su Phì vinh dự là hai trong số 20 tập thể tiêu biểu toàn quốc được T.Ư Hội LHPN Việt Nam biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong triển khai Dự án 8. Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: UBND huyện luôn sát sao chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với Hội LHPN tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ cách làm bài bản, đồng bộ, các thông điệp của Dự án 8 đã lan tỏa sâu rộng đến từng thôn, góp phần thay đổi tư duy cộng đồng, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trên địa bàn.

Hội LHPN Hoàng Su Phì ra quân tuyên truyền Dự án 8, tại thị trấn Vinh Quang.
Hội LHPN Hoàng Su Phì ra quân tuyên truyền Dự án 8, tại thị trấn Vinh Quang.

Tính đến nay, toàn tỉnh thành lập 1.125 Tổ truyền thông cộng đồng, 153 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, hỗ trợ xây dựng 41 tổ sinh kế do phụ nữ làm chủ và 422 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; duy trì hiệu quả 77 mô hình, câu lạc bộ bài trừ hủ tục; vận động 53.587 hộ gia đình ký cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tuyên truyền, thuyết phục hoãn tổ chức cưới cho 598 cặp vị thành niên chưa đủ tuôi đăng ký kết hôn. Hàng chục nghìn lượt phụ nữ DTTS được tiếp cận thông tin, tư vấn, hỗ trợ sinh con an toàn tại cơ sở y tế và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số.

Đồng chí Triệu Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Toàn tỉnh hiện có trên 180 nghìn hội viên, trong đó phụ nữ DTTS chiếm hơn 87%. Sau 4 năm triển khai, Dự án 8 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, chăm lo sức khỏe, tinh thần và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em DTTS. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt trong công tác truyền thông, xóa bỏ định kiến giới, hỗ trợ sinh kế và thúc đẩy vai trò phụ nữ trong cộng đồng.

Bài, ảnh:  HOÀNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từ 1/7, tăng nặng mức phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội
Từ 1/7, doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên 30 ngày sẽ bị phạt lãi 0,03%/ngày. Quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, tránh tình trạng nợ kéo dài, trốn đóng.
25/06/2025
12 trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế dù khám đúng tuyến
Đi khám sức khỏe, sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình… không được thanh toán bảo hiểm y tế dù người bệnh đi khám đúng nơi đăng ký ban đầu, đúng cấp bệnh viện đăng ký ban đầu.
24/06/2025
Tinh giản biên chế: Những người được hưởng chính sách khi chuyển công tác
Công chức, viên chức, người lao động được hưởng trợ cấp khi chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước.
24/06/2025
Từ 1/7, ai được miễn đóng BHXH bắt buộc?
Thêm nhiều đối tượng được miễn đóng BHXH bắt buộc, trong khi chủ hộ kinh doanh cá thể lần đầu phải đóng tối thiểu gần 600.000 đồng/tháng.
23/06/2025