Ngoài 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động là Công giáo, Phật giáo và Tin lành, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từng có 12 loại hình “tà đạo”, “đạo lạ” hoạt động, gồm: Ngọc phật Hồ Chí Minh, Văn hóa tâm linh vô sản Hồ Chí Minh, Hoàng Thiên long, Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ, Pháp luân công… Các loại hình “tà đạo”, “đạo lạ” trên chưa có hoạt động phức tạp chống Đảng, Nhà nước, không hình thành các tổ chức trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đa số các “tà đạo”, “đạo lạ”, hoạt động mang tính mê tín dị đoan, phản khoa học, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm, gây chia rẽ gia đình, mất đoàn kết trong cộng đồng, mất ổn định xã hội đã tác động tiêu cực đến kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần và công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ chiến sỹ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn các “tà đạo”, “đạo lạ” tái xâm nhập, nhất là trong dịp nghỉ lễ và lễ hội.
Với quyết tâm xây dựng tỉnh Tuyên Quang không có “tà đạo”, “đạo lạ”, tạo môi trường ổn định, thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Công an Tuyên Quang đã sớm ban hành “Cẩm nang công tác tuyên truyền, vận động và phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ”. Cẩm nang này đã tổng hợp các thông tin, tài liệu nghiên cứu, phân tích và kinh nghiệm để các đơn vị nghiên cứu, vận dụng trong công tác tuyên truyền, thông tin đến cán bộ, đảng viên và vận động nhân dân không tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xóa bỏ hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 3.270 buổi tuyên truyền, vận động trên 10.000 người dân hiểu rõ, đề cao cảnh giác, trách nhiệm trong đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn các loại hình “tà đạo”, “đạo lạ”. Lực lượng Công an đã tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia công tác đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn “tà đạo”, “đạo lạ”. Qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay, những người dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đã cam kết từ bỏ “tà đạo”, “đạo lạ”.
Thực tế, số đối tượng cầm đầu, cốt cán trong các “tà đạo”, “đạo lạ” luôn thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng danh nghĩa, hoạt động của các hội, nhóm, trung tâm, câu lạc bộ, công ty (được công nhận tư cách pháp nhân) để tuyên truyền, tán phát tài liệu, lôi kéo người dân tham gia “tà đạo”. Các đối tượng lập “phòng họp” trên phần mềm Zoom và gửi link qua phần mềm Zalo, Telegram cho tín đồ tham gia học, tập luyện và chia sẻ. Các bài giảng được biên soạn và tải trên website riêng của từng hội, nhóm... khiến lực lượng chức năng khó phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý.
Dự báo dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024, số lượng công dân đi học, làm ăn xa về quê nghỉ lễ và du khách đến tham quan, du lịch lễ hội rất đông nên không loại trừ khả năng các “tà đạo” sẽ lợi dụng để tái xâm nhập, tán phát tài liệu, tuyên truyền lôi kéo người dân tham gia. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng của tỉnh đã lên phương án áp dụng đồng bộ các giải pháp nắm tình hình, ngăn chặn xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an trong bảo vệ vững chắc kết quả đấu tranh, xóa bỏ các “tà đạo”, “đạo lạ”. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để tạo “miễn dịch” cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ bản chất, ảnh hưởng, hệ lụy và đề cao cảnh giác, không tin, không theo các “tà đạo”, “đạo lạ”.
Gửi phản hồi
In bài viết