Chuyện cây na leo núi đá ở Thống Nhất

- Ở vùng đất nhiều đá, khô hạn như ở thôn 1A Thống Nhất (Hàm Yên), nếu canh tác theo lối cũ rất vất vả mà hiệu quả không cao, thu nhập thấp và bấp bênh. Thời gian qua, được cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn, người dân ở thôn, đặc biệt là người Mông xóm Gò Đá đã chuyển đổi sang trồng cây na dai, na Thái, một loại cây khá phù hợp với đồi đá ở thôn lại cho thu nhập cao.

Na ngọt của người Mông Gò Đá

Dai, ngọt, đậm đà hương vị là cảm nhận của người được thưởng thức na dai của người Mông xóm Gò Đá.  Mới phát triển 3 năm nhưng cây na đã bắt đầu khẳng định được vai trò kinh tế chủ lực. Đang nhanh tay lựa những quả na mắt tròn xoe trái vụ trên đồi Gò Đá, anh Lý Văn Mỳ phấn khởi bảo: “Chị khách ở thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đặt 10 kg mang đi làm quà tận Hà Nội nên anh phải chọn quả thật đẹp để cắt. Để người Hà Nội thưởng thức na của người Mông rồi nhớ mãi chứ!”. Gói từng quả na vào giấy, anh Mỳ chia sẻ, gia đình anh có 300 gốc na, nhờ có cán bộ xã, huyện hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng và chăm sóc nên cây na cho quả tốt, đẹp lại năng suất. Quả na dai của người Mông Gò Đá đã bắt đầu được nhiều người tìm mua. Ngoài vụ na chính thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, gia đình anh đã học cách xử lý cắt tỉa, thụ phấn để cho ra vụ na thứ 2 thu hoạch tháng 11-12. Anh Mỳ áng chừng, năm 2024, gia đình anh thu hoạch được gần 2 tạ quả, sau khi trừ chi phí chắc cũng lãi trên 80 triệu đồng. Nguồn thu mà nhiều năm anh ao ước ở vườn đồi nhà mình!

Người Mông xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) giới thiệu na trên nền tảng xã hội.

Ông Thiên Văn Nùng, xóm Gò Đá khẳng định, gia đình ông năm nay thu khoảng 50 triệu đồng tiền bán quả na. Nhờ thu nhập từ trồng na nên đời sống của gia đình tôi cũng như 9 hộ người Mông xóm Gò Đá khá lên trông thấy. Ở thôn, giờ  không ai nói chuyện đói, nghèo mà nói chuyện chăm na, chăm rừng, nuôi trâu để làm kinh tế, làm giàu. Theo ông Nùng, qua mấy năm trồng cho thấy cây na chịu hạn khá tốt. Vì vậy, cây na thích hợp với đất núi Gò Đá, vừa thoát nước tốt, vừa thoáng khí. Ngoài bón thêm vôi, phân chuồng, phân vi sinh, phân tổng hợp, cây na phải được tỉa tạo tán, phun thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ rầy, rệp, thối rễ, ruồi đục quả. Những kỹ thuật này, người Mông được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn, hỗ trợ tận tình.

Khu Gò Đá giờ có trên 3 ha na dai trồng trên đất xen đá. Cây na phát triển xanh tốt, sai quả, vị ngon ngọt đậm đà. Tháng 12 nhưng mùi na chín tỏa hương khắp cả khe núi, triền đồi. Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn 1A Thống Nhất không giấu nổi niềm vui khoe, “na trái vụ của người Mông giờ đang chín rộ. Cây na, cây cam và rừng đang là cây trồng giúp người Mông thay đổi cuộc sống. Cái đói nghèo đang được đẩy lùi. Cả thôn bây giờ có hơn 30 ha cây ăn quả vừa cam, na, thanh long, trong đó người Mông cũng có gần 5 ha. Từ chăm lo phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Mông đang giảm nghèo hiệu quả.

Mở hướng phát triển

Ở thôn 1A Thống Nhất, ngoài na dai của người Mông, người dân còn đưa vào trồng na Thái, na sầu trên núi đá, hứa hẹn đem lại nguồn kinh tế lớn. Ông Ninh Văn Thanh đưa vào trồng 1.700 cây na Thái, na sầu trên khắp các sườn núi  của gia đình. Hiện nay, 500 cây đã cho quả bói. Ông Thanh khoe, na đang chín rộ. Giờ lại được giá, hiện đang bán từ 40 - 50 nghìn đồng/kg. Mới thu bói 3 lần đã đạt 400 nghìn đồng/cây. Mới thu cây na Thái còn na sầu lại chín vào dịp sau Tết Nguyên đán, đúng dịp lễ hội Động Tiên (diễn ra  vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng  năm) nên không có để bán cho khách thập phương. Na sầu có giá bán từ 80 nghìn đồng/kg nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Ninh Văn Thanh, giới thiệu na Thái, na sầu của gia đình.

Ông Thanh tâm sự, cơ duyên biết đến na Thái là do đi miền Nam chơi thấy họ bán thích quá nên mua mấy cây về trồng thử. Không ngờ phù hợp lại còn cho quả to. Vì thế đã nhân ra nhiều. Vừa làm vừa tìm hiểu kỹ thuật. Nhiều khi phải lặn lội đến nhà vườn ở các tỉnh học kỹ thuật. Ông Thanh cho biết: “Để trái na to đẹp, cây phải được tạo tán hợp lý, bón phân đúng loại và đúng lượng, hơn nữa chủ vườn phải thụ phấn và khống chế số trái phù hợp với sức nuôi của cây, quả na phải bọc lại từ lúc nhỏ bằng vỏ bọc chuyên dùng cho na”. Vườn na Thái của ông Thanh trồng trên núi đá cao, khoảng cách mỗi cây từ 10 - 15 m. Ông Thanh bảo, vừa rồi ông ghép lại một số cây để thân khỏe chịu được sức nặng của quả tốt hơn vì trung bình mỗi quả đạt từ 500 g - 900 g, mỗi cây để khoảng 30 quả là đạt tiền triệu/cây.

Chủ tịch UBND xã Yên Phú (Hàm Yên) Vũ Văn Sỹ khẳng định: “Qua mấy vụ na cho thấy, cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, nhất là những diện tích vạt đồi, chân núi xen đá có độ dốc vừa phải. Trồng na tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Khi nụ hoa nở hé phải tiến hành thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả to, tròn, đều, đẹp. Các giống na mới như na Thái, na sầu có nguồn gốc nước ngoài cũng phát triển tốt ở Yên Phú”.

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ổn định từ cây na, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân rộng diện tích cây trồng này ở những địa hình phù hợp để góp phần đa dạng các loại cây ăn quả vốn là “đặc sản” của đất Yên Phú. Thương hiệu cây ăn quả Yên Phú đã được nhiều người biết đến và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế vì thế xã đang xây dựng kế hoạch thành lập HTX na Thống Nhất để đầu ra của quả na thuận lợi hơn.  

Cây na dai, na Thái, na sầu đang góp phần làm đa dạng nguồn hoa quả “đặc sản” riêng có của Yên Phú và đang là nguồn lực kinh tế giảm nghèo, làm giàu ở thôn 1A Thống Nhất.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục