Chị Phonekeo sinh trưởng trong một gia đình nông dân Lào có 6 anh chị em, trên Phonekeo là 5 anh trai. Chị là con gái út nên được cả nhà cưng chiều. Gia đình Phonekeo có cả chục ha cây cao su và trang trại nuôi bò, những ruộng lúa bát ngát cò bay. Nhân lực nhiều vậy nhưng làm không hết việc, kinh tế cũng vì thế dần khấm khá. Nhưng Phonekeo vẫn muốn xin bố mẹ sang Việt Nam học nghề Dược. Chị học ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có phân hiệu ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Chính cơ duyên này Phonekeo mới gặp anh Đào Văn Hải quê Tuyên Quang xuống làm công nhân sửa chữa máy móc công nghiệp tại Khu công nghiệp Từ Sơn của Bắc Ninh.
Vốn tiếng Việt của chị Phonekeo khá phong phú, nhờ thế việc giao tiếp giữa hai người không có gì cản trở. Tình yêu và sự tin tưởng cứ thế lớn dần. Sau khi học xong đại học, năm 2020 Phonekeo và Đào Văn Hải tổ chức hôn lễ tại nhà trai tại thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú.
Vợ chồng Phonekeo và Đào Văn Hải.
Mẹ Hải, bà Nguyễn Thị Bính chia sẻ, lúc đầu con trai thông báo là đang yêu một cô gái người Lào, cả gia đình cũng phân vân, song khi Phonekeo về nhà ở, thấy con hòa đồng cả nhà rất mừng. Con dâu làm việc đồng áng, nội trợ rất tốt, giao lưu xóm làng chân thành, niềm nở, hiền lành, lễ phép, nhìn không khác gì một cô gái Tày quê mình. Một số người trong thôn biết tiếng Tày có giao lưu được với Phonekeo bằng tiếng Lào, vì tiếng Lào đến 60% giống tiếng Tày. Sự tương đồng, gần gũi về văn hóa khiến Phonekeo không có gì cách trở.
Khi hỏi Phonekeo tại sao dám quyết lấy một chàng trai Việt Nam đến từ Tuyên Quang. Chị Phonekeo cười nói, theo em ở đâu có tình yêu ở đó có quê hương, nhất là yêu một chàng trai người Việt Nam - người dân một đất nước láng giềng luôn son sắt, thủy chung mà em luôn ngưỡng mộ. Em là con gái út trong gia đình nên bố mẹ, các anh thấy em lấy chồng ở Việt Nam, xa nhà rất lo. Lo vì đường sá xa xôi cách trở. Lo vì con gái mấy năm mới được về nhà một lần. Lo vì con rể có hiểu, có yêu thương con gái mình không.
Sau khi lấy chồng có con, dịch Covid-19 ập xuống, giãn cách xã hội nên em không về nhà được. Vừa rồi em thu xếp cho chồng con về quê ngoại chơi. Cả gia đình, dòng họ bên Lào được gặp con rể, cháu ngoại ai cũng mừng rỡ. Em kể gia đình nghe ở xã Hòa Phú có thác Tát Lụa, khu rừng nguyên sinh Khuổi Nhầu. Ở Tuyên Quang còn có Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), nơi năm 1951 diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia để thành lập ở mỗi nước Đông Dương một Đảng riêng. Rồi ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) nơi có Di tích lịch sử cách mạng Lào ở Tuyên Quang, tại đây Hoàng thân Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏnphômvihản ở và làm việc lãnh đạo cách mạng Lào giai đoạn 1950-1951. Hiện tại gia đình Phonekeo ở lại Lào làm việc, Phonekeo là cán bộ y tế của xã Na Mương, huyện Mường Phương, tỉnh Viêng Chăn.
Tôi hỏi bên tỉnh Viêng Chăn, Lào có gì khác ở Việt Nam, anh Đào Văn Hải cho biết, bên quê nhà vợ anh cũng có những cánh đồng lúa nước, dãy núi đá vôi. Nhưng ở đây rừng còn nhiều, nhất là loài gỗ trắc. Vùng nông thôn Lào thanh bình với nhiều ngôi chùa linh thiêng, cổ kính. Trong văn hóa người Lào ngày nào cũng ăn cơm xôi, ăn cay giỏi và dùng rượu như người Tày Chiêm Hóa. Còn ở Hòa Phú, vợ Hải lại thích ăn chuối và món măng tây xào, thích đi chùa Hòa Phú hay Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên.
Hải bảo, em cũng biết ở xã Hòa Phú có một số bác, chú là bộ đội quân tình nguyện chiến đấu chống Mỹ giúp nước bạn Lào. Hiện giờ các bác, chú đều tham gia vào Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Tuyên Quang để thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó keo sơn Việt-Lào. Em với vợ em cũng mong muốn một ngày nào đó thuận lợi xin vào làm hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Tuyên Quang, nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết