Từ xây dựng làng quê đáng sống
Nếu về Trường Sinh 5 năm trước, người ta khó mà hình dung được, diện mạo của xã này lại thay đổi nhanh chóng đến thế. Tất cả là nhờ con đường ĐH 04 qua xã được nâng cấp, là nhờ sự đồng thuận hết mực của bà con trong xây dựng nông thôn mới.
8 km đường từ thôn Phan Lương đến thôn Hưng Thịnh đều có đường điện thắp sáng.
Cán bộ xã Trường Sinh có lẽ là người hiểu rõ nhất những vất vả khi mới bắt đầu vận động xây dựng, nâng cấp tuyến đường này. Chủ trương đã có từ nhiều năm trước, nhưng mãi đến năm 2020 mới bắt đầu khởi công. Từ trước đó, cán bộ xã đã đến từng thôn, vận động bà con nhân dân sẵn sàng hiến đất làm đường. Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Trường bảo, bà con phấn chấn lắm, vì con đường là mơ ước đã quá lâu rồi.
453 hộ gia đình bị ảnh hưởng, diện tích cần giải phóng gần 7.000 mét vuông - một khối lượng công việc không hề nhỏ. Trước khi triển khai, Đảng ủy, chính quyền xã Trường Sinh công khai toàn bộ nội dung và lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân. Mọi khúc mắc được trao đổi thẳng thắn, triệt để để bà con nắm được và đồng thuận cùng xã hoàn thành mục tiêu chung.
Thế nhưng, khi bắt tay vào việc, mới thấy nhiều hộ vẫn còn lấn cấn lắm. Đích thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đến tận nhà giải thích, vận động. Nhiều hộ dân, bức tường rào đã xập xệ, chiếc cổng nhà đã lung lay... đã cố chờ con đường hoàn thành, đất cần đến đâu sẻ chia đến đấy, nhưng thời gian vài năm trôi qua, họ vừa bỏ gần trăm triệu đồng xây cổng, tường rào, tiếc công tiếc của, nhưng nghe cán bộ xã nói về lợi ích của con đường, sẵn sàng bỏ tiền làm lại. Lại có hộ gia đình đã từng quả quyết “một tấc không đi, một phân không rời”, Chủ tịch UBND xã đến nhà tỉ tê, cũng sẵn sàng xã cần đất đến đâu sẵn sàng hiến đến đấy. Có hộ tránh mặt không gặp cán bộ xã, xã lại nhờ bạn bè với đôi chén nước chè để nhân đôi tiếng nói về lợi ích con đường...
Có đường, bà con lại bắt tay vào làm đường điện thắp sáng đường quê, để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mặt trận Tổ quốc xã vận động người dân các thôn dọc tuyến đường như Thái Thịnh, Đồng Tâm, Lương Thiện, Hưng Thịnh làm đường điện thắp sáng đường quê. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nguyễn Thanh Huê nhớ lại, năm 2021, xã thành lập một đoàn thực hiện nhiệm vụ này. 4 km đường điện đi qua 4 xã hoàn thành chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần.
Giờ thì cả đoạn đường 8 cây số từ thôn Phan Lương đến thôn Hưng Thịnh, giáp xã Hồng Lạc đều có đường điện thắp sáng.
Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Trường cười ví von, đêm về Trường Sinh lấp lánh bên dòng Lô như khoe cái dáng dấp của một làng quê thực sự đáng sống. Công này, đi đầu là công của bà con quê mình đấy!
Đến quy ước mới của làng
Những tưởng, hủ tục trong việc cưới, việc tang chỉ có ở những xã vùng cao, nơi đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn mới có. Nhưng ở Trường Sinh, xã vùng hạ huyện Sơn Dương, hủ tục vẫn còn. Anh Nguyễn Thanh Huê ngay khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã quyết tâm, phải xóa bỏ bằng được những gam màu tối này, để bức tranh quê mình chỉ còn những gam màu sáng đẹp.
Hạ tầng nông thôn ở Trường Sinh ngày càng hoàn thiện, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Nghe anh Huê liệt kê, mới thấy trong một đám tang của người dân nơi này đã xóa bỏ được quá nhiều hủ tục: Từ tục chèo đò, múa xin tiền, rải vàng mã ra đường đến chuyện đón thầy cúng xem ngày đưa tiễn người đã khuất.
Trong số này, nhiều hủ tục gây mệt mỏi cho gia chủ đã lâu như tục chèo đò và múa xin tiền.
Tục chèo đò, múa xin tiền trong đám ma của người Trường Sinh không rõ có từ bao giờ, nhưng theo thời gian, nó dần biến tướng không còn theo mục đích tốt đẹp ban đầu là đưa người quá cố về miền cực lạc nữa. Trong một đám tang, một người trong ban nhạc hiếu giả làm người lái đò và bắt đầu diễn. Trong lúc tiễn đưa người quá cố ra đồng. Mặc cho trời nắng chang chang hay mưa dầm gió bấc, đi được vài phút là người lái đò lại dừng lại, lúc thì mắc cạn, lúc thì sóng to, gió lớn, lúc thì đò thủng... và cuối cùng chỉ để xin được nhiều tiền. Như vậy gia chủ cũng chỉ biết khó chịu đứng chờ và rỉ tai nhau cho tiền to vào nón của người chèo đò để đò được đi nhanh hơn. Cứ như vậy, hành trình từ nhà ra nơi yên nghỉ của người quá cố bị dừng lại rất nhiều lần, với khoảng cách khoảng 1km, cuộc tiễn đưa người quá cố ra đồng cũng mất vài tiếng đồng hồ vì sự điều khiển của người lái đò. Múa xin tiền cũng như vậy. 9, 10 giờ đêm, thợ kèn vẫn “miệt mài” múa, khiến xóm làng mất ngủ, gia chủ mỏi mệt.
Ủy ban MTTQ xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã xây dựng lại quy chế đời sống văn hóa của xã và hương ước của các thôn, trong đó, quy định rõ trong các đám ma, không tái diễn cảnh chèo đò, múa xin tiền, không rải vàng mã trong quá trình đưa đám và không để người chết trong nhà quá 1 ngày... Gia đình nào vi phạm sẽ phải đóng mức phạt theo quy định của xã, của thôn. Quy định mới ban đầu cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người, nhưng cách làm của Trường Sinh là gia đình cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện trước.
Như nhà Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Trường có đám, cũng loại bỏ hoàn toàn các hủ tục cũ. Công việc diễn ra nhanh gọn, thuận lợi, bà con ai cũng nhìn thấy. Dần dà, nhà nhà học theo, làm theo, giờ thì ở Trường Sinh bà con đồng loạt thực hiện rồi.
Năm 2022, cá nhân Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Sinh (Sơn Dương) Nguyễn Thanh Huê được huyện khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác dân vận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Đảng ủy, UBND xã Trường Sinh được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gửi phản hồi
In bài viết