Đến nay, dù đã quá quen với việc cài đặt các phần mềm, ứng dụng và thiết bị để dạy học trực tuyến nhưng hẳn các thầy, cô giáo không thể quên được quãng thời gian mấy năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động chỉ đạo các trường chuyển sang dạy học trực tuyến. Ngoài việc nhờ các cán bộ của các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ thì mỗi thầy, cô giáo phải tự mày mò, học hỏi thêm về cách quay video, dựng hình rồi cả cách phát lên mạng xã hội, lên các ứng dụng... để học sinh có thể vào học tập trong những ngày ở nhà. Cô giáo Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nhớ lại, ban đầu việc ghi hình, đứng trước camera dạy học trực tuyến đối với mỗi giáo viên thật khó nhọc. Nhưng vì tình yêu đối với học trò, mong việc học của các em không bị gián đoạn, kiến thức không bị hổng nên các thầy, cô quyết tâm làm bằng được. Đến giờ thì mỗi thầy, cô giáo đều thành thạo sử dụng các phần mềm, ứng dụng để dạy học Online. Không chỉ dạy học Online, giáo viên và học sinh nhà trường còn tích cực tham gia các cuộc thi trực tuyến trên Internet, nhiều giáo viên, học sinh đã đạt được những giải cao.
Lớp học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) được lắp đặt các thiết bị kết nối Internet để học sinh ở lớp học trực tiếp và học sinh cách ly ở nhà học trực tuyến.
Có thể nói, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đối với việc dạy và học, nhưng trong “cái khó ló cái khôn”. Từ cái khó của việc dạy học trong mùa dịch đã tạo cho mỗi cán bộ, giáo viên sự quyết tâm thay đổi, việc chuyển đổi số ngày càng được quan tâm hơn. Thầy giáo Đỗ Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Na Hang nói, nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên phải có thiết bị máy tính kết nối Internet để dạy học trực tiếp kết hợp dạy học trực tuyến. Cùng với đó nhà trường thường xuyên cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do ngành tổ chức. Dù khó khăn đến mấy nhưng phải quyết tâm thực hiện bằng được chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả, hơn 80% học sinh đã được học tập trực tuyến trong các đợt dịch, đối với các học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến trường tổ chức dạy bù, bồi dưỡng thêm để học sinh bắt kịp với chương trình.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 30.000 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có các thiết bị để học tập trực tuyến, đây cũng chính là khó khăn rất lớn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Sau khi Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động trong cả nước, việc huy động, kêu gọi các nguồn lực cho chương trình cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai ngay trên địa bàn tỉnh.
Em Nguyễn Văn Lâm, lớp 12C10, Trường THPT Sơn Dương vừa qua đã được nhà trường tặng 1 chiếc điện thoại thông minh. Lâm cho biết, khi bố mẹ em ly hôn, em ở với ông bà tuổi đã cao, điều kiện khó khăn không mua nổi thiết bị để học trực tuyến, em phải chạy sang nhà bạn cách khá xa để học nhờ. Từ ngày được nhà trường tặng điện thoại mới em đã có thể chủ động hơn trong việc học tập của mình. Hiện dịch đã giảm, chúng em đã được tới trường học trực tiếp, nhờ có chiếc điện thoại thông minh đã giúp em lên mạng để tìm kiếm thêm thông tin bổ ích, tập làm các bài thi, việc học hiệu quả hơn rất nhiều.
Giáo viên Trường THPT Na Hang chuẩn bị nội dung bài giảng trên máy tính xách tay.
Trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai và thực hiện hiệu quả bước đầu việc chuyển đổi số, nhất là trong công tác dạy và học với nhiều nền tảng, ứng dụng được thực hiện như Google meet, Microsoft teams, Zoom, K12online của Viettel, LMS của VNPT... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại thì việc dạy học trực tuyến hoặc sử dụng các phần mềm, ứng dụng trong công tác dạy và học cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là hệ thống kết nối nhiều lúc thiếu ổn định, các phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác kiểm soát, quản lý giờ học khó khăn, vẫn còn cán bộ, giáo viên chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý...
Trước thực trạng trên, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tập đoàn VNPT, Viettel tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang năm 2022, định hướng đến năm 2030. Trong đó coi chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng số để xây dựng xã hội học tập. Ngành phấn đấu năm 2022 có 100% trường Trung học sử dụng sổ điểm điện tử, 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng học bạ điện tử đối với học sinh các lớp đầu cấp. Đến năm 2025 có 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản lý nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó, mỗi người học, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên được quản lý bằng một hồ sơ số, định danh thống nhất trong toàn tỉnh và liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% trường phổ thông có hệ thống dạy học trực tuyến và triển khai dạy học trực tuyến; đưa nội dung giáo dục kỹ năng số, chuyển đổi số vào 100% trường phổ thông; khuyến khích trẻ mầm non, lớp 1, 2 được tiếp cận công nghệ thông tin...
Gửi phản hồi
In bài viết